Theo đó, trong thời gian dịch bệnh phức tạp, tàu biển làm thủ tục điện tử vào, rời cảng qua cổng thông tin một cửa quốc gia. Cảng vụ hàng hải chỉ cấp phép cho tàu biển vào làm hàng sau khi được cơ quan kiểm dịch, CDC chấp thuận đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Quá trình hoạt động, phải lập danh sách người lên xuống tàu; Thiết lập lối đi riêng cho tổ chức, cá nhân lên tàu làm việc; Thiết lập khu vực làm việc ngoài cabin và nhà vệ sinh riêng để giao tiếp với tổ chức, cá nhân lên tàu làm việc. Thuyền viên mặc đồ bảo hộ lao động và thực hiện đầy đủ nguyên tắc phòng dịch khi ra ngoài cabin làm việc.
Đối với phương tiện thủy nội địa, thuyền trưởng liên hệ với đại diện của công ty hoặc đơn vị dịch vụ thực hiện làm thủ tục vào, rời cảng cho phương tiện.
Cảng vụ hàng hải sau khi làm thủ tục cho phương tiện sẽ gửi bản scan giấy phép vào, rời cảng, biên lai thu phí, lệ phí hàng hải điện tử cho doanh nghiệp cảng và phương tiện; đồng thời gửi giấy phép rời cảng tới cảng vụ nơi phương tiện đến.
Doanh nghiệp cảng tạm thu giấy phép rời cảng cuối cùng của phương tiện, bản khai và phí, lệ phí để chuyển cho cảng vụ hàng hải sau.
Bộ GTVT hướng dẫn vận tải biển và đường thuỷ lưu thông mùa dịch |
Thuyền viên trên phương tiện thủy nội địa chỉ đi bờ khi thực sự cần thiết và phải được sự cho phép của lực lượng chức năng; không tiếp xúc với thuyền viên tàu cập mạn.
Tất cả người trên xe ô tô, xe tải, xe rơ-móoc... ra, vào cảng biển phải xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19 kết quả âm tính theo quy định, giấy tờ hàng hóa và tuân thủ an ninh, tuân thủ sự kiểm tra, hướng dẫn của bảo vệ cảng.
Giấy xét nghiệm hết hạn thì phải test nhanh
Cũng trong ngày 27/8, Bộ GTVT cũng đồng thời ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải đường thủy nội địa trong thời gian dịch bệnh.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải đảm bảo hệ thống báo hiệu trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia, thực hiện điều tiết giao thông tại các vị trí trọng yếu để đảm bảo giao thông đường thủy nội địa được thông suốt, an toàn.
Sở GTVT các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tham mưu cấp có thẩm quyền tại địa phương xem xét, cho phép một số cảng, bến thủy nội địa hàng hóa đáp ứng các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch.
Phối hợp với cơ quan chức năng địa phương thực hiện xét nghiệm nhanh Covid-19 tại cảng, bến thủy nội địa, tại các chốt kiểm soát trên đường thủy.
Trường hợp thuyền viên, người lái xuất trình được bản chính giấy xét nghiệm còn hiệu lực, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn đúng quy định thì cho phương tiện lưu thông luôn qua chốt kiểm soát dịch.
Trường hợp thuyền viên, người lái phương tiện không xuất trình được bản chính giấy xét nghiệm còn hiệu lực hoặc chưa khai báo y tế thì thực hiện test nhanh tại chỗ hoặc tiếp tục hướng dẫn và xử lý theo quy định về phòng chống dịch.
Bộ GTVT cũng hướng dẫn cụ thể quy trình vận chuyển hàng hóa trên đường thủy nội địa tại các thời điểm trước, trong chuyến đi và trong thời gian lưu tại cảng, bến thủy nội địa.
Quá trình vận chuyển, phương tiện phải đi thẳng từ cảng, bến xuất phát đến cảng, bến đích ghi trên giấy phép rời cảng, bến cuối cùng do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đặc biệt, trong thời gian phương tiện hành trình trên tuyến, nếu giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 hết hiệu lực, thì tổ chức test nhanh cho thuyền viên, người lái phương tiện.
Trường hợp không có test nhanh tại chỗ hoặc test nhanh lưu động, được kéo dài thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm đến khi phương tiện cập cảng, bến thủy nội địa gần nhất theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Mở "luồng xanh" đường thuỷ nội địa vận chuyển hàng hoá
Bộ GTVT đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để "luồng xanh" đường thuỷ nội địa thuận tiện vận chuyển hàng hoá, nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Vũ Điệp