Ngày 4/11, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế trực tuyến “Chuyển đổi số - Nền tảng hữu hiệu nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người dân”. Hội thảo nhằm giới thiệu các thành tựu công nghệ thông tin (CNTT) nổi bật trong giai đoạn 2016 - 2021 của ngành BHXH Việt Nam và tham vấn ý kiến các chuyên gia quốc tế về định hướng chiến lược phát triển lĩnh vực CNTT của ngành trong giai đoạn 2021 - 2025.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống CNTT của ngành theo định hướng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, đạt tiêu chuẩn quốc tế, để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn trong lĩnh vực BHXH và BHYT.

{keywords}
 

Hiện tại, toàn ngành BHXH Việt Nam đang có: gần 30 hệ thống ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu của gần 98 triệu người dân (tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc); hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ; kết nối liên thông với trên 12.000 cơ sở khám chữa bệnh và hơn 500 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành.

“Mỗi năm, Cổng Giao dịch điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến là gần 70 triệu hồ sơ. Như vậy, nếu tính bình quân, mỗi cán bộ BHXH sẽ phải giải quyết khoảng 4 nghìn hồ sơ mỗi năm”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Mạnh cũng cho biết, đến nay, sau gần 1 năm công bố ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên thiết bị di động, cả nước đã có hơn 23 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân (dùng để đăng nhập, sử dụng ứng dụng VssID) được đăng ký và phê duyệt. Ứng dụng này cung cấp đa dạng dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT.

Mặt khác, với vai trò, trách nhiệm được Chính phủ giao là đơn vị chủ quản của Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối, chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh: “Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, nếu không ngừng đổi mới, thực hiện chuyển đổi số thì sẽ rất có thể bị lạc hậu, bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, BHXH Việt Nam mong muốn sẽ được trao đổi, hợp tác để xây dựng, phát triển ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi an sinh cho người dân và người lao động”.

Tại hội thảo, các khách tham dự và chuyên gia quốc tế đã chia sẻ, trao đổi, thảo luận xoay quanh các nội dung như: bảo mật thông tin, an ninh mạng và phát triển nguồn nhân lực CNTT cho ngành BHXH Việt Nam; xu hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực anh sinh xã hội đối với ngành BHXH Việt Nam; ứng dụng công nghệ VNPT trong chuyển đổi số cho BHXH Việt Nam. Đồng thời, đại diện một số cơ quan, tổ chức cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế đã triển khai về ứng dụng CNTT trong quản lý rủi ro của Cơ quan BHYT Thái Lan; chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội của Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc; kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu lĩnh vực an sinh xã hội…

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, với những chia sẻ, góp ý tại hội thảo, ngành BHXH Việt Nam sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành, góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội để BHXH Việt Nam nâng cao vị thế trong việc chủ động, tích cực ứng dụng CNTT, triển khai các chính sách an sinh xã hội, mở ra cơ hội hợp tác giữa các đối tác quốc tế và BHXH Việt Nam về lĩnh vực CNTT trong tương lai.

Thúy Ngà