Có sự điều chỉnh đối với TP Hà Nội: TP thuộc nhóm có nguy cơ, chỉ một số khu vực của Thủ đô có nguy cơ cao.

Nhóm nguy cơ còn lại gồm: TP.HCM, Bắc Ninh, Hà Giang. 59 tỉnh thành còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.

Hà Nội là địa phương có nguy cơ, nhưng một số địa phương của Hà Nội lại có nguy cơ cao, như huyện Thường Tín, Mê Linh và một số nơi nếu có những ca nhiễm mà chưa đủ 14 ngày. Những nơi như vậy cần áp dụng nghiêm khắc Chỉ thị 16.

“Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội có quyết định để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đối với những địa phương nguy cơ cao”, Thủ tướng nói.

Các địa phương khác như TP.HCM, các vùng khác của Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, một vài huyện của Hà Giang (nơi có bệnh nhân của Hà Giang thuộc nhóm nguy cơ cao)… là nơi có nguy cơ. 

Phần lớn các tỉnh, thành được đặt vào nhóm có nguy cơ thấp để chúng ta theo dõi, kiểm soát nghiêm ngặt, nhưng tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh hoạt động bình thường.

Những nơi có nguy cơ và nguy cơ cao, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành theo thẩm quyền có trách nhiệm quyết định như tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá và sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhưng vẫn phải bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch.

Thủ tướng lưu ý, các vùng có nguy cơ cao cần phải tiếp tục kiểm tra, giám sát, hỗ trợ trong quá trình thực hiện của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đó.

Chủ tịch tỉnh, thành quyết định cụ thể việc mở cửa hàng, cửa hiệu, các dịch vụ. Không kinh doanh trên đường phố tại vùng có nguy cơ cao.

Thủ tướng bày tỏ phấn khởi trước những kết quả phòng chống dịch thời gian qua. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý vui mừng nhưng phải cảnh giác và phải chấp nhận tình trạng sống trong trạng thái có dịch, đề cao cảnh giác.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

“3 tháng qua, chúng ta đã kiên trì áp dụng nhiều biện pháp rất mạnh, đến giờ phút này nhiều kết quả đáng trân trọng và rất đáng mừng. Đặc biệt chúng ta đã áp dụng cách ly xã hội một cách đúng đắn kip thời. Nhờ vậy trong 6 ngày qua không phát hiện trường hợp nào bị nhiễm. TP.HCM thì đã 19 ngày qua không có ca nhiễm”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là một thắng lợi để chúng ta chuyển sang một giai đoạn phòng chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển KTXH.

“Tôi muốn nói rằng, nhận thức về Covid-19 trên thế giới là nguy cơ toàn cầu chúng ta không thể thoát ra khỏi. WHO cũng đã nói cần thích nghi với Covid-19 là điều bình thường và sống có kiểm soát”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, một yêu cầu rất lớn là không để đại dịch bùng phát tàn phá đất nước như đã và đang tàn phá một số nước.

Mạng sống của người dân là quan trọng nhất, cho nên Thủ tướng và Thường trực Chính phủ hôm nay yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục ngăn chặn quyết liệt không để dịch xâm nhập trở lại.

“Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội như thời gian qua nhưng phải tạo năng lượng cho dòng chảy hàng hóa, khôi phục sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm bảo đảm phát triển KTXH cho đất nước. Đây là yêu cầu mới, yêu cầu bức thiết hiện nay trong khi đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chưa có chủ trương tiếp nhận du khách từ bên ngoài

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, Covid-19 xuất hiện trở lại thì sự phá hoại của nó là vấn đề rất lớn, chúng ta phải đề cao cảnh giác.

Thủ tướng dẫn chứng, hôm qua còn có 18 ca, Hàn Quốc còn mấy chục ca và đã đi vào hoạt động khá bình thường ở nhiều địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục ngăn chặn triệt để từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, chữa trị tích cực những ca nhiễm. Chủ trương tiếp tục thực hiện cách ly tất cả người nhập cảnh vào nước ta và người bị nhiễm, người có nguy cơ cao.

Biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy đối tượng nhưng phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, chặt chẽ.

“Hiện nay chưa có chủ trương tiếp nhận khách du lịch từ bên ngoài vào Việt Nam. Giai đoạn hiện nay mới chấp nhận khách trong nước với những điều kiện cụ thể”, Thủ tướng nói.

Cùng với đó là yêu cầu nhanh chóng phát hiện ca bệnh, khoanh vùng sớm để điều trị, đặc biệt sử dụng CNTT để nhanh chóng truy vết. Vừa rồi Bộ Y tế phối hợp với Bộ TT&TT, các công ty phần mềm đã áp dụng khá thành công, rất đáng hoan nghênh.

Phải sống chung với dịch, khi chúng ta chưa có vaccine và thuốc đặc trị có hiệu quả. Chính vì thế, chúng ta phải xác định trạng thái bình thường mới.

Nới lỏng cách ly nhưng tối nay không phải là dịp đổ ra đường ăn mừng

Nới lỏng cách ly nhưng tối nay không phải là dịp đổ ra đường ăn mừng

Thủ tướng lưu ý, nới lỏng cách ly xã hội nhưng phải kiềm chế, không lơ là, chủ quan, không để 23h tối nay là dịp đổ ra đường ăn mừng.

Thu Hằng