Phát biểu tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã gây ra tổn thất nặng nề về tính mạng, sức khỏe của người dân trên toàn thế giới và ở Việt Nam. 

Tiêm vắc xin về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của WHO

Đến nay, dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của các biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn nhiều lần so với các biến chủng cũ.

Theo Bộ trưởng Y tế, cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ, tạo ra thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế, đôi lúc tưởng chừng khó vượt qua.

Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, ngành Y tế đã trụ vững, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước kiểm soát dịch bệnh cùng với cả nước chuyển sang giai đoạn mới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Nhật Bắc

Trong năm 2021, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công với hơn 155 triệu liều được tiêm chủng; tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 99,7% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 91,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Ông Long nêu nhiều giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ đã được triển khai như giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập các trung tâm hồi sức, các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà… đã được triển khai kịp thời, phù hợp, hiệu quả, thích ứng với từng giai đoạn. 

Từ nước tiếp cận vắc xin chậm nhưng tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phòng Covid-19 của chúng ta hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới.

Bộ trưởng Y tế chia sẻ, trong đợt dịch thứ 4, ngành Y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay. Đã có hơn 25 nghìn chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế, giảng viên và sinh viên các trường y dược tham gia phòng, chống dịch. Hiện nay vẫn có hàng nghìn cán bộ của các bệnh viện thuộc Bộ đang tiếp tục trực chiến trong các tâm dịch ở khu vực miền Nam.

Biến chủng Omicron có thể làm quá tải hệ thống y tế

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Y tế cũng nêu những tồn tại, hạn chế và yếu kém như: Năng lực đáp ứng của hệ thống y tế nói chung và hệ thống y tế cơ sở nói riêng còn hạn chế; đời sống cán bộ y tế có nhiều khó khăn; những vụ việc tham nhũng, tiêu cực lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã xói mòn lòng tin đối với ngành…

"Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh nhưng không làm phai mờ những nỗ lực đóng góp, cống hiến đêm ngày cũng như sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc, các y bác sĩ, các cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong cuộc chiến với dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua và cả trong thời gian sắp tới”, ông Long nói.

Theo Bộ trưởng Y tế, nhận định trong thời gian tới, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trong năm 2022, có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp hơn, khó lường hơn; số mắc có thể tăng nhanh ngay cả khi đã tiêm vắc xin nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. 

{keywords}
Các đại biểu dự hội nghị

Với sự xâm nhập của biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác, tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực lớn hơn nữa trong công tác phòng chống dịch. 

Trong năm 2022, ngành Y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022-2023) góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. 

Bộ trưởng Y tế cho hay, cuộc chiến phòng Covid-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế, vì vậy vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng chống dịch.

“Mặc dù có những nghiên cứu thời gian gần đây thấy rằng mức độ tăng nặng của Omicron có thể nhẹ hơn với Delta, tuy nhiên nếu tốc độ lây lan rất nhanh, tăng gấp 7 lần so với biến chủng Delta đối với người chưa tiêm đủ mũi vắc xin, gấp 3 lần so với người đã tiêm đủ vắc xin, nếu để Omicron xảy ra với đất nước chúng ta thì sẽ dẫn đến tình trạng quá tải với hệ thống y tế, con số tử vong sẽ tiếp tục tăng lên”, ông Long lưu ý.

Nhiệm vụ khác là tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật dược sửa đổi và tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo và triển khai hoạt động. Đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác y tế.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; nâng cao chất lượng chuyên môn, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị…

Hồng Nhì - Thu Hằng

Vụ kit test Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, không để ai can thiệp

Vụ kit test Việt Á vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, không để ai can thiệp

Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên có liên quan.