Chiều 11/10, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị “góp ý báo cáo chuyên đề giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND các cấp năm 2021”.

Có tình trạng lãnh đạo ngại tiếp dân

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu nhấn mạnh, công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

{keywords}
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu

Vì vậy, ông đề nghị các đại biểu đánh giá thực trạng việc thực hiện tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chủ tịch UBND các cấp trong thời gian qua, trong đó tập trung cấp huyện và cấp tỉnh.

Theo kết quả giám sát của MTTQ Việt Nam từ 1/1/2020 đến 30/6/2021: Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp và Ninh Thuận tiếp dân đạt 0,03%; 13 Chủ tịch tỉnh tiếp dân đạt từ 50% trở lên; 45 Chủ tịch tỉnh tiếp dân đạt dưới 50% quy định.

Đáng chú ý là có 5 Chủ tịch tỉnh chỉ tiếp dân 1 ngày/18 tháng. Riêng Chủ tịch UBND 4 tỉnh thành: Bình Dương, Đăk Nông, Thừa Thiên – Huế, TP.HCM không tiếp dân ngày nào trong 18 tháng.

Số ngày Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho Phó chủ tịch tiếp dân là 272 ngày, chiếm 23%; số ngày ủy quyền cho cơ quan chuyên môn tiếp dân là 208 ngày, chiếm 18%.

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Lê Tiến nêu thực tế: "Có những nơi tôi đi thì tổ chức tiếp dân trong trụ sở UBND rất bất tiện, đi vào cổng có cảnh sát, bảo vệ gác, dân muốn vào không phải dễ. Thực tế có tình trạng lãnh đạo ngại tiếp dân. Tôi có thời gian làm Chủ tịch UBND tỉnh nên hiểu tâm lý này".

Thêm vào đó là có những nơi, phòng tiếp công dân chật chội, nóng nực, nhiều khi tạo không gian không thuận lợi để người dân bày tỏ nguyện vọng mà làm sự bức xúc của người dân tăng lên.

Theo ông, điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo đối với công việc hết sức quan trọng của người dân. Khi người dân nghĩ đến ông Chủ tịch là đã đến bước cuối cùng rồi.

Ông đề nghị các đại biểu cho ý kiến về một số quy định của Luật Tiếp công dân đang tạo khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Chẳng hạn như Luật Tiếp công dân quy định Tiếp dân định kỳ 1 ngày/tháng đối với chủ tịch UBND cấp tỉnh; 2 ngày/tháng đối với chủ tịch UBND cấp huyện và 1 ngày/tuần đối với chủ tịch UBND cấp xã, không quy định cơ chế ủy quyền, tiếp thay. Tuy nhiên, trong khi kết quả giám sát thể hiện số ngày tiếp dân bình quân của chủ tịch UBND các cấp chỉ đạt dưới 50% số ngày theo quy định. Chủ tịch nhiều địa phương ủy quyền cho cấp phó, thậm chí ủy quyền cho văn phòng, thanh tra hoặc Ban Tiếp công dân tiếp thay.

Vì vậy, nhiều địa phương có ý kiến kiến nghị, đề xuất theo hướng giảm hoặc cho cơ chế ủy quyền cho cấp phó.

Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam cũng đề nghị các đại biểu góp ý nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của Chủ tịch UBND các cấp đối với công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới.

Không thể tiếp dân một cách vô cảm

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân Trung ương cho rằng, hiện nay đã có những quy định rất rõ ràng Chủ tịch UBND các cấp phải tiếp dân. Tuy nhiên, nhiều Chủ tịch UBND tổ chức tiếp dân một cách nghiêm chỉnh nhưng nhiều vị lại không tiếp. Do đó, rất nhiều đoàn đông người mang theo những bức xúc tìm đến Ban tiếp dân Trung ương để khiếu nại.

“Thực chất của tiếp dân không chỉ là ghi nhận sự việc một cách đơn thuần mà chính là vận động người dân. Do đó, người tham gia tiếp dân không thể tiếp một cách vô cảm. Nếu vô cảm người dân sẽ không nghe. Đây là lý do mà Ban tiếp dân Trung ương lúc nào cũng đông người tìm đến”, ông Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ.

{keywords}
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân Trung ương

Theo Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, nguyên nhân của việc này có thể là do địa phương không giải quyết kịp thời các bức xúc, chưa tổ chức đối thoại với người dân.

Bà Lê Thị Nguyệt, Phó Trưởng ban Dân nguyện thông tin, trong quá trình thực hiện các nội dung của khiếu nại, tố cáo, vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên chưa được thể hiện một cách đúng mực, nhất là chức năng giám sát của Mặt trận trong lĩnh vực này.

Nếu vai trò, chức năng này của Mặt trận được thực hiện tốt ngay từ cấp huyện, cấp xã thì việc khiếu nại, tố cáo sẽ ít có cơ hội xảy ra.

“Cán bộ tiếp công dân cũng phải là người có trách nhiệm, phải thương dân, được đào tạo bài bản. Ngay cả cách nói, cách phúc đáp cũng phải hợp tình, hợp lý thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo mới mong giải quyết được”, bà Nguyệt nói.

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật của MTTQ Việt Nam mong khi giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cấp chính quyền, nhất là UBND các cấp phải đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

“Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện ngay từ cơ sở, cấp xã không đùn đẩy lên cấp huyện, cấp huyện không đùn đẩy lên cấp tỉnh, cấp tỉnh không được đùn đẩy lên Trung ương. Nhưng hiện nay chúng ta lại tổ chức ngược, gây bức xúc trong nhân dân ghê gớm”, ông Đỗ Duy Thường lưu ý.

Thu Hằng

Chủ tịch 4 tỉnh, thành không tiếp dân ngày nào trong 18 tháng

Chủ tịch 4 tỉnh, thành không tiếp dân ngày nào trong 18 tháng

Từ 1/1/2020 đến 30/6/2021, Chủ tịch UBND 4 tỉnh thành: Bình Dương, Đăk Nông, Thừa Thiên - Huế, TP.HCM không tiếp dân ngày nào.