Câu chuyện "trên bảo dưới không nghe", mỗi địa phương quy định mỗi kiểu khác với các quy định Trung ương được các khách mời quan tâm mổ xẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là quyết sách đúng đắn trong thời điểm hiện nay để thích ứng linh hoạt, triển khai những giải pháp phù hợp cho tình hình mới.

Các địa phương đang có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau

Ông Thọ nêu thực tế vừa qua, người dân, doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông hàng hoá, tổ chức chưa đồng bộ dẫn đến những bất cập. Vì vậy, Nghị quyết 128 lần này dứt khoát phải giải quyết bất cập này.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

"Chủ trương là đúng nhưng thực hiện ở các chốt kiểm soát dịch bệnh còn chưa đồng bộ, hiểu chưa đúng, triển khai chưa cụ thể dẫn đến bất cập trong vấn đề lưu thông. Chỉ dừng 1 chiếc xe trên đường 5 phút có thể dẫn đến hàng trăm chiếc xe khác kéo dài đến 1 tiếng và nhiều km, gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí”, Thứ trưởng GTVT dẫn chứng.

Hay như việc ứng dụng công nghệ phải qua mã QR code để khai báo y tế phải thực hiện thống nhất trong cả nước chứ có địa phương bắt anh em ngồi ghi từng số xe thì chưa ổn. Tương tự ngành y tế đã quy định xét nghiệm có giá trị 72h nhưng có địa phương lại bảo chỉ có giá trị 24-48h. "Nếu chúng ta thực hiện chưa đồng bộ như thế thì sẽ có những bức xúc”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ lưu ý.

Phó Chủ tịch UBND Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu cho rằng, việc quản lý người đi lại giữa các địa phương còn áp dụng rất khác nhau. Vì vậy ông đề nghị cần có sự tiệm cận giữa các địa phương.

“Chúng ta đã có quy định các cấp độ dịch, từ cấp 1 đến cấp 4. Do đó, chúng ta nên có quy định cần có những giấy tờ gì đi kèm để có sự tiệm cận giữa các địa phương.

Chúng tôi thấy giữa các địa phương đang có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau trong việc quản lý người đi và người đến địa phương. Điều này gây khó khăn cho người dân cũng như cho DN trong việc đi lại để phục vụ sản xuất kinh doanh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nêu thực tế.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, khi vừa triển khai thực hiện Nghị quyết 128, ông đã đề nghị Hà Nội giải tỏa 22 chốt chặn khắp các cửa ngõ TP.

Theo đại biểu, ý kiến của Thủ tướng, các cơ quan Trung ương đã thể hiện rất mạnh mẽ. Nhu cầu giao thông, đi lại, mở cửa là vô cùng quan trọng. Nếu đâu đó còn chưa mở cửa thì các lãnh đạo ở địa phương đó chưa thực sự thấm nhuần, chưa thực sự hiểu hết Nghị quyết 128.

Không chỉ huy được thì để người khác làm

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Quyết định số 4800 của bộ đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch. Thứ nhất là tiêu chí số ca mắc mới, thứ hai là tỉ lệ người 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, thứ ba là bảo đảm khả năng thu dung điều trị các cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.

Khi đưa ra tiêu chí này, Bộ Y tế đã nghiên cứu kỹ các tiêu chí hướng dẫn của WHO tổng kết kinh nghiệm chống dịch gần 40 quốc gia, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trong ngoài nước, bảo đảm bao quát, chi tiết.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

“Các địa phương căn cứ vào đó phù hợp tình hình thực tế nhưng lưu ý không thay đổi tiêu chí cứng này”, ông Tuyên nhấn mạnh.
 
Thứ trưởng Y tế cho hay, trong quá trình làm, đã xin ý kiến các địa phương, chuyên gia trong và ngoài nước để tạo sự linh hoạt, chủ động cho địa phương quyết định cho phù hợp.

Do đó, các địa phương không được tự ý điều chỉnh 3 tiêu chí cứng của Bộ Y tế. Ngoài ra, các địa phương căn cứ vào Nghị quyết 128, Quyết định số 4800 tổ chức xây dựng kế hoạch bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh với lộ trình cụ thể của địa phương, phù hợp với điều kiện chống dịch của mình.

TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúc kết, 3 mảng rất quan trọng hiện nay cần phải thực hiện.

{keywords}
TS. Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Nhật Bắc

Một là đảm bảo mạch máu lưu thông phải thông suốt, không cẩn thận sẽ thành "xơ vữa động mạch giao thông". “Tôi lấy ví dụ như ở Cần Thơ vừa qua hơn 4.000 xe ùn tắc gây ra 3 nguy cơ lớn: Lây nhiễm chéo, an ninh trật tự và nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất”, ông dẫn chứng.

Hai là nền tảng nông nghiệp là hàng hóa phải lưu thông để sản xuất, hàng nông sản phải vận chuyển ra, không để cho khủng hoảng về lương thực thực phẩm và an sinh được.

Ba là phải bảo đảm toàn bộ hệ thống sản xuất và khu công nghiệp hoạt động trở lại. Đây không chỉ là câu chuyện sản xuất mà còn là giải quyết công việc cho người lao động, từ đó tác động trở lại ngân sách và an sinh xã hội.

“Nghị quyết 128 của Chính phủ cho quyền các địa phương thích ứng mà các địa phương không thích ứng nữa thì có lẽ phải đình chỉ, loại trừ, cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ, không hòa cùng "nhịp đập" của cả nước hoặc vì câu chuyện cá nhân hay địa phương của mình mà ngăn cản các địa phương khác như thế thì không chấp nhận được”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông cho rằng không thể để xảy ra tình trạng "trên bảo dưới không nghe", Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ là việc không thể chấp nhận được.

Phó Ban Dân nguyện đề nghị các cấp có thẩm quyền, từ Nghị quyết 128 cần có sự đánh giá chặt chẽ với lãnh đạo địa phương để xác định trách nhiệm, trong trường hợp cần báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, xử lý.

“Vào trận mà không chỉ huy được thì tôi đề nghị lui ra, để người khác làm thay chứ đánh trận mà như vậy chúng ta sẽ thua. Tôi cho rằng tính tuân thủ, tính linh hoạt cần phải được kiểm soát”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Thu Hằng

Thủ tướng: Địa phương không áp dụng các quy định trái với Trung ương

Thủ tướng: Địa phương không áp dụng các quy định trái với Trung ương

Thủ tướng lưu ý, các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được trái với quy định của Trung ương; nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn phải báo cáo cấp trên.