Sáng nay (17/10), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các địa phương sơ kết công tác phòng chống dịch Covid-19 từ 27/4 đến nay.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản trên phạm vi toàn quốc, chúng ta đang từng bước chuyển sang giai đoạn mới.

Ngày 11/10 vừa qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Chính phủ đã thống nhất ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chuyên môn y tế thực hiện quy định này.

Nếu áp dụng các biện pháp cao hơn, sớm hơn phải báo cáo cấp trên

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả bước đầu, những bài học kinh nghiệm, những bước ngoặt quyết định trong phòng chống dịch, thảo luận thêm những giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là quy định, hướng dẫn tạm thời do việc này chưa có tiền lệ, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện, mở rộng dần.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị các địa phương báo cáo, phản ánh về tình hình sau 1 tuần thực hiện Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế, những điểm còn vướng mắc, chưa thống nhất để sửa đổi, bổ sung quy định.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số nơi chưa làm theo đúng quy định chung, thực hiện khác nhau, tạo ách tắc, vướng mắc không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân.

Vì vậy người đứng đầu Chính phủ lưu ý, tinh thần chung là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương. Các địa phương áp dụng linh hoạt, sáng tạo nhưng không được trái với quy định của Trung ương, nếu thực hiện các biện pháp cao hơn, sớm hơn quy định chung thì phải báo cáo cấp trên.

Báo cáo kết quả bước đầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt dịch lần thứ 4 cho biết, với sự nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm cao của cả nước nên đã từng bước khống chế được dịch bệnh ở tâm dịch là TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, không để dịch bệnh lan rộng ra toàn quốc.

Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2021 vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm...

{keywords}
TP.HCM đang mở cửa dần dần để phục hồi kinh tế sau một thời gian dài giãn cách xã hội, chống chọi với Covid-19. Ảnh: Thanh Tùng

"So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là nước dân số đông, mật độ dân cư cao, thiếu vắc xin, nên phòng, chống dịch hết sức khó khăn. Những kết quả quan trọng này rất đáng trân trọng, góp phần tạo động lực, niềm tin, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của mọi tầng lớp trong xã hội, tạo điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới", báo cáo nêu rõ.

Có chính sách quan tâm trẻ mồ côi, người mất việc do đại dịch

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu, trước mắt các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Từ đó để nhanh chóng nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch để phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân, mở cửa trở lại các hoạt động giao thông, giáo dục, dịch vụ...

Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương, tiếp tục triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với dịch Covid-19, trong đó xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó, tăng cường khả năng thu dung, điều trị, tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị trên địa bàn.

Đồng thời, các tỉnh thành chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn, điều chỉnh tiêu chí phân loại phù hợp với diễn biến tình hình dịch, độ bao phủ vắc xin và điều kiện thực tiễn. Các địa phương phối hợp chặt chẽ để đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch trong việc đưa đón người dân về địa phương...

Cùng với đó đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn quốc, thực hiện tiêm mũi tăng cường và triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em thận trọng, an toàn, khoa học...

Ban Chỉ đạo yêu cầu tổng kết việc thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng kịch bản, chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đồng thời, bổ sung các giải pháp về hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác phòng, chống dịch.

{keywords}
Hà Nội gỡ chốt kiểm soát trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo cũng đưa ra hàng loạt nhiệm vụ, giải trọng tâm, trong đó có việc triển khai hiệu quả chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các địa phương khi thực hiện phong tỏa để phòng, chống dịch có hiệu quả thì từng bước nới lỏng các yêu cầu phòng, chống dịch với lộ trình cụ thể, khả thi để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm kiểm soát dịch bệnh.

Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, xã hội hóa công tác an sinh xã hội; quan tâm chăm sóc sức khỏe, sang chấn tâm lý của người dân; chú ý trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch; khắc phục các bất cập trong việc tổ chức học trực tuyến...

Ban Chỉ đạo lưu ý các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh; không ban hành các biện pháp trái với quy định của Trung ương, nhất là trong hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ.

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi khi sử dụng và an ninh, an toàn thông tin... 

Kinh phí ngân sách nhà nước đã cấp thực hiện phòng chống dịch Covid-19 là hơn 30.489 tỷ đồng. Trong đó các bộ ngành Trung ương đã sử dụng hơn 25.335 tỷ đồng. Cụ thể, Bộ Y tế 21.188 tỷ đồng, trong đó mua vắc sử dụng vắc xin hơn 15.514 tỷ đồng, kinh phí còn lại cho các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, các trung tâm hồi sức tích cực và các hoạt động khác của ngành. Còn lại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng 0,78 tỷ đồng; Bộ Công an sử dụng 1.440 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng sử dụng 2.707 tỷ đồng. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ các địa phương trong 2021 là 5.154 tỷ đồng (hỗ trợ đặc thù riêng cho một số địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và lan rộng: Hải Dương 270 tỷ đồng, TP.HCM 2.000 tỷ đồng, Đồng Nai 500 tỷ đồng, Bình Dương 500 tỷ đồng).

Thu Hằng

Phó Thủ tướng nhắc Hà Nội và các địa phương không cát cứ để đi lại thông suốt

Phó Thủ tướng nhắc Hà Nội và các địa phương không cát cứ để đi lại thông suốt

"Chúng ta không dùng các biện pháp hạn chế hoặc ngăn cản đi lại, đặc biệt là vận tải hàng hóa qua các tỉnh thành để làm sao lưu thông được thông suốt trong cả nước".