- "Với một số trường hợp, luân chuyển thực chất là tráng men, hợp thức hóa quá trình thăng tiến..." - ĐBQH Lê Thanh Vân chia sẻ.

>> Xem kỳ 1: Tránh bỏ sót nhân tài, lọt lưới kẻ bất tài, vô hạnh

{keywords}
ĐBQH Lê Thanh Vân. Ảnh: Lê Anh Dũng

'Tráng men' 

Qua vụ việc Trịnh Xuân Thanh cho thấy công tác luân chuyển cán bộ còn nhiều bất cập. Là người từng được TƯ luân chuyển về địa phương, ông lý giải thế nào về lỗ hổng quy trình?

- Nghị quyết TƯ 4, khóa 11 có đề cập đến chủ trương “tiến cử nhân tài, tập sự lãnh đạo, quản lý” và đây chính là khởi đầu cho câu chuyện luân chuyển cán bộ. Nhưng, luân chuyển cán bộ như vừa qua chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, do thiếu sự quan tâm, sâu sát của cấp trên.

Với một số trường hợp, luân chuyển thực chất là 'tráng men', hợp thức hóa quá trình thăng tiến. Tôi là cán bộ được luân chuyển và đã từng trải nghiệm, nhận thấy chủ trương là đúng, nhưng cách làm còn nhiều hạn chế.

Điều thiết yếu là đã chọn ra người xứng đáng rồi, nhưng đưa vào môi trường nào để họ phát huy khả năng. Một hạt giống tốt nếu không gieo xuống ruộng, mà gieo lên nóc nhà, thì làm sao cây có thể mọc được. Phát hiện ra nhân tài, muốn tạo môi trường cho họ phát huy, thì phải chọn đất gieo.

Là người có tiềm năng, thì phải tạo cơ hội cho họ thi thố. Mà thi thố, thì phải có điều kiện, phải có “luật chơi” sòng phẳng về cơ hội. Một người mang nhiều hoài bão cống hiến, ấp ủ nhiều dự định đổi mới, nhưng lại giữ thân phận lệ thuộc, bị o bế đủ đường, lại bất bình đẳng về quyền năng, thì làm sao có thể khai triển được những điều mà họ ấp ủ? Ấy là chưa nói đến tệ cục bộ địa phương, bản vị hẹp hòi của người đứng đầu.

Đưa cán bộ đi luân chuyển cũng giống như đưa con mình vào nơi thử thách. Nếu người cha đưa con mình vào rừng thiêng, nước độc, đầy rẫy hổ báo, mà không trao cho con vũ khí để tự bảo vệ, lại bỏ mặc cho thú dữ vây hãm - thì dẫu có dũng mãnh, can trường, có trí tuệ cao siêu đi chăng nữa, cũng không địch lại được.

Bỏ trách nhiệm chung chung...

Như ông nói, người đứng đầu địa phương nơi cán bộ được luân chuyển về có tác động rất lớn đến việc “gieo giống” cán bộ. Vậy phải làm sao để “hạt giống” đã gieo được “chăm sóc” tốt?

- Đường Tăng đi Tây phương lấy kinh còn được Phật tổ phái Ngộ Không, Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh đi theo hỗ trợ và còn thường xuyên được Phật tổ theo dõi, lặng lẽ giúp đỡ suốt hành trình cơ mà.

"Cần khởi xướng văn hóa từ chức, nhường chỗ cho bậc hiền tài..." - ĐB Lê Thanh Vân.

Một cán bộ luân chuyển, khi xuống địa phương đưa ra được những giải pháp sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm thay đổi tình hình theo hướng tích cực, kiên quyết đấu tranh chống các vi phạm, tạo được uy tín với nhân dân, nhưng có thể chính điều đó lại trở thành tai họa đối với anh ta, bởi sự ganh tị và hiềm khích của người đứng đầu.

Vì vậy, đã đưa cán bộ đi luân chuyển, thì phải thường xuyên quan tâm, theo dõi, giúp đỡ. Ví như hạt giống đã được gieo xuống đất, thì phải bón phân, tưới nước, diệt sâu, mới có kết quả tốt.

Đã chăm sóc chu đáo, mà cây nào không mọc được, thì đấy là do chọn hạt giống không tốt, cần phải loại bỏ.

{keywords}

Tỉnh Quảng Ninh công bố kết quả thi tuyển Phó giám đốc Sở Ngoại vụ và Sở Nội vụ, tháng 9/2013

Trong điều kiện hiện nay, nhiều cán bộ luân chuyển không dám thể hiện năng lực, chính kiến của mình, mà thảy đều im lặng, xử sự khéo léo để chờ ngày về. Cá biệt, có những trường hợp dùng xảo thuật để thăng quan tiến chức như Trịnh Xuân Thanh, thì làm sao chọn được cán bộ xứng đáng.

Chuyện trọng dụng nhân tài, theo ông phải xác định trách nhiệm như thế nào để chọn được đúng người tài, tránh chuyện “vàng thau lẫn lộn”, thưa ông?

- Tinh thần Nghị quyết TƯ 4, khóa 12 quan trọng nhất là ở chỗ trách nhiệm cá nhân. Một khi vẫn tồn tại trách nhiệm tập thể, mà đó lại là tập thể bè phái, thì rất khó thực hiện. Khi vỡ lở ra trách nhiệm chung chung, mỗi người gánh một ít trách nhiệm, nên sự trừng phạt không tác động mạnh đến từng cá nhân.

Lịch sử cho thấy, chỉ khi nào sự trừng phạt tác động trực tiếp đến cá nhân, thì tính răn đe mới có hiệu quả và trật tự mới được xác lập. Với quan hệ đạo đức thì phải sử dụng quy phạm đạo đức để điều chỉnh. Với quan hệ pháp luật thì phải sử dụng quy phạm pháp luật để điều chỉnh - nhất thiết không thể dùng quy phạm đạo đức để điều chỉnh quan hệ pháp luật và ngược lại.

Muốn lập lại trật tự, kỷ cương, thì các quy định của Đảng và Nhà nước phải nhắm đến sự trừng trị, đủ sức răn đe để ngăn chặn những diễn biến xấu đang diễn ra từng ngày trong cán bộ, đảng viên. Muốn vậy, phải đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, phải thưởng, phạt nghiêm minh.

Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh vừa rồi, phải có người chịu trách nhiệm, người có đủ quyền, đủ sức mới mở đường cho Trịnh Xuân Thanh “hanh thông” như vậy. Dư luận cho rằng, những người bị xử lý kỷ luật trong vụ này hầu hết là những người liên đới, chưa phải là người có đủ thẩm quyền làm một việc tày trời như vậy.

Để nhân tài không bỏ đi

Như ông nói, việc trọng dụng nhân tài hiện nay chỉ mới dừng ở chủ trương đường lối. Vậy phải làm gì để chủ trương vận dụng thực tế được hiệu quả?

- Phải luật hóa việc tiến cử nhân tài và tập sự lãnh đạo quản lý như nghị quyết TƯ4, khóa 11 đã vạch ra. Nếu ta không có luật để thu hút, trọng dụng nhân tài thì làm sao có cơ sở pháp lý để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, trọng dụng họ và làm sao có thể ngăn chặn được tình trạng o bế, trù dập nhân tài.

"Muốn lập lại trật tự, kỷ cương, các quy định của Đảng và Nhà nước phải nhắm đến sự trừng trị, đủ sức răn đe để ngăn chặn những diễn biến xấu..." ĐB Lê Thanh Vân.

Thực tế, đã có những nhân tài về Việt Nam, rồi họ lại bỏ đi. Hơn lúc nào hết, QH cần ban hành Luật thu hút và trọng dụng nhân tài, coi đó như Chiếu cầu hiền của Nhà nước ta hiện nay. Xưa kia, các triều đại thịnh trị đã từng làm thế và Bác Hồ cũng đã làm thế!

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” là vì lẽ đó.

Ông đánh giá như thế nào khi nghị quyết TƯ 4 khóa 12 mới đây gần như đã điểm mặt, chỉ tên khá toàn diện các “bệnh” trong công tác cán bộ và đưa ra nhiều nhóm giải pháp khắc phục?

- Tôi đánh giá rất cao nội dung mới trong nghị quyết TƯ 4, khóa 12 và cho rằng điều này rất hợp lòng dân. Đó là phải “kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu”.

Bên cạnh đó, cần khởi xướng văn hóa từ chức, nhường chỗ cho bậc hiền tài. Tôi rất mừng, vì Chính phủ đang xây dựng Quy chế về văn hóa từ chức.

Phải có cuộc chuyển mình thực sự, quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức, tư duy trong công tác cán bộ, đặc biệt là tính chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân. Nếu chúng ta đổi mới công tác cán bộ, mà không gắn với trách nhiệm cá nhân, thì sẽ có kẻ lợi dụng chính sách để làm điều xằng bậy và chuyện bổ nhiệm sai người, đưa người nhà vào bộ máy không thể chấm dứt được.

Nguyên Bộ trưởng và sếp tập đoàn tranh luận thuật ‘trói’ người tài

Nguyên Bộ trưởng và sếp tập đoàn tranh luận thuật ‘trói’ người tài

Nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp và Chủ tịch tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn trò chuyện về câu chuyện dùng người.

Bổ nhiệm vụ phó 26 tuổi: Cần Thơ 'nóng vội' do cần người tài

Bổ nhiệm vụ phó 26 tuổi: Cần Thơ 'nóng vội' do cần người tài

Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ: Do cần người tài nên Thành phố nóng vội trong tiếp nhận, đề bạt ông Vũ Minh Hoàng.

Hàn Quốc: Chọn người tài làm việc nước

Hàn Quốc: Chọn người tài làm việc nước

Hàn Quốc vào đầu thập niên 1960 là nước kém phát triển nhưng sau đó vượt qua giai đoạn phát triển ban đầu và thành công trong giai đoạn phát triển bền vững, trở thành nước tiên tiến trong thời gian rất ngắn.

Thu Hằng - Hồng Nhì