Ngày 2/9, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) ký ban hành kế hoạch truyền thông chống dịch Covid-19 với thông điệp “Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”.

Căn cứ các ý kiến kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Tiểu ban Truyền thông ban hành kế hoạch truyền thông theo từng tuần, phù hợp với kịch bản, kế hoạch chống dịch của các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.

{keywords}
Bác sĩ phải mang vác khối lượng đồ đạc lớn để lập khu điều trị. Ảnh: Thanh Tùng

Kế hoạch này có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình, phù hợp với các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và tình hình, diễn biến chống dịch cụ thể của các địa phương.

Ổn định “an sinh tinh thần” trong và sau đại dịch

Một trong những yêu cầu Tiểu ban Truyền thông đưa ra trong kế hoạch truyền thông cho các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch là tập trung làm rõ các thông điệp, quan điểm: Không thể trông chờ một kết quả là loại bỏ hoàn toàn được virus ra khỏi cộng đồng rồi mới cho cuộc sống trở lại bình thường.

Chống dịch thành công là bảo vệ được mạng sống của nhân dân và bảo vệ được hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương, đi lại, bảo vệ nền kinh tế.

Cuộc chiến chống dịch còn lâu dài, nhưng cần có giải pháp, tiêu chí và những ưu tiên mới để nhân dân cả nước có thể bình tĩnh sống và cùng chống dịch, không cầu toàn, không nóng vội.

Đồng thời, Tiểu ban cũng mong muốn truyền đi thông điệp và phản ánh thực tế về sự lạc quan và niềm hy vọng có thể bình tĩnh sống và đối phó lâu dài với dịch bệnh.

Đó là hy vọng và thực tiễn chữa khỏi bệnh khi F0 được chăm sóc đúng cách và sớm ngay tại cộng đồng, gia đình (nhờ mô hình “túi thuốc an sinh”).

Đó là hy vọng và thực tiễn về giải pháp kiểm soát đi lại bằng công nghệ + xét nghiệm + tiêm chủng cho các lực lượng đảm bảo các dịch vụ thiết yếu (các hoạt động chăm sóc y tế, thiện nguyện, chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm, thuốc men, trang thiết bị y tế, oxy, các dịch vụ thiết yếu khác như điện, nước...).

Đó là hy vọng về cuộc sống sắp trở lại trạng thái “bình thường mới” với những giải pháp phòng, chống dịch vừa nghiêm ngặt, vừa linh hoạt, đảm bảo không “đứt gãy”, không giãn cách, phong toả mãi trên diện rộng, không thụ động chờ đợi, ỷ lại Nhà nước.

{keywords}
Phóng viên tác nghiệp tại khu vực phong tỏa ở xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) vào ngày 8/5/2021. Ảnh: Lao Động

Ngoài ra, Tiểu ban Truyền thông cũng lưu ý việc truyền đi thông điệp và phản ánh thực tế về khả năng tự lực, tự cường, tự giải quyết các vấn đề của cuộc sống trong bối cảnh đại dịch. Cụ thể, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp, mỗi khu phố, thôn, ấp... giúp đỡ ngay chính mình, người thân trong gia đình, người lao động trong doanh nghiệp các nhu cầu thiết yếu, tạo thành nhiều “vòng tròn nhỏ” để bảo vệ nhau trong đại dịch.

Cùng với đó, động viên sức mạnh tinh thần, củng cố niềm tin, giải quyết các vấn đề tâm lý của người dân, của đội ngũ y tế và các lực lượng tuyến đầu, với mục tiêu ổn định “an sinh tinh thần” trong và sau đại dịch, hạn chế đến mức thấp nhất các “tổn thương tinh thần” do ảnh hưởng, di chứng của dịch bệnh và do giãn cách kéo dài.

Căn cứ kế hoạch này, các cơ quan báo chí là thành viên Tiểu ban Truyền thông, các cơ quan báo chí, truyền thông nói chung, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, nhà mạng viễn thông chủ động thực hiện, báo cáo kế hoạch và tiến độ thực hiện các công việc liên quan.

Các Sở TT&TT thuộc các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội căn cứ kế hoạch này tham mưu cho lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương có kịch bản, kế hoạch truyền thông phù hợp của riêng địa phương mình, cùng thực hiện các giải pháp đồng bộ về phòng chống dịch, an sinh xã hội và các phương án đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhằm đảm bảo công tác truyền thông phản ánh đúng thực tiễn và kết quả tích cực của công tác phòng, chống dịch một khi đã đi đúng hướng.

Kết nối thông tin liên lạc thường xuyên 24/24

Cùng ngày, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Quyết định về việc ban hành Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ các thành viên Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng làm Trưởng Tiểu ban sẽ chỉ đạo, điều hành thống nhất, toàn diện các hoạt động của Tiểu ban Truyền thông; phân công nhiệm vụ cho các Phó Trưởng Tiểu ban và các Thành viên Tiểu ban.

Trưởng Tiểu ban trực tiếp chỉ đạo, định hướng, xử lý thông tin trên mọi hạ tầng, mọi phương thức liên quan đến công tác truyền thông phòng, chống dịch Covid-19, phát huy hiệu quả các công cụ công nghệ thông tin để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của Tiểu ban Truyền thông theo đề nghị của các Thành viên Tiểu ban.

Ngoài ra, Tiểu ban Truyền thông còn có 6 Phó trưởng Tiểu ban gồm: Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ, một Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Các thành viên Tiểu ban chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ được Trưởng Tiểu ban phân công bằng nguồn lực của cơ quan, tổ chức mình; chủ động phát hiện, kịp thời báo cáo Trưởng Tiểu ban các vấn đề về truyền thông; tiếp nhận và chỉ đạo xác minh, xử lý triệt để các vấn đề do truyền thông phản ánh.

Về quy chế làm việc, Tiểu ban hoạt động thường xuyên, thống nhất chỉ đạo, điều hành hoạt động của các Thành viên Tiểu ban và Tổ công tác giúp việc Trưởng Tiểu ban trên cơ sở phân công nhiệm vụ cụ thể và đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên.

Tiểu ban họp, thảo luận dưới sự chủ trì của Trưởng Tiểu ban để quyết định định hướng, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và việc tổ chức triển khai thực hiện; mọi công việc được thảo luận dân chủ, thống nhất và tăng cường phối hợp giữa các Thành viên Tiểu ban, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thành viên Tiểu ban có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc quy chế này và các nhiệm vụ được phân công; tham gia đầy đủ các hoạt động của Tiểu ban; chịu trách nhiệm trước Trưởng Tiểu ban về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công; bảo đảm duy trì kết nối thông tin liên lạc thường xuyên 24/24; kịp thời báo cáo Trưởng Tiểu ban về nội dung công việc được phân công theo định kỳ hoặc khi có tình huống đột xuất.

Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid- 19 được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Tiểu ban có nhiệm vụ: Chỉ đạo và hướng dẫn việc cung cấp thông tin bảo đảm thống nhất, kịp thời chính xác; chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp phòng, chống dịch; tuyên truyền truyền cảm hứng, nêu gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch Covid-19; phát huy hiệu quả các công cụ công nghệ thông tin để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19”.

Thu Hằng

Báo chí tuyên truyền phòng chống Covid-19 chủ động, chính xác, trách nhiệm

Báo chí tuyên truyền phòng chống Covid-19 chủ động, chính xác, trách nhiệm

Các cơ quan báo chí, truyền thông “Chủ động - chính xác - trách nhiệm”, tuyên truyền để người dân “không hoang mang - tin tưởng - ủng hộ” đối với các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.