Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Ngày 28/8/1945, cùng với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ Ngoại giao cũng được thành lập và được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dẫn dắt trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên.
Nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại luôn đóng vai trò tiên phong, đồng hành cùng đất nước trong mọi chặng đường cách mạng của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khai trương và tham quan nhà truyền thống ngành ngoại giao. |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định trong suốt 75 năm trưởng thành và phát triển, ngoại giao Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
Theo Phó Thủ tướng, những sách lược, quyết sách táo bạo, khôn khéo của ngoại giao như “hòa để tiến”, “phân hóa kẻ thù”, cùng các nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu”…, đã giúp cách mạng Việt Nam vượt qua được những tình huống hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ngoại giao đã góp phần quan trọng trong việc mở rộng và đưa vào chiều sâu quan hệ đối ngoại của ta với các nước. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Phó Thủ tướng: Ngoại giao đã tích cực tham gia giải quyết các vấn đề tồn tại giữa Việt Nam với các nước láng giềng, nước lớn, tạo ra những đột phá trong quan hệ đối ngoại. |
Thiết lập được khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược, toàn diện, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam cùng các nước nâng tầm hợp tác vì lợi ích của mỗi nước và vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng khẳng định cần tiếp tục xây dựng nền ngoại giao hiện đại cả về lực lượng, nội dung và phương thức hoạt động, trên cơ sở kế thừa truyền thống ngoại giao Việt Nam và tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh.
Cán bộ ngoại giao phải vừa hồng, vừa chuyên
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác đối ngoại thể hiện vai trò tiên phong trong củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển và không ngừng nâng cao vị thế đất nước.
Không những bảo vệ vững chắc Tổ quốc mà còn vươn lên đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách quốc tế lớn như Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN (AIPA).
Thủ tướng: Cán bộ ngoại giao cần nắm vững, tuyệt đối trung thành với lập trường, nguyên tắc đối ngoại của Đảng, Nhà nước về giữ vững độc lập, tự chủ. |
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngành ngoại giao đã triển khai tốt “ngoại giao Covid”, “ngoại giao trực tuyến” đạt các kết quả nổi bật. Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức tốt nhiều chuyến bay, kể cả bay vào những vùng dịch nguy hiểm, đón gần 30.000 công dân về nước, hỗ trợ trang thiết bị y tế cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cho nhiều đối tác nước ngoài.
Từ tháng 2 đến nay đã có trên 30 hội nghị cấp cao trực tuyến, điện đàm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước; Thủ tướng; Chủ tịch Quốc hội với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế lớn, của ASEAN, Tổ chức Y tế thế giới, Liên Hợp Quốc, G20, Phong trào không liên kết.
Thủ tướng và các đại biểu tham quan triển lãm ngành ngoại giao. |
Thủ tướng nêu rõ, Bộ Ngoại giao đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước sinh động, góp phần quan trọng để đạt được những thành tích đáng tự hào trên chặng đường 75 năm qua của ngành.
Sau 75 năm thành lập nước, gần 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, ngành ngoại giao có quyền tự hào về thành tích đã đạt được, nhưng không được chủ quan tự mãn vì chặng đường phía trước còn dài, nhiều khó khăn.
Để làm tốt trọng trách được giao, Thủ tướng mong muốn ngành ngoại giao làm tốt “5 nhiệm vụ chính trị”.
Thứ nhất, thúc đẩy quan hệ của ta với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định, bền vững. Luôn giữ vững nguyên tắc, đường lối đối ngoại của Đảng đồng thời linh hoạt, khéo léo, tăng cường đan xen lợi ích, gia tăng điểm đồng, cân bằng quan hệ, nhất là với các nước lớn và các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.
Thứ hai, tăng cường ngoại giao kinh tế, góp phần quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. Cần tạo điều kiện tối đa để kết nối các địa phương, doanh nghiệp với các đối tác, bạn hàng, thị trường mới, khai thác hiệu quả các cơ hội, ưu đãi từ các hiệp định FTA thế hệ mới.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao. |
Thứ ba, chủ động hội nhập quốc tế, nâng tầm, đẩy mạnh đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị 25 của Ban Bí thư. “Khi kỳ vọng của bạn bè quốc tế vào Việt Nam ngày càng lớn, chúng ta cần làm tốt hơn nữa, linh hoạt hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để đáp ứng sự tin tưởng của bạn bè quốc tế và bảo vệ được lợi ích an ninh-phát triển của Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Thứ tư, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Phải giữ vững nguyên tắc “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, “kiên quyết, kiên trì”. Làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường trao đổi để bạn bè quốc tế hiểu rõ, ủng hộ sự chính nghĩa và quan điểm nhất quán của ta, nhất là về Biển Đông.
Thứ năm, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đưa Việt Nam ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập tặng một số cán bộ ngành ngoại giao. |
Người đứng đầu Chính phủ cũng hoan nghênh “3 thi đua” do ngành ngoại giao đề ra. Dẫn lại lời dạy của Bác Hồ: “Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cán bộ làm đối ngoại phải luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, đồng thời có ý thức giữ gìn sự tôn nghiêm, hình ảnh của quốc gia, dân tộc trong từng công việc giao tiếp hàng ngày. Công tác lễ tân, hậu cần, phục vụ đã làm tốt cần thi đua làm tốt hơn.
“Các đồng chí cần thường xuyên học tập từ cả phong cách, tầm nhìn, tư duy và cả những công việc hàng ngày của Người”, Thủ tướng lưu ý. Trong thi đua, quan trọng nhất chính là thi đua với chính mình, mỗi cán bộ đối ngoại cần thường xuyên phấn đấu tu dưỡng trở thành người cán bộ vừa hồng, vừa chuyên.
Nhớ lời Bác Hồ ‘Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng’, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc ngành ngoại giao phát huy truyền thống, đồng lòng, đồng sức, đoàn kết nhất trí, nỗ lực phấn đấu cùng cả nước phát huy tốt nội lực để "tiếng chiêng" ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ, vang xa, thể hiện thực lực đất nước và khát vọng vươn lên ngày càng lớn mạnh.
Thành Nam - Ảnh: Quang Hiếu, Minh Nhật
Ngoại giao Việt Nam: 75 năm đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc
Ngoại giao đồng hành cùng đất nước, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục vững bước tiến lên, viết tiếp những trang sử vàng.