Bí thư Vương Đình Huệ, nhà lãnh đạo dạn dày kinh nghiệm về quản lý và chỉ đạo lĩnh vực kinh tế, từng kinh qua các chức vụ Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế.
Một năm trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, phong cách nói ít, làm nhiều nhưng quyết liệt, hiệu quả của ông còn tạo ra một chuyển động mới trong hệ thống chính trị, từ một “Hà Nội không vội được đâu” nay là “Hà Nội không vội không xong”.
Lãnh đạo là nhìn xa
Nhắc đến Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”. Chính vì vậy sự an toàn và phát triển của Thủ đô liên quan sống còn đến sự phát triển của cả nước và rất cần những người đứng đầu thành phố thật sự có đức, có tài, có tầm nhìn xa. Jonathan Swift (1667-1745) - nhà thơ, nhà văn trào phúng người Ai-len rất đúng khi cho rằng: “Tầm nhìn là nghệ thuật nhìn thấy được những gì mà người khác không nhìn thấy”. Trong khoa học lãnh đạo, người ta thống nhất nhận thức: Tầm nhìn lãnh đạo chính là tầm nhìn chiến lược, tầm nhìn xa, tầm nhìn kiến tạo phát triển.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ ba. Ảnh: kinhtedothi.vn. |
Đất nước ta đã bước qua ba thời kỳ phát triển chiến lược: Lần thứ nhất là giai đoạn 1991-2000, Đảng lãnh đạo đất nước vượt ra khỏi khủng hoảng. Lần thứ hai, Đảng lãnh đạo đưa đất nước ra khỏi nước có thu nhập trung bình thấp. Lần thứ ba, Đảng lãnh đạo tạo tiền đề xây dựng đất nước thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong giai đoạn 2021-2030 tới, trên cơ sở thành công của 3 giai đoạn chiến lược, bây giờ là lúc chúng ta hướng tới một khát vọng phát triển nhanh và bền vững hơn. Xét riêng ở khía cạnh kinh tế, chúng ta đã đi qua thời kỳ phát triển theo chiều rộng, rồi cả chiều rộng và chiều sâu, để bây giờ phát triển theo hướng tập trung vào chiều sâu, phát triển nhanh và bền vững dựa vào khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Với tinh thần đó, Hà Nội rất cần có những hoạch định chiến lược, có một tầm nhìn xa hơn để phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn và nhiệm vụ quan trọng này đặt trọng trách rất lớn lên vai Bí thư Thành ủy.
Một năm giải bài toán quy hoạch kéo dài hơn 6 thập kỷ
Một trong những vấn đề thể hiện rất rõ tầm nhìn lãnh đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội phải kể đến câu chuyện hoàn thành các quy hoạch của Thủ đô. Từ năm 1954 đến nay, Hà Nội đã qua 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, tất cả đều nói đến quy hoạch sông Hồng nhưng chuyện quy hoạch Thủ đô vẫn chưa hoàn thành và giấc mơ có một thành phố ven sông như sông Hàn (Hàn Quốc), Hàng Châu (Trung Quốc) vẫn chỉ là giấc mơ.
Ngay cả trong nhiệm kỳ vừa qua, Hà Nội quyết liệt triển khai Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng về quy hoạch chung Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 nhưng đến nay tỷ lệ phủ kín quy hoạch mới đạt 86%. Bốn quy hoạch phân khu nội đô của Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa vẫn chưa xong còn các quy hoạch phân khu sông Hồng dọc theo 120km bờ sông thì vẫn chưa đâu vào đâu. Dự án thành phố sông Hồng đã trải qua gần 30 năm triển khai.
Năm 1994, dự án Trấn sông Hồng do nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng dự án ngoài đê An Dương gồm cao ốc, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi đã vẽ ra hy vọng Hà Nội có một tiểu khu như ở Singapore. Nhưng rồi dự án chỉ là dự án trên giấy.
Quy hoạch phân khu sông Hồng sẽ tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng. Ảnh: nhandan.com.vn. |
12 năm sau, năm 2006, đối tác Hàn Quốc và Hà Nội cùng bàn thảo “Đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng”, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, dự kiến triển khai từ năm 2008 đến năm 2020 nhưng rồi cũng chỉ là ước mơ.
Năm 2011, tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, khu vực hai bên Sông Hồng được xác định là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô.
Đến năm 2015, dự án về thành phố ven sông tiếp tục được khởi động. Lần này có sự hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Hàn Quốc tuy nhiên dự án cũng không đi đến đích.
Năm 2016, thành phố đã đưa việc lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng công khai kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.Có 3 tập đoàn Geleximco, Sun Group và Vingroup có văn bản đề nghị tài trợ cho thành phố toàn bộ kinh phí lập quy hoạch này và họ đã mời chuyên gia của nhiều nước vào nghiên cứu.
Tháng 3-2017, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin Viện Thiết kế và Quy hoạch thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) được Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) mời tham gia nghiên cứu, lập quy hoạch 1/5.000 cho đô thị hai bên sông Hồng. Sau đó, Hà Nội khẳng định chưa lựa chọn bất cứ đơn vị tư vấn nước ngoài nào tham gia lập đồ án quy hoạch.
Những tưởng ước mơ về một thành phố sông Hồng sẽ mãi dang dở nhưng ngay sau khi trở thành Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ đã rất tâm huyết, trăn trở và chỉ đạo quyết liệt với dự án này.
Vào đầu tháng 7-2020, Bí thư Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn để bàn chuyện quy hoạch hai bên sông Hồng.
Quan điểm chỉ đạo phát triển đô thị hai bên sông Hồng được tiếp cận theo hướng xây dựng đô thị xanh. Ảnh: hanoimoi.com.vn. |
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, người quan sát dự án thành phố sông Hồng suốt 3 thập niên qua cho rằng dự án bị dở dang là do mới chỉ dừng ở đề xuất ngẫu hứng của những nhà đầu tư, chưa có sự vào cuộc của chính quyền để giải quyết vấn đề mấu chốt là trị thủy, thoát lũ trước khi đưa ra quy hoạch tổng thể trên bề mặt nổi an toàn. Ông cho rằng để giải quyết dứt điểm thì chính quyền, Nhà nước phải vào cuộc chứ không để cho doanh nghiệp đề xuất.
Với tư duy kinh tế và khoa học nhạy bén, sắc sảo, ông Vương Đình Huệ đã nhìn ra tận gốc vấn đề ngay từ những phiên họp đầu tiên cho thấy ông đã quan sát câu chuyện thành phố ven sông từ trước khi về Hà Nội. Tại cuộc họp đầu tháng 7-2020, ông nói: "Từ trên máy bay nhìn xuống hay đi tàu bè nhìn qua, thấy hai bên bờ sông Hồng như hiện nay thì Thủ đô làm sao phát triển được? Bên trong thì vi phạm trật tự xây dựng, còn đất ngoài bãi sông Hồng không ai dám đầu tư vào khoa học công nghệ vì quy định đất chưa được quy hoạch thì chỉ được đấu thầu 5 năm. Sau 5 năm lại 'xoá' làm lại thì ai dám đầu tư vào khoa học công nghệ? Tôi đi các huyện Đan Phượng, Hoài Đức thì thấy đất ngoài bãi sông Hồng mênh mông nhưng không kêu được các nhà khoa học vào, tất cả đều phải đợi quy hoạch hết”.
Quy hoạch phải đi trước một bước, tạo tiền đề cho phát triển. Và lần này, từ sự chỉ đạo quyết liệt nhưng cũng rất khoa học của ông, quy hoạch thành phố ven sông đã đi từ gốc là giải quyết quy định đỉnh lũ, thoát lũ. Hà Nội đã bám sát quyết định của Thủ tướng, tốc độ thoát lũ trên sông Hồng qua Hà Nội phải là 20.000 mét khối/giây; đỉnh lũ là 13,5 mét. Với cao độ đó, xác suất 500 năm mới xảy ra một lần. Quy hoạch dựa trên nguyên tắc phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng, chống lũ.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, có quy hoạch được phân khu sông Hồng thì mới giải quyết được vấn đề dân sinh, sinh kế cho khoảng 1 triệu dân ven sông và tạo ra động lực phát triển mới; sẽ sớm giúp Hà Nội huy động đầu tư công nghệ cao, phát triển nông nghiệp ven sông, khai thác các vùng đất bãi. Cùng với đó là quy hoạch có 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, tạo ra dư địa phát triển mới. Quy hoạch lần này thể hiện tính khoa học, tính khả thi rất cao khi chính quyền trực tiếp vào cuộc, Thường vụ Thành ủy và thành ủy trực tiếp họp chủ trì thông qua đồ án, Nhà nước trực tiếp làm quy hoạch, không giao cho doanh nghiệp nào. Hà Nội cũng đã lấy việc phòng, chống lũ và chỉnh trị sông Hồng làm mục tiêu hàng đầu và đã tham khảo tất cả những đề án nghiên cứu của Hà Lan, Hàn Quốc về quy hoạch sông Hồng. Với Hàn Quốc, trước đây khi nghiên cứu thì chú trọng vào thành phố hiện đại nhà cao tầng. Lúc đó Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính nên nay tư duy đã khác. Bí thư Thành ủy khẳng định không xây dồn các công trình cao tầng lên dọc ven sông Hồng mà hai bên sông là trục vành đai xanh, tạo không gian hài hòa để phát triển cả hai bên dòng sông theo hướng sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển.
Lần đầu tiên, Hà Nội sẽ có 6 quy hoạch phân khu 4 quận nội đô lịch sử và Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Ảnh: hanoimoi.com.vn. |
Như vậy, với việc hoàn thành các phân khu nội đô và phân khu ven sông Hồng, kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch HĐND của mình, ngay sau Đại hội XIII, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã giúp Hà Nội giải xong bài toán quy hoạch, một giấc mơ kéo dài hơn 6 thập kỷ. Quy hoạch phải đi trước một bước, là bệ phóng kiến tạo cho phát triển. Câu chuyện dài đã kết thúc có hậu bởi một nhà lãnh đạo nắm vững khoa học và có tư duy kỹ trị.
Kiến tạo phát triển trong đại dịch: Giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ
Ngồi “ghế nóng” ở vào một thời điểm đầy nhạy cảm và thách thức, ngay trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trên cương vị người thuyền trưởng, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã thực sự làm rất tốt vai trò kiến tạo cho đổi mới và phát triển.
“Thử lửa” đầu tiên với ông Vương Đình Huệ là chưa đầy 1 tháng trên cương vị Bí thư Thành ủy, ngày 6-3-2020, Hà Nội ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên tại phố Trúc Bạch (quận Ba Đình), một sự kiện gây chấn động cả thành phố lúc bấy giờ.
Ngay trong đêm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp khẩn để chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết thần tốc. Hà Nội đã vững vàng vượt qua, không “bung”, không “toang” từ ca nhiễm đầu tiên và đầy phức tạp, để lại những kinh nghiệm quý báu giúp xử lý những ổ dịch phức tạp hơn như tại thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh) hay Bệnh viện Bạch Mai. Thật sự nếu nhìn lại một năm chiến đấu với Covid-19, nếu Hà Nội không khống chế thành công những ổ dịch nguy hiểm đó thì không biết điều gì sẽ xảy ra đối với cả nước? Là một chuyên gia kinh tế, Bí thư Thành ủy Hà Nội luôn thấu hiểu: Chống Covid-19 thành công là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và Hà Nội phải an toàn, Hà Nội vì cả nước.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu quận Tây Hồ cần thực hiện nghiêm công tác cách ly, truy vết các đối tượng liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội. |
Nhưng với vai trò người cầm lái, ông Vương Đình Huệ còn thực sự có được bản lĩnh một vị tư lệnh trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Thủ đô, “giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”. Chống dịch nhưng không thể ngăn sông cấm chợ cực đoan, Hà Nội đã sớm tâm thế bước vào trạng thái bình thường mới để phát triển.
Covid-19 ập đến như một cú sốc kinh tế. Nhiều địa phương phải điều chỉnh các chỉ số kinh tế. Song với bản lĩnh và quyết tâm chính trị cao, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã khẳng định không điều chỉnh các chỉ tiêu mà phải quyết hoàn thành. Đó là một quyết định dũng cảm. Nếu thất bại, không đạt các chỉ tiêu chắc chắn sẽ có nhiều chỉ trích ảnh hưởng đến uy tín chính trị của ông.
Những ngày “Tết kéo dài” của một Hà Nội vắng vẻ đầu năm 2020, ít ai biết rằng ở trụ sở Thành ủy, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã sớm chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố khẩn trương xây dựng các kịch bản tăng trưởng, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh. Ông đã chủ trì nhiều phiên họp của Thường trực Thành ủy với các ngành, lĩnh vực, như nông nghiệp, công thương, tài chính, kế hoạch... kéo dài đến quá trưa hoặc tối muộn. Nhiều cuộc đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ông còn chỉ đạo thành phố “âm thầm” tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư lớn.
Đang Covid-19 thế này, liệu có ai đầu tư không? Còn không ít ý kiến băn khoăn lo ngại. Nhưng Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ quả quyết: “Đi thì có thể đến hoặc không, nhưng không đi thì sẽ không bao giờ đến!”.
Nhờ thế, ngay khi dịch bệnh bước đầu được kiểm soát, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên bước vào cuộc tăng tốc “làm ăn”, tổ chức rất thành công Hội nghị “Hà Nội 2020 - hợp tác và phát triển” (ngày 27-6), thu hút số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016. Đây là hội nghị quy mô lớn, chưa từng có trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, thể hiện ý chí, bản lĩnh của người đứng đầu Thành phố.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và đoàn đã kiểm tra khu vực khách sạn Somerset West Point (phường Quảng An, quận Tây Hồ). Ảnh: Sở Y tế Hà Nội. |
Kết quả tăng trưởng của Hà Nội năm 2020 đã là dẫn chứng sinh động sự thành công trong lãnh đạo: GDP tăng 3,98%, cao gấp khoảng 1,4 lần bình quân cả nước. Công nghiệp, xây dựng tăng 6,39%; dịch vụ tăng 3,29%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hoá vẫn tăng hơn 10% so với năm 2019. Nhờ làm tốt việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, chỉ trong năm 2020, Hà Nội tiết kiệm chi thường xuyên được hơn 3.000 tỷ đồng, dành tất cả để chi cho an sinh xã hội, phòng, chống dịch và đầu tư phát triển. Tỷ trọng chi thường xuyên của thành phố chỉ chiếm 51%, còn 49% dành chi cho đầu tư phát triển, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 27% chi đầu tư phát triển của cả nước.
Khi làn sóng Covid-19 thứ 3 trở lại Việt Nam, ngay khi Đại hội XIII của Đảng đang diễn ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội ra công văn số 68-CV-TU, tăng cường lãnh đạo các biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 với tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuộc, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà đừng đối tượng". Bí thư cấp ủy, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, nếu để dịch bùng phát.
Ngày 31-1-2021, Thường vụ Thành ủy Hà Nội lập 5 đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống dịch, mỗi đoàn đều có những đồng chí lãnh đạo của cấp ủy đảng, người đứng đầu bộ máy chính quyền và các sở, ngành tham gia. Điều đó cho thấy, Đảng luôn có mặt ở những nơi cần kíp nhất, ở những nơi là mũi nhọn của cuộc sống! Chỉ hai ngày sau khi Đại hội XIII bế mạc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã đề xuất trích ngân sách thành phố mua vaccine cho toàn dân thành phố… Bí thư Hà Nội còn chủ động tiên phong hỗ trợ, chia lửa cùng Hải Dương giải cứu nông sản cho bà con nông dân-đây là một hành động nhân văn, thể hiện phẩm chất một nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng, biết lo cho dân và thương dân, qua đó lan tỏa hình ảnh một Hà Nội kết nối, một Hà Nội nghĩa tình trong đại dịch…
Từ Hà Nội không vội được đâu đến “Hà Nội không vội không xong”
Một năm trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thể hiện phong cách nói ít, làm nhiều nhưng thường là làm rất nhanh và quyết liệt. Vai trò lãnh đạo của Đảng thường thể hiện rất rõ ở việc giải quyết những khâu yếu, mặt kém, những nơi đang là điểm nóng của cuộc sống, những việc người dân đang mong đợi tháo gỡ.
Một góc Thủ đô Hà Nội hiện đại, năng động. Ảnh: hanoimoi.com.vn. |
Trong một năm trên “ghế nóng”, dù bối cảnh đại dịch, ông đã lặng lẽ chỉ đạo xử lý thành công nhiều vấn đề tồn đọng nhiều năm, có việc bế tắc tưởng như không có đường ra. Nhiều điểm ùn tắc hơn hai chục năm nay đã được xử lý, cải thiện bộ mặt đô thị như cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt, cầu thấp Linh Đàm nối với vành đai 3 trên cao, đường trên cao đoạn ngã tư Vọng - ngã tư Sở, đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long và khai trương nút xoay vành đai 3 nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Rồi đại dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông bị chậm, treo đã được vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2020 và bàn giao, chạy thương mại trong tháng 1-2021..
Cầu Nhật Tân. Ảnh: hanoimoi.com.vn. |
Đặc biệt, vụ sai phạm trật tự xây dựng ở chung cư số 8B Lê Trực (quận Ba Đình) như một cái gai về văn minh đô thị, kỷ cương xây dựng treo suốt 5 năm qua với rất nhiều áp lực, nhưng nhờ sự chỉ đạo kiên quyết, đã hoàn thành tốt đẹp.
Một vấn đề nữa rất thiết thân với cuộc sống hàng ngày của người dân. Đó là rác! Bất cập xử lý rác Hà Nội và hoạt động của Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn) đã được giải quyết bền vững và lâu dài. Thiết lập cơ chế thanh tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển rác thải từ các điểm tập kết tới các khu xử lý, không để rỉ nước rác, không để người dân phải chặn xe rác. Rà soát, thực hiện ký kết công khai, minh bạch các hợp đồng đấu thầu, thu gom rác từ năm 2021.
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua Sông Hồng. Ảnh: TTXVN. |
Trả lời câu hỏi của các nhà báo trước Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, không cần giấy tờ, tài liệu, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nói ngay con số trong đầu ông: Có 20 vấn đề dân sinh nổi cộm cần xử lý, gồm ô nhiễm không khí, môi trường, ùn tắc giao thông, trật tự xây dựng, cảnh quan đô thị…
Xử lý bằng cách nào? Chỉ có bằng hành động kiên quyết, phối hợp chặt chẽ, làm đến nơi đến chốn. Có việc như đường sắt đô thị ông đã viết thư cho Thủ tướng, có nhiều việc, Hà Nội đã chủ động mời Ban cán sự Đảng của 10 Bộ, ngành làm việc để chung tay xử lý các vấn đề dân sinh bức xúc… Từ sự kiên quyết của người đứng đầu, cả bộ máy đã dần chuyển động.
“Lâu nay nhiều người vẫn nói "Hà Nội không vội được đâu", nhưng Thủ tướng cũng đã nói rồi, "Hà Nội không vội không xong". Nhiều vấn đề của Hà Nội không xử lý nhanh và ngay tức khắc, sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định.
Đại hội Đại biểu lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ Thành phố Hà Nội thành công tốt đẹp. Ảnh: hanoimoi.com.vn. |
10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Ảnh: hanoimoi.com.vn |
“Lâu nay nhiều người vẫn nói "Hà Nội không vội được đâu", nhưng Thủ tướng cũng đã nói rồi, "Hà Nội không vội không xong". Nhiều vấn đề của Hà Nội không xử lý nhanh và ngay tức khắc, sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố” (Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ) |
Một năm trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ thể hiện phong cách nói ít, làm nhiều nhưng thường là làm rất nhanh và quyết liệt. Vai trò lãnh đạo của Đảng thường thể hiện rất rõ ở việc giải quyết những khâu yếu, mặt kém, những nơi đang là điểm nóng của cuộc sống, những việc người dân đang mong đợi tháo gỡ. Dù bối cảnh đại dịch, ông đã lặng lẽ chỉ đạo xử lý thành công nhiều vấn đề tồn đọng nhiều năm, có việc bế tắc tưởng như không có đường ra.
|
Theo Quân đội Nhân dân
Chuyến thăm đặc biệt chiều 30 Tết của Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ
Trong thời khắc bước sang năm mới, chiều nay (11/2), Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ công an đang làm nhiệm vụ.