XEM CLIP: 

Quốc hội hôm nay dành cả ngày thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội, trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Bài học huy động sức dân

ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) nêu 5 vấn đề nổi lên mà theo bà đây cũng là những bài học chống dịch trong thời gian qua.

Thứ nhất, quyết liệt phòng chống dịch nhưng không áp dụng thái quá, địa phương "đón đầu" dịch, tăng cường xét nghiệm ngẫu nhiên, sáng tạo ra xét nghiệm mẫu gộp từ đó không để mất "giờ vàng" trong chống dịch.

Tuy nhiên, ĐB cũng nêu những hạn chế khi có những văn bản của các địa phương gây tranh cãi, áp dụng những biện pháp thái quá, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù đã có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng giao hàng xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định...

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Thủy

"Cả nước như cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ nên không thể vì chỗ dịch bệnh mà cắt rời hết tất cả, vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly nhưng không tách rời và không đứt gãy nền kinh tế", nữ ĐB ví von.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo vấn đề này.

Thứ hai, việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm vừa qua đã khắc phục tâm lý coi thường, nhờn các quy định trong phòng chống dịch. Bà dẫn chứng vụ cách chức Bí thư đảng ủy, Giám đốc Hacinco tại Hà Nội hay vụ rút khỏi danh sách ứng cử HĐND tại Hà Nam, khởi tố hình sự nhiều vụ án làm lây lan dịch bệnh.

Theo bà Thủy, "Thái độ dứt khoát cùng biện pháp mạnh đã có tác dụng răn đe và ghi nhận tại các trạm y tế xã phường thời gian qua cho thấy số lượng người khai báo y tế gia tăng mạnh, khắc phục được tình trạng khai báo qua quýt, không trung thực".

Thứ ba, việc không công khai lịch trình di chuyển của bệnh nhân. Trước đây, nhiều người bệnh trở thành tâm điểm của sự thêu dệt, suy diễn thậm chí bị "ném đá" trên mạng xã hội, theo bà Thủy "đây không phải là cách để chúng ta cùng nhau vượt qua địa dịch". Sau 2 tháng không công khai lịch trình, bộ Y tế ghi nhận đã nhận được sự hợp tác tích cực của người bệnh, an tâm cung cấp thông tin.

Nói về sự chấp nhận gian khổ hy sinh của lực lượng tuyến đầu, sự sẻ chia của các địa phương, bà cho biết: "Việt Nam là 1 trong số những quốc gia áp dụng rất sớm đưa lực lượng công an, bộ đội vào chống dịch".

Cuối cùng theo ĐB, bài học huy động sức dân vẫn còn nguyên giá trị. Trong thời gian chống dịch, kinh tế bị chậm lại nhưng phong trào tương thân tương ái, đóng góp cho chống dịch lại "nở rộ" ở khắp nơi. Covid-19 đã thực sự trở thành phép thử đối với tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm công dân.

Tiếp thêm năng lượng tích cực

Cũng nói về dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, cần phải có giải pháp lâu dài, “phải có chiến lược sống chung với dịch bệnh”.

Bên cạnh các giải pháp chiến lược vắc xin + 5K, điều trị, nâng cao trách nhiệm xã hội… theo nữ ĐB cần phải có các kịch bản kịch bản cụ thể của các cơ quan nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, không để đứt gãy sản xuất.

{keywords}
ĐB Nguyễn Minh Tâm

Bà Tâm đặc biệt nhấn mạnh các cơ quan nhà nước phải tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí để tạo nguồn tài chính cho phòng, chống dịch.

“Hiện tượng lãng phí vẫn còn phổ biến. Nhiều công trình được xây dựng từ ngân sách nhà nước còn bỏ hoang hoặc hiệu quả thấp. Cử tri cho rằng, lãng phí cũng rất nguy hại và nhiều khi gây tác hại lớn hơn nhiều so với tham nhũng”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình nói.

Nhắc lại nghị quyết của Đảng khẳng định chống cả tham nhũng và lãng phí, nhưng theo đại biểu, “nhận thức của nhiều người vẫn xem nhẹ tính chất nguy hại của hành vi lãng phí, chỉ coi nó như là tồn tại, hạn chế, khuyết điểm”.

Bà Tâm cho rằng, phát hiện hành vi tham nhũng có thể gặp khó khăn vì đó là hành vi tội phạm ẩn, người phạm tội có quyền, trình độ, thủ đoạn tinh vi, còn hành vi lãng phí dễ dàng nhận diện hơn.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) dành trọn bài phát biểu của mình để gửi lời cảm ơn của TP.HCM đến các lực lượng phòng chống dịch và tấm lòng của người dân cả nước.

"TP.HCM đang trải qua những ngày chống dịch Covid-19 nhiều căng thẳng cam go và phức tạp. Nhưng cũng trong gian khó đó người dân TP chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự quan tâm, sẻ chia ấm lòng tình người, tình đồng chí, tình đồng bào từ người dân, doanh nghiệp mọi miền đất nước", ông bày tỏ.

Những nông sản, rau củ quả thu hoạch vội trong vườn, những thúng hải sản mới đánh bắt ngoài khơi, những bó rau thơm thắm tình dân tộc đã nhanh chóng đóng gói gửi nhanh về TP kèm theo lời sẻ chia, nhắn nhủ, yêu thương...

Ông Ngân gửi lời tri ân: "Thật không kể siết những tấm lòng dành cho TP trong những ngày qua". Đoàn ĐBQH TP.HCM cảm ơn nhân dân cả nước, tiếp thêm năng lượng tích cực để hỗ trợ TP phòng chống dịch.

Trần Thường - Thu Hằng

Nhịp sống ngày cách ly

Nhịp sống ngày cách ly

Vẫn rất khó quen với việc cách ly chống dịch ở Hà Nội dù rằng đã là lần thứ 3 trong vòng 2 năm qua. Tưởng rằng người già và trẻ con là những thành phần dễ chịu nhất mà không phải thế.