- ĐB Trương Trọng Nghĩa đánh giá, việc xử lý cán bộ sai phạm thời gian qua chưa nghiêm do cấp trên của những người đó có “vấn đề” hoặc có lợi ích đan xen.

Bên hàng lang QH sáng nay, ĐB TP.HCM Trương Trọng Nghĩa chia sẻ với báo chí xung quanh câu chuyện kiểm soát kiểm lực và phòng chống tham nhũng.

Ông Nghĩa cho rằng vừa qua các báo cáo của Chính phủ, nghị quyết của Đảng đã chỉ ra tình trạng suy thoái đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, trong đó có những cán bộ công chức rất cao nhưng vẫn chưa đầy lùi được.

“Cái lồng” không trừ một ai

- Tổng bí thư nói cần phải xây dựng “cái lồng” để kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng. Theo ông, “cái lồng” này được hiểu như thế nào?

Tổng bí thư nói hình tượng cho dễ hiểu, còn bản chất ý của Tổng Bí thư như tôi nhận thức thì nên bắt đầu từ Hiến pháp.

{keywords}
ĐB Trương Trọng Nghĩa. (Ảnh: Phạm Hải)

“Cái lồng” của cơ chế chính là quy định pháp luật, khung pháp lý hiện có mà cao nhất là Hiến pháp và các luật pháp khác, theo đúng nguyên tắc nhà nước pháp quyền, không trừ một ai.

Ai cũng phải ở trong cái lồng, hành lang pháp lý đó. Tuy nhiên lâu nay nói vậy nhưng chúng ta chưa làm được.

- Vậy “cái lồng” này nên thiết kế thế nào, thưa ông?

Để luật pháp được nghiêm minh thì có mấy hướng đề ra. 

Quan trọng nhất là vấn đề con người, bắt đầu từ người lãnh đạo cao nhất, ở Chính phủ là Thủ tướng, các bộ là bộ trưởng, các địa phương là chủ tịch, bí thư.

Nếu những người đó tuân thủ trong “lồng” pháp luật, sống và hành động theo đúng Hiến pháp và pháp luật thì mọi thứ sẽ cải thiện hơn rất nhiều.

Cho nên vì sao có chuyện cán bộ sai phạm, vi phạm pháp luật nhưng không xử nghiêm được. Nguyên nhân do người lãnh đạo cao nhất, cấp trên của những người vi phạm có “vấn đề” nên không xử nghiêm được hoặc có quan hệ họ hàng, lợi ích đan xen.

Nếu người đứng đầu ngay ngắn, gương mẫu thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về cán bộ liêm chính.

Tới đây QH sẽ sửa luật Phòng chống tham nhũng, đây cũng sẽ là một trong những biện pháp từ cơ quan lập pháp để làm sao có thể tạo ra bước đột phá xây dựng liêm chính trong đội ngũ cán bộ.

Đủ cơ chế để rà soát bổ nhiệm ồ ạt

- Câu chuyện nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh bổ nhiệm ồ ạt 35 cán bộ trước khi về hưu đang làm nóng dư luận. Ông đánh giá như thế nào?

Việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay có nhiều hiện tượng. Tuy nhiên, với bộ máy hiện nay, hoàn toàn có thể kiểm tra được từng trường hợp, từng hồ sơ và yêu cầu giải trình từng trường hợp, từ đó lọc ra.

Việc ông Huỳnh Phong Tranh bổ nhiệm mấy chục trường hợp trước khi về hưu có thể có những trường hợp hợp lý, khách quan nhưng cũng có thể có trường hợp do nể nang hoặc có sai phạm, tiêu cực, không đúng quy trình.

Hiện nay bộ máy có đủ cơ chế, đủ quy định, đủ năng lực để kiểm soát lại toàn bộ những trường hợp bổ nhiệm đó kể cả chuyên bổ nhiệm dòng tộc, họ hàng.

Trường hợp nào hợp lý thì giữ lại, có vấn đề thì phải chấn chỉnh. Trường hợp nếu có tiêu cực không thể lý giải thì phải huỷ quyết định.

Nếu dư luận nêu lên như thế mà không làm được gì thì không hoàn thành trách nhiệm với nhân dân, cử tri.

- Dù đủ cơ chế nhưng bổ nhiệm tràn lan vẫn xảy ra, thậm chí không chỉ ở 1 địa phương. Theo ông nên làm gì để trị tận gốc?

Suy thoái đạo đức giải thích tất cả những vấn nạn còn lại. Khi đã có suy thoái dẫn đến bổ nhiệm bừa bãi theo kiểu vây cánh, lợi ích nhóm thì những người được bổ nhiệm sẽ liên kết lại với nhau để tham nhũng, che chắn lẫn nhau dẫn đến không xử lý được.

Hiện Đảng là lực lượng lãnh đạo, chịu trách nhiệm chính về việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. Nhân dân chờ đợi xem Đảng đã nhận diện được căn bệnh, đề ra các Nghị quyết thì tới đây việc thực hiện sẽ thế nào.

Những người xấu, tiêu cực vào bộ máy nhà nước, vào bộ máy lãnh đạo vì lợi ích cá nhân thì sẽ là thảm họa cho đất nước.

Thúy Hạnh