Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội sáng 20/10, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhìn nhận, Chính phủ đã tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

Còn tình trạng hiểu sai, áp dụng sai

Cụ thể, Chính phủ đã kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về một số nội dung khác luật hoặc luật chưa quy định hoặc vượt thẩm quyền. Ngoài ra, Chính phủ đã chủ động, khẩn trương, kịp thời ban hành trên 100 văn bản để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch với mục tiêu bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân lên trên hết và trước hết.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội lưu ý, các văn bản hướng dẫn, trả lời của các bộ, ngành trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn do được ban hành gấp, việc đánh giá tác động còn hạn chế.

{keywords}
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương, cũng như chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp chính quyền, giữa các địa phương.

Ngoài ra, cũng có tình trạng hiểu văn bản hướng dẫn không thống nhất, người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai hoặc thậm chí lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh vẫn còn xảy ra.

Vẫn có tình trạng văn bản hướng dẫn tại một vài địa phương phải đính chính, thu hồi. Cụ thể như, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục ban hành các văn bản thay đổi, thu hồi các công văn, quyết định liên quan đến việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm test kháng nguyên Covid-19 chỉ trong vòng một ngày.

Ở tỉnh Hà Nam, chỉ sau vài giờ ban hành Quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng với toàn bộ thành phố Phủ Lý thì lại ban hành Quyết định điều chỉnh, thu hẹp và giãn cách một phần của 12 xã, phường thuộc thành phố này. Hà Nội liên tục thay đổi cơ chế cấp giấy đi đường sửa đổi, bổ sung nhiều lần.

Một số trường hợp làm phát sinh thủ tục hành chính mới, chưa phù hợp với quy định pháp luật. Chẳng hạn như Chỉ thị số 20 ngày 3/9 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; Công văn số 6445 của Công an thành phố Hà Nội về việc chuẩn bị các điều kiện cần, phối hợp với Công an thành phố trong triển khai phần mềm “Cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện”.

Có ý kiến cho rằng việc phân vùng dịch ở Hà Nội theo Chỉ thị số 20 là chưa phù hợp với Quyết định số 2686 ngày 31/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch.

Ủy ban Xã hội cũng chỉ rõ, trong chỉ đạo, điều hành còn lúng túng, thiếu thống nhất; có lúc, có việc chưa cụ thể, nhất quán; một số địa phương còn chủ quan...

Theo bà Thúy Anh, một trong các nguyên nhân quan trọng gây ra sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong thời gian qua là do Chính phủ chưa ban hành được Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Cần nới lỏng, tạo điều kiện cho DN hoạt động trở lại

Bên cạnh việc nhìn nhận công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, Ủy ban Xã hội cho rằng, việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng. 

Cụ thể, một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm Covid-19, thu phí xét nghiệm cao, vẫn yêu cầu bắt buộc xét nghiệm khi đi khám chữa bệnh, gây bức xúc cho người dân. Có tình trạng lây nhiễm chéo tại một số cơ sở cách ly tập trung...

Các cơ sở y tế hạn chế mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ trách nhiệm nên chỉ chủ yếu sử dụng trang thiết bị y tế được tài trợ hoặc do Bộ Y tế cấp hoặc chỉ thực hiện mua sắm các trang thiết bị đã được đấu thầu từ trước.

{keywords}
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 20/10

Về sản xuất kinh doanh và lao động - việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Tuy nhiên, doanh nghiệp rút khỏi thị trường và ngừng kinh doanh với số lượng lớn và xu hướng gia tăng; số người mất việc làm, phải tạm ngừng làm việc chiếm tỉ lệ lớn...

"Các doanh nghiệp cho rằng, các chính sách hỗ trợ hiện hành là quan trọng song quan trọng hơn là cần nới lỏng dần các biện pháp giãn cách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trở lại thì mới có khả năng tồn tại và phục hồi", bà Thúy Anh nói.

Về an sinh xã hội, Chính phủ đã triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tổ chức vận động, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và các nguồn lực xã hội của các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài cho hoạt động phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, bà Thúy Anh lưu ý, tác động của đại dịch về sức khỏe, thể chất và tinh thần, tâm lý xã hội là rất lớn nhưng chưa được đánh giá đầy đủ; việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động còn một số khó khăn. Có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách ở đô thị lớn.

Từ đó, Ủy ban Xã hội đưa ra hàng loạt kiến nghị, trong đó có đề nghị Chính phủ, Thủ tướng khẩn trương ban hành chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh và Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược này.

Đồng thời, nghiên cứu, tăng cường dự báo xu hướng Covid-19; chỉ đạo bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch.

Thu Hằng 

Thủ tướng chia sẻ sâu sắc những mất mát mà nhân dân phải gánh chịu

Thủ tướng chia sẻ sâu sắc những mất mát mà nhân dân phải gánh chịu

Đảng, Nhà nước chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những mất mát về người, vật chất và tinh thần mà nhân dân phải gánh chịu do đại dịch Covid-19 gây ra.