Trong phiên chuyên đề 2 về "Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế" tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 vào chiều 5/12, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Trương Anh Dũng cho hay, cuộc suy thoái kinh tế lần này đang và sẽ tạo ra những gián đoạn kép thay đổi thế giới việc làm, thị trường lao động.

Không tăng tốc đầu tư con người sẽ hết cơ hội vàng

Nhìn vào thực tế của Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xác nhận, mặc dù chúng ta đang trong giai đoạn dân số vàng song chất lượng lao động vẫn còn nhiều vấn đề. Cụ thể, trong số 55 triệu lao động chỉ 24,5% có bằng cấp, chứng chỉ.

Mặc dù chất lượng đào tạo nghề đã tăng 13 bậc nhưng chỉ xếp thứ 97/141 nước xếp hạng, còn khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và khu vực ASEAN. Tăng trưởng kinh tế khá cao song năng suất lao động vẫn rất thấp.

“Chúng ta sẽ hết giờ tranh thủ cơ hội vàng nếu không tăng tốc đầu tư vào vốn con người, vào lao động có kỹ năng”, ông Trương Anh Dũng cảnh báo.

{keywords}
Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Trương Anh Dũng

Ông Dũng đề xuất, trước mắt, cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động. Cần kéo dài 1 - 2 năm nữa việc đào tạo nghề cho người thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần đặt hàng đào tạo dưới 1 năm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.

Về trung hạn và dài hạn, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn. Song song với đó, cần chuyển đổi số, thay đổi phương thức đào tạo; đẩy mạnh hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp...

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, sắp tới, người lao động cần nhất là việc làm và thu nhập. Vậy thì doanh nghiệp phải phục hồi và đón người lao động trở lại, đào tạo lại, bảo đảm an toàn sức khỏe, bảo đảm vắc xin và chăm sóc y tế cho người lao động, nếu không họ không thể an tâm làm việc. 

Về lâu dài, Chủ tịch VCCI cho rằng phải hướng đến mục tiêu như ông cha ta từng nói là “an cư, lạc nghiệp”, không thể để cho người lao động ở trong những nhà trọ mấy m2, điều kiện hết sức khó khăn.

"Rõ ràng nếu xảy ra dịch bệnh thì người lao động ở những khu vực này sẽ bỏ đi hết. Chúng ta hướng đến mục tiêu đến 2045 trở thành nước phát triển thì không thể chấp nhận người lao động sống như vậy", ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch VCCI, nhân dịp này phải xúc tiến chương trình bảo đảm chỗ ở cho người lao động, có an cư mới an tâm, có an cư mới không xảy ra tình trạng hàng triệu người rời bỏ các địa phương như vừa rồi. Doanh nghiệp sẵn sàng làm việc này nhưng cần cơ chế, chính sách của nhà nước, các điều kiện ưu đãi để tạo dựng chỗ ở ổn định, tạo an tâm lâu dài cho người lao động. Còn lạc nghiệp theo ông Công là phải có một việc làm ổn định, thu nhập tốt.

Chủ tịch VCCI lưu ý, cần cơ cấu lại tổng thể lực lượng lao động, dần bỏ lao động phổ thông, dịch chuyển sang lao động ở bậc cao hơn, đồng thời là lao động tại chỗ để tránh việc dịch chuyển lao động quá lớn như vừa qua.

"Bây giờ chúng ta bình thường mới thì cần một thể chế mới. Chính Covid-19 tạo áp lực cho chúng ta. Đây là cơ hội lịch sử, cơ hội vàng để chúng ta đột phá về thể chế", Chủ tịch VCCI nói.

Theo ông Phạm Tấn Công, để phục hồi cần gói hỗ trợ nhưng để phát triển bền vững cần thể chế. Gói thể chế này là một phần trong chương trình phục hồi bền vững. "Tôi cho rằng đây mới là gói cứu trợ mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi nhất".

Đề nghị thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở 

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang Phạm Văn Thịnh đề nghị trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội tới đây, Quốc hội và Chính phủ nên có thiết kế chính sách để hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khu vực đô thị và khu công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng ký túc xá cho công nhân trong khu công nghiệp.

Cản trở lớn nhất hiện nay là thiếu nguồn vốn cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng như người lao động vay, hiện chỉ trông chờ vào nguồn cấp từ ngân sách nên rất khó khăn. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ nên xem xét tăng tỷ lệ diện tích sàn thương mại hoặc đất ở thương mại từ 20% lên 30 - 40% để dự án nhà xã hội có thêm nguồn cân đối giảm giá nhà cho người thu nhập thấp và nâng cao chất lượng công trình, hạ tầng, cộng đồng dân cư nơi có quỹ nhà ở xã hội.

{keywords}
Các chuyên gia thảo luận về bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế

Đồng thời, thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở để huy động nguồn vốn cho đầu tư nhà ở xã hội, tránh áp lực phải cấp vốn từ ngân sách như hiện nay và giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, vận hành. Nguồn tiền gửi của quỹ là từ các doanh nghiệp sử dụng lao động (với yêu cầu bắt buộc) và nguồn gửi từ người lao động (có nhu cầu mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội - khuyến khích, không bắt buộc).

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, chính sách tài khoá trong 2 năm qua đã kịp thời hỗ trợ người lao động. Bốn gói hỗ trợ an sinh từ năm 2020 đến nay, tổng trị giá khoảng 150.000 tỷ đồng dự toán.

Ngoài ra, địa phương có gói chính sách đặc thù, như TP.HCM đến 10.000 tỷ đồng, vận động tổ chức cá nhân khoảng 3.000 tỷ đồng, có chương trình 2 triệu túi an sinh xã hội hỗ trợ người dân. Khánh Hòa có chính sách đặc thù lên đến 396 tỷ đồng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Bộ cũng đã đề nghị các địa phương hỗ trợ tiền điện, nước, giảm giá thuê nhà, giúp giảm chi phí sinh hoạt cho các gia đình và công nhân lao động.

Ông Hồi thông tin thêm, sắp tới, chương trình phục hồi thị trường lao động bền vững sẽ có một số chính sách trọng tâm như: Tăng cường năng lực cho y tế cơ sở, tiêm mũi 3 cho công nhân lao động, tăng dự trữ thuộc đặc trị để điều trị Covid-19 để bảo đảm giúp người lao động yên tâm quay lại nơi làm việc.

Đồng thời, tăng cường đầu tư phát triển giao thông đi lại trong nước và quốc tế thông suốt, phục vụ đi lại của chuyên gia và lao động. Cùng với đó là đầu tư giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, chế xuất; xây dựng nhà mẫu giáo để trông trẻ cho con em lao động...

"Nói chung bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước không ai bị bỏ lại, không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhà ở", Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Thu Hằng

Lo nền kinh tế 'lỡ nhịp', đề xuất gói hỗ trợ hơn 843.000 tỷ đồng

Lo nền kinh tế 'lỡ nhịp', đề xuất gói hỗ trợ hơn 843.000 tỷ đồng

Cảnh báo không có chương trình đặc biệt sẽ 'lỡ nhịp', ông Cấn Văn Lực đề xuất gói hỗ trợ bao gồm cả tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội lên tới 843.845 tỷ đồng, chiếm 10,38% GDP.