Nghị quyết 86 của Thủ tướng nêu rõ mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 tại TP.HCM trước 15/9. Đồng thời, ngày 22/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng lưu ý lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường. Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Theo Thủ tướng, đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo thần tốc xét nghiệm diện rộng, riêng TP.HCM xét nghiệm toàn TP trong thời gian giãn cách xã hội để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan.

{keywords}
Đường phố TP.HCM trước giờ siết chặt giãn cách. Ảnh: Trương Thanh Tùng 

Thực hiện Công điện của Thủ tướng, cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký ban hành khẩn Chỉ thị 11 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Ông Phong yêu cầu thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch ở 312 phường, xã, thị trấn, nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19 trước ngày 15/9.

Thông qua Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn, để thực hiện công tác kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội; đi chợ thay cho người dân và thực hiện an sinh xã hội.

Đặc biệt lưu ý, tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Thần tốc xét nghiệm toàn thành phố

Từ 23/8 đến hết 6/9, TP.HCM sẽ thực hiện Chỉ thị 11 với phương châm “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch”.

Thành phố cũng chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn….

Chiều tối cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu có văn bản khẩn điều chỉnh kế hoạch xét nghiệm từ 15/8 đến 15/9.

{keywords}
TP.HCM tổ chức xét nghiệm toàn TP

Theo đó, thành phố chỉ định xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân tại tổ dân phố, tổ nhân dân có nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ). Trong 3 ngày (từ 23-25/8), các vùng này phải hoàn tất việc xét nghiệm cho toàn bộ người dân, sau đó, tiến hành lặp lại xét nghiệm lần 2.

Với các tổ có mức nguy cơ thuộc vùng xanh, cận xanh vẫn triển khai xét nghiệm như kế hoạch cũ (Kế hoạch 2716).

Ngoài ra, ông Phong cũng chỉ đạo thành lập thêm 400 trạm y tế lưu động; trang bị các túi thuốc, 3-5 bình oxy, máy đo SpO2, dụng cụ xét nghiệm… đảm bảo hoàn tất trước ngày 27/8.

Về công tác tiêm vắc xin, TP ưu tiên tổ chức tiêm vắc xin ở “vùng đỏ” và “ vùng cam”:

Trong đó, đội tiêm vắc xin di động đến tận nhà dân để tiêm cho người không có điều kiện ra đường; tổ chức đội tiêm ở địa điểm phù hợp, bên trong hoặc sát khu phong tỏa, mời bà con từng hộ đến tiêm.

Tại khu chung cư, phối hợp với Ban quản lý chung cư, mời tuần tự các hộ cùng tầng ra tiêm, có thể tổ chức vào buổi tối.

Các lực lượng dồn về TP.HCM hỗ trợ chống dịch

Chiều 22/8, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam Ngô Minh Tiến đi thị sát các chốt kiểm soát trên địa bàn TP.HCM, dặn dò cán bộ chiến sĩ trước giờ siết chặt giãn cách toàn TP.

Cùng ngày, tại Sư đoàn 5, sư đoàn bộ binh chủ lực của Quân khu 7, gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ đã lên đường đến TP.HCM để hỗ trợ chống dịch.

 

{keywords}

Nhiều xe quân đội vận chuyển nhu yếu phẩm trên đường. Ảnh ghi nhận tại đường Cách Mạng Tháng Tám quận 10 chiều 22/8

Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM cho biết, sáng ngày 23/8, lực lượng chi viện từ Quân khu 7 sẽ xuống thẳng các xã, phường và thị trấn để bước vào thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công.

Cụ thể, 2.890 quân nhân sẽ chi viện về hơn 312 xã, phường và thị trấn của 22 quận, huyện và TP Thủ Đức để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển nhu cầu an sinh xã hội đến tận người dân; kết hợp tư vấn tuyên truyền cho người dân trong công tác chống dịch.

Từ 23/8 - 6/9, Công an, Bộ Tư lệnh thành phố phối hợp với các quận, huyện, TP Thủ Đức tiến hành các chốt kiểm tra, lực lượng tuần tra để kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm.

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, đến tối 22/8, đã có 1.800 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của một số trường khối ngành y, dược đăng ký tình nguyện vào TP.HCM.

Trong số này, gồm 750 học viên, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã có mặt tại TP.HCM trong đêm. Sáng 23/8, họ sẽ tham gia cùng lực lượng lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ của thành phố triển khai các tổ lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng.

8 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã lên danh sách cử 450-500 chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… vào TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai để hỗ trợ chống dịch.

Bảo Anh - Hồ Văn

Chỉ thị khẩn của TP.HCM: Người dân không ra khỏi nhà

Chỉ thị khẩn của TP.HCM: Người dân không ra khỏi nhà

Chỉ thị khẩn do Chủ tịch TP.HCM ký gửi các địa phương kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”.