Báo cáo mở đầu, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết từ ngày 14-17/8, Hà Nội ghi nhận thêm 2 ca mắc mới.
Đó là, bệnh nhân (BN) 962, nam, 30 tuổi, nhân viên ngân hàng. Địa chỉ: 6 ngõ 91 Nguyễn Văn Trỗi, Phương Liệt, Thanh Xuân. BN có đi công tác Đà Nẵng từ ngày 20-22/7.
BN 969, nữ, 25 tuổi, nhân viên ngân hàng. Địa chỉ: P.301 nhà số 10 ngõ 147 Trương Định, Hai Bà Trưng. Bệnh nhân có tiếp xúc với BN 962 ngày 8/8.
Sở Y tế nhận định, trong giai đoạn này dịch bệnh đã xảy ra tại cộng đồng trên địa bàn. Tuy nhiên, chưa lây lan thành ổ dịch lớn và nguồn lây đều từ ngoài TP xâm nhập vào. Đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát (F1 chuyển thành F0).
Các ca mắc hầu hết được phát hiện tại các bệnh viện (8/10 ca). Hà Nội là nơi có nhiều bệnh viện lớn và thường xuyên có lượng lớn người dân từ các tỉnh thành khác về khám chữa bệnh nên nguy cơ dịch xâm nhập vào là rất cao.
Hà Nội phong tỏa con ngõ Trương Định |
Việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người dân trong đợt này không bằng đợt dịch trước, nhất là tại các nhà hàng, quán ăn...
Chính vì vậy, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện và lây lan từ các bệnh viện và các cơ sở nhà hàng trong thời gian tới là rất cao.
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân kiến nghị TP áp dụng biện pháp mạnh hơn nữa tại nơi công cộng (như quán ăn, công viên, vườn hoa...) do nguy cơ lây lan dịch ở cộng đồng trong 10 ngày tới.
Giám đốc sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết nhân dân đã rất tích cực trong công tác phòng chống dịch, tuy nhiên có một bộ phận chưa nghiêm túc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vẫn tập trung đông người, đặc biệt ở các hàng quán.
"Hiện nay số người bị nhiễm liên quan tới các hàng quán tương đối nhiều, vừa rồi ở Hà Nội có quán bia Lộc Vừng, ở Hải Dương có quán Thế giới bò tươi. Thực tế có vẻ như các nhà hàng chưa có động thái trong thực hiện giãn cách", ông Hiền nói.
Lãnh đạo Sở Y tế dẫn chứng, quan sát ở các hàng quán tất cả ghế vẫn giữ nguyên và mỗi bàn có 6 ghế, được kê sát vào nhau, giữa các bàn không có khoảng cách.
Ông Hiền cho rằng đây là vấn đề cần "quyết liệt và xử lý nghiêm", nếu không thực hiện bố trí bàn ghế đúng quy định chống dịch thì có thể yêu cầu đóng cửa.
Theo ông Hiền, chấp nhận khách đến nhà hàng ít mà không có dịch còn hơn là khi có dịch phải đóng cửa.
Đình chỉ, đóng cửa nếu không áp dụng các biện pháp giãn cách
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý dự báo, trong thời gian tới có thể sẽ phát hiện các ca mắc mới trong cộng đồng, nhưng không lây lan diện rộng nếu thực hiện quyết liệt các giải pháp.
"Cần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, không tập trung quá 30 người ở nơi công cộng, nếu có biểu hiện ho sốt phải đến cơ sở y tế. Những người có bệnh nền thì không nên ra ngoài", ông Quý nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Qúy |
Ông Quý yêu cầu, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, công trường, nhà máy phải có phương án phòng chống dịch và thực hiện nghiêm. Riêng nhà hàng ăn uống, quán bia hơi, giải khát, cà phê cần thực hiện các biện pháp quản lý phòng chống dịch.
Cụ thể là giãn cách chỗ ngồi cách tối thiểu một mét, nếu có vách ngăn càng tốt; nhân viên đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, đo thân nhiệt cho khách, khử khuẩn, có treo biển hướng dẫn phòng chống dịch.
Đây là những nơi thường xuyên tập trung đông người, đặc biệt quán bia hơi nếu có người mắc bệnh thì dễ lây lan rộng. Các quận, huyện chỉ đạo từ 0h ngày 19/8 tất cả các cửa hàng ăn uống phải thực hiện nghiêm các nội dung phòng dịch thành phố yêu cầu.
Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách UBND TP Nguyễn Văn Sửu, với diễn biến tình hình dịch bệnh hiện nay khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết.
Người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Các nhà hàng, quán ăn cần nghiêm túc thực hiện các quy định về an toàn phòng chống dịch; nếu không sẽ phải đóng cửa.
Cho rằng các nguy cơ về dịch bệnh còn đáng lo ngại, ông Sửu đề nghị các đơn vị quyết liệt tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Thành Nam
Hà Nội phong tỏa con ngõ Trương Định có ca dương tính Covid-19
Con ngõ tại đường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) được lực lượng chức năng dựng rào, phong tỏa sau khi có trường hợp mới dương tính với Covid-19.
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.