>> Dịch vụ bưu chính - hành chính công: Cánh tay nối dài của các sở, ngành
Đưa dịch vụ công đến gần với người dân
Minh chứng rõ hơn cho nhận định bưu điện đã thể hiện được vai trò là cánh tay nối dài của các cơ quan hành chính nhà nước, đưa các dịch vụ hành chính công đến gần với người dân hơn, ông Đỗ Văn Tư, Giám đốc Bưu điện tỉnh Hưng Yên cung cấp những số liệu cụ thể tại địa phương này: Số lượng hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) phát sinh qua dịch vụ bưu chính công ích tăng dần qua các năm: Năm 2018 trên 70.000 hồ sơ, năm 2019 đạt trên 100.000 hồ sơ. Trong 4 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn người dân tăng cường thực hiện các TTHC công trực tuyến, lượng hồ sơ phát sinh qua bưu điện đã đạt trên 50.000 hồ sơ.
Mạng lưới Bưu điện Việt Nam đã tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại kết nối hệ thống công nghệ thông tin với các cơ quan nhà nước để đảm bảo hiệu quả dịch vụ bưu chính – hành chính công. |
“Khi mới bắt đầu triển khai, cán bộ nhân viên bưu điện chưa có khả năng chuyên sâu về nghiệp vụ nên việc giải đáp thắc mắc, hỗ trợ người dân về các TTHC còn hạn chế. Công tác truyền thông cũng chưa được đẩy mạnh nên việc người dân biết và sử dụng dịch vụ công qua bưu điện chưa nhiều. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác đào tạo cho lực lượng nhân viên bưu điện về kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ để phục vụ người dân tốt hơn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, cố gắng 100% điểm phục vụ của bưu điện đủ điều kiện để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông bao phủ toàn tỉnh để người dân, tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt được dịch vụ của bưu điện và tích cực tham gia. Qua đó, bưu điện ngày càng thể hiện rõ nét hơn vai trò là cánh tay nối dài của cơ quan hành chính nhà nước, đưa dịch vụ công đến người dân được tốt nhất”, Giám đốc Đỗ Văn Tư thẳng thắn chia sẻ.
Nhân tố tích cực của chính quyền điện tử
Trước khi có Quyết định số 45/2016 của Thủ tướng Chính phủ, người dân và doanh nghiệp chỉ có 2 lựa chọn khi muốn thực hiện dịch vụ công: Đến trực tiếp trung tâm dịch vụ hành chính công; Thực hiện qua cổng dịch vụ công của quốc gia hoặc của các bộ, ngành, địa phương.
Hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và xử lý qua hệ thống phần mềm |
“Giờ đây, người dân và doanh nghiệp đã có thêm hình thức thứ ba là qua mạng bưu chính công cộng và dịch vụ bưu chính công ích; không phải trực tiếp giao tiếp với cán bộ thực hiện TTHC, qua đó giúp giảm bớt nhũng nhiễu không cần thiết”, ông Nguyễn Quốc Vinh, Thành viên Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam không giấu vẻ tự hào khi trao đổi với chúng tôi.
“Nắm bắt chủ trương của Chính phủ là ngày càng tăng cường dịch vụ công trực tuyến, Bưu điện Việt Nam đã nghiên cứu, triển khai giải pháp định danh và xác thực điện tử PostID. Mỗi người dân được cấp miễn phí 1 tài khoản để truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia cũng như của các bộ, ngành, địa phương để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Bưu điện Việt Nam cũng đã chủ động phát triển giải pháp hệ sinh thái cho mảng dịch vụ hành chính công, cài app (ứng dụng) cho người dân, tiến tới mỗi người dân cài app này đều có kênh giao tiếp với các cấp chính quyền địa phương, qua đó có thể phản ánh kiến nghị với chính quyền cũng như sử dụng các dịch vụ công trực tuyến”, ông Nguyễn Quốc Vinh chia sẻ.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, vị lãnh đạo Bưu điện Việt Nam đặc biệt bày tỏ sự tâm đắc đối với Đề án “Cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương” mà Bưu điện Việt Nam đã tích cực phối hợp xây dựng theo chỉ đạo của Bộ TT&TT, đang trình Chính phủ phê duyệt.
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Thành viên Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chia sẻ thông tin với Báo VietNamNet. |
Nếu đề án được thông qua, người dân sẽ hết sức thuận lợi khi làm dịch vụ công. Ví dụ, các trung tâm phục vụ hành chính công của các cấp chính quyền địa phương sẽ được đưa về các bưu điện trung tâm tại địa phương. Người dân ra bưu điện hoàn toàn có thể sử dụng các dịch vụ hành chính công vừa liên thông theo ngành dọc và mở rộng liên kết cả theo chiều ngang. Bên cạnh đó, Bưu điện sẽ cung cấp giải pháp chính quyền điện tử cho các địa phương chưa có điều kiện cung ứng.
“Chúng tôi hoàn toàn có thể cung cấp các trang thiết bị, và có đội ngũ nhân viên bưu điện sẵn sàng tham gia tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC ngay tại các trung tâm phục vụ hành chính công. Qua đó giúp giảm biên chế các cấp chính quyền theo đúng Nghị quyết số 18 của Trung ương 6 về chuyển giao một số nhiệm vụ mà các cơ quan nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho các doanh nghiệp. Nếu Bưu điện được tham gia cung cấp giải pháp hành chính công, có thể nói đây là một bước cải tiến còn mạnh hơn nữa so với hiện nay. Sự cải cách hành chính mạnh mẽ chính là một động lực để phát triển kinh tế xã hội”, ông Nguyễn Quốc Vinh khẳng định.
Bình Minh
Dịch vụ bưu chính - hành chính công: Cánh tay nối dài của các sở, ngành
Không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp gia tăng sự hài lòng khi làm thủ tục hành chính (TTHC), sự tham gia của mạng lưới bưu điện còn giúp các sở, ban, ngành giảm áp lực lớn trong công việc, tăng hiệu quả dịch vụ hành chính công.
Gần 8 triệu hồ sơ hành chính được tiếp nhận và trả qua Bưu điện
Trong 2 quý đầu năm 2020, ước tính có gần 8 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp được Bưu điện Việt Nam tiếp nhận và chuyển trả đến tận địa chỉ, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.