Tiếp cận Internet là nhu cầu cơ bản của mọi người dân

Theo ông Antonio Nunes - CEO Angola Cable - công ty viễn thông đa quốc gia tới từ Angola, Internet đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của tất cả mọi người. 

Chúng ta cần cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Nếu không có Internet, cơ sở hạ tầng viễn thông, chúng ta sẽ không thể giao thương trong đại dịch Covid-19. Nếu tiếp tục số hóa, chúng ta sẽ có thể duy trì được sự tăng trưởng của nền kinh tế. Với người dân, họ có thể làm việc ở bất kỳ đâu mà không cần phải đến công ty, ông Nunes nói. 

{keywords}
Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2020).

Bà Angela Siefer - Giám đốc điều hành Liên minh Số hóa quốc gia (NDIA) cho rằng, nhận thức về việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận số đang dần được nâng cao. Điều này được ghi nhận ngay ở các cơ quan liên bang lẫn tiểu bang của Mỹ. 

Tại Mỹ, nhiều chính quyền tiểu bang đã bắt đầu hướng tới việc xây dựng mạng lưới nhằm đảo bảo tính khả dụng của Internet và tính tiếp cận của người dân, tức là ai cũng có thể sử dụng được. Đâylà một điều rất quan trọng bởi một khi nhận thức được thay đổi, người ta sẽ không thể đi giật lùi mà chỉ có thể tiến về phía trước. 

{keywords}
Bà Angela Siefer - Giám đốc điều hành Liên minh Số hóa quốc gia (NDIA) cho biết thế giới đã có bước tiến rất xa về nhận thức đối với việc thu hẹp khoảng cách số. Ảnh: Trọng Đạt

Với Việt Nam, ông Thiều Phương Nam - TGĐ Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết, Chính phủ Việt Nam đang rất tích cực trong việc thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn quốc.

Không chỉ vậy, Bộ TT&TT Việt Nam còn ban hành chính sách nhằm hướng tới việc mỗi người dân một chiếc smartphone và mỗi hộ gia đình một đường truyền cáp quang băng rộng. Đây là cách mà Việt Nam đưa Internet tiếp cận tới tất cả mọi người dân. 

Khoảng cách số là rào cản cho sự phát triển

Ông Stewart White - CEO của AKHET Consulting cho rằng, nếu nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp do Covid-19, cơ sở hạ tầng viễn thông yếu kém cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao. 

Tại những vùng không có WiFi, cáp quang, người dân ở đó sẽ khó có thể làm việc từ xa. Vô hình chung họ đã gặp bất lợi so với những người đồng nghiệp làm ở những nơi may mắn hơn. Với học sinh, sinh viên, việc không được tiếp xúc với Internet sẽ khiến họ khó có thể theo kịp với chương trình học ở trường bởi mất đi cơ hội học tập trực tuyến.

{keywords}
Ông Stewart White - CEO của AKHET Consulting. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Ralph Mupita - CEO nhà mạng MTN của Nam Phi, cơ sở hạ tầng viễn thông phải đứng ở vị trí cao trong danh sách nhu cầu của người dân. 

Trong cuộc khủng hoảng do Covid-19, hàng triệu người trên thế giới không được tiếp cận với mạng Internet. Người dân ở các khu vực xa xôi đã phải chịu thiệt thòi hơn do khó tiếp cận với dịch vụ y tế, giáo dục do khoảng cách về mặt địa lý. 

Khoảng cách này sẽ dần được thu hẹp nếu những người này tiếp cận được với cơ sở hạ tầng viễn thông. Do vậy, cần phải mang cơ hội tiếp cận với Internet đến các vùng sâu, vùng xa và những người dân yếu thế. 

{keywords}
Ông Ralph Mupita - CEO nhà mạng MTN của Nam Phi. Ảnh: Trọng Đạt

Nhiều chuyên gia cho biết, "khoảng cách số" có nguyên nhân sâu xa từ việc các doanh nghiệp tư nhân luôn muốn có mức tỷ suất lợi nhuận cao, trong khi đó, việc cung cấp dịch vụ cho các nhóm đối tượng yếu thế lại không mang đến lợi nhuận như kỳ vọng. 

Áp lực về mặt thương mại là một trong những lý do chính giải thích vì sao thế giới chưa thể hoàn thành mục tiêu xóa nhòa khoảng cách số. Nhiều doanh nghiệp nhìn thấy khoảng trống thị trường ở đó nhưng vẫn còn do dự trong việc đưa ra quyết định đầu tư. 

Các doanh nghiệp cũng kỳ vọng về tính ổn định của môi trường pháp lý và tiềm năng của thị trường nếu học đầu tư dài hạn. Để giải quyết vấn đề này, cần phải phát huy mô hình đối tác công tư, trong đó, nhà nước phải các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp. 

Thế giới phải cùng nhau thu hẹp khoảng cách số 

Nhìn chung, tại hội nghị, các chuyên gia trong và ngoài nước đều đồng ý với nhận định rằng, đây là thời điểm mà thế giới phải cùng chung tay xác định các ưu tiên để tăng tốc quá trình phổ cập băng thông rộng và thu hẹp giảm khoảng cách số.

Theo ông Houzin Zhao - Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU), tương tự như nguồn nước, không khí, việc kết nối với mạng Internet và truyền thông là những quyền cơ bản giúp đảm bảo cuộc sống của con người.

{keywords}
Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) - Houzin Zhao. Ảnh: Trọng Đạt

“Khác với điện và nước, thị trường viễn thông, Internet băng thông rộng có sức cạnh tranh rất cao với sự tham gia tích cực từ phía khu vực tư nhân. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ hội đầu tư để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và mở rộng mạng lưới. Để làm được điều này, đương nhiên cần tới các cơ chế phối hợp từ phía chính phủ.”, ông Houzin Zhao nói. 

Trong quá trình này, các cơ quan chính phủ đóng vai trò trung tâm trong việc đưa ra các cơ chế khuyến khích . Ví dụ như theo hình thức viện trợ, tài trợ, bảo lãnh, đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế mang tính chất hỗ trợ doanh nghiệp. 

Để thu hẹp khoảng cách số, điều mà các chính phủ cần phải làm là tăng cường việc tiếp cận của người dùng và tính sẵn có của công nghệ. 

Trong đó, khả năng tiếp cận phải được cải thiện bằng việc phát triển kỹ năng số và phổ cập những kỹ năng này tới các nhóm đối tượng là trẻ em và người cao tuổi. Về điều này, hơn lúc nào hết, sự tham gia của toàn thể cộng đồng là vô cùng quan trọng. 

{keywords}
Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World 2020) hiện đang được tổ chức từ ngày 20-22/10 dưới hình thức trực tuyến. 

Với việc tăng cường tính sẵn có của công nghệ, điều này có thể cải thiện bằng việc sử dụng công nghệ truyền dẫn vệ tinh để đưa Internet băng thông rộng tới các vùng sâu, vùng xa,. Bên cạnh đó, cần phải tăng mật độ phủ sóng 3G, 4G và phát triển các công nghệ khác để mở rộng vùng phủ. 

Bên cạnh đó, cần phát triển các mẫu thiết bị di động với giá cả phải chăng (dưới 20 USD) và giảm giá thành dịch vụ để mọi người dân đều có thể sử dụng Internet. 

Nhiều chuyên gia cũng gợi ý về việc nên áp dụng một mức chỉ tiêu nhất định về số lượng dịch vụ có giá cả phải chăng. Điều này cũng tương tự như việc tại một số nơi, số lượng nhà ở xã hội phải chiếm khoảng 30% tổng số căn hộ trong một dự án về nhà ở. 

Chỉ khi tính sẵn có của công nghệ và việc tiếp cận của người dùng được nâng cao, khoảng cách số trên thế giới mới có thể bị thu hẹp. 

Trọng Đạt