La Văn Ngọ, thủ khoa vừa tốt nghiệp ĐH GTVT xuất hiện trên báo chí với rất nhiều “hoàn cảnh”.
Ngọ người dân tộc Thái đến từ huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An. Từng phải bươn chải vừa học vừa làm kiếm sống từ làm gia sư, biển hiệu, quảng cáo, cho đến phát tờ rơi, chạy bàn. Và món nợ 30 triệu đồng vay ngân hàng chính sách xã hội. Nhưng sau tất cả những điều đó, trong 2 tháng qua, cậu sinh viên thủ khoa, với tổng điểm toàn khóa lên tới 8,77 đang phải vật vã kiếm việc làm với 10 hồ sơ “trải thảm” khắp nơi và chờ đợi trong vô vọng.
Không vật vã không được khi giờ đây, một công việc đúng với chuyên môn khó đến mức tràn ngập những hoàn cảnh: Thạc sĩ toán học từng tham dự Olypic toán, giờ bán sim điện thoại. “Tốt nghiệp quản trị kinh doanh làm ôsin”, “Cử nhân sư phạm chạy bàn quán cà phê”. Hoặc tệ hơn, nữ thạc sĩ chống thất nghiệp bằng cách lấy chồng rồi ở nhà làm nội trợ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết định nhận thủ khoa tốt nghiệp ĐH Giao thông Vận tải năm nay về Viện Khoa học công nghệ Giao thông Vận tải. Ảnh: Thanh Bình |
Không vô vọng không xong, khi ngay tại quê hương Nghệ An của cậu, , 3000 cử nhân, thạc sĩ, 9000 trung cấp cao đẳng đang ở vào tình trạng thất nghiệp.
Số phận Ngọ, có lẽ chẳng biết đi về đâu nếu như không nhận được “món quà tặng bất ngờ” từ Bộ trưởng Thăng. Báo GTVT dẫn lời Ngọ nói rằng cậu “Luôn hình dung Bộ trưởng bận bịu với trăm công nghìn việc”. Và vì thế, Ngọ “Vô cùng ngạc nhiên và cảm động khi được Bộ trưởng dành thời gian quan tâm tới một sinh viên mới ra trường đang gặp khó khăn”.
Hôm qua, Phó Chủ tịch nước ngồi xếp bằng trong căn nhà nhỏ của Thủ khoa ĐH Y, hộ cận nghèo với người cha chui ống cống kiếm tiền nuôi con ăn học. Hôm nay, Bộ trưởng bắt tay thật chặt nhận vào cơ quan viện nghiên cứu một Thủ khoa đại học. Những hình ảnh xứng đẹp đáng nhận những tràng pháo tay, những cú bấm like, cho một thông điệp về sự quan tâm của nhà nước đối với những hạt giống của nhân tài.
Nhưng giá như, chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước sau đó trở thành chính sách của nhà nước để hàng trăm ngàn những kỹ sư, cử nhân như Ngọ không phải lang thang vật vạ với câu chuyện việc làm.
Bởi không chỉ là chuyện “3.000 cử nhân, 9.000 cao đẳng” đang thất nghiệp ở Nghệ An, hay 25.000 ở Thanh Hóa, mà tỉnh nào cũng vậy, còn biết bao nhiêu những kỹ sư, cử nhân hoặc không có việc làm hoặc buộc phải mưu sinh với một nghề soi kính lúp cũng chẳng tìm thấy một mối liên quan đến ít nhất 4 năm dùi mài kinh sử.
Trong nhiều thứ lãng phí, có khi để nguồn nhân lực chất lượng cao không thể cống hiến lại là sự lãng phí nhất.
Tất nhiên, sẽ có ý kiến rằng giải quyết tình trạng thất nghiệp đang là vấn đề chung ở thế giới. Chẳng hạn tại Mỹ, Tiến sĩ thần học cũng đang phải kiếm sống bằng cách chơi bài Poker. Hay tại Anh, thậm chí một tiến sĩ vật lý đã tuyệt vọng đến nỗi nhảy lầu tự tử vì không kiếm được việc làm.
Nhưng câu chuyện thần học ở Mỹ hay vật lý tại Anh lại đang chứng nghiệm cho một bất hợp lý ở Việt Nam, rằng ngay cả trong một ngành đang “cháy nhân lực” như y tế, thất nghiệp vẫn cứ thất nghiệp.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện mức bác sĩ/vạn dân mới chỉ dừng lại ở con số 7. Chưa nói tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa tỷ lệ có khi chỉ đạt 4,2 bác sĩ/vạn dân như Đồng Tháp hay chỉ 3,3 bác sĩ/vạn dân như ở Lai Châu. Không phải thiếu và thấp mà là quá thiếu và quá thấp. Ấy thế mà riêng TP.HCM, một con số công bố hồi tháng 5 cho thấy chỉ có khoảng 40-50% học sinh tốt nghiệp khối ngành sức khỏe có việc làm đúng ngành nghề đào tạo. Sự phí phạm, được một quan chức ngành giáo dục nhìn nhận là “không thương tiếc” là “ không hợp với một quốc gia vừa nghèo vừa lãng phí”.
Vấn đề của chúng ta là đâu thiếu cứ thiếu, đâu thừa cứ thừa.
Chưa kể đến việc tuyển dụng, vốn đã có vô số những “cú sốc”: Nào là scandal “Công chức 100 triệu”! Chạy một chân “tạp vụ” cũng 75 triệu! Hay thành ngữ dân gian thời @- đã được nhắc tới tại nghị trường- Con cháu các cụ cả.
Và vì thế, để điểm pole của Bộ trưởng trở thành một cú poker, người dân mong muốn nhìn thấy sau cái bắt tay và nụ cười ngày hôm nay là những quyết sách ngày mai, để những hạt giống của nhân tài đương nhiên được nhận quà tặng, chứ không phải là một món quà bất ngờ; Để câu chuyện của cậu thủ khoa người dân tộc “Không hậu duệ, không quan hệ, không tiền tệ” sẽ trở thành một tiền lệ trong việc “trí tuệ” sẽ lên ngôi như tiêu chuẩn đầu tiên trong tuyển dụng.
Và xa hơn, để ít nhất trong ngành GTVT chẳng hạn, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng các kỹ sư giao thông bỏ cầu đường về quê cày ruộng.
Đào Tuấn
Chú thích: Điểm Pole là điểm đầu tiên và dẫn đầu trong 1 cuộc chơi, 1 ván bài.