Tỉnh táo, nhạy cảm

Làm nghề nào cũng ít nhiều cần có cảm xúc. Không có cảm xúc dễ trở thành con người khô khan, lạnh lùng, nhạt nhẽo, vô cảm. Làm nghề gắn bó với chữ nghĩa như nghề văn, nghề báo mà không có cảm xúc thì khi thể hiện tác phẩm khó có thể có những câu từ nuột nà, tươi mới, hấp dẫn.

Nghề báo luôn đòi hỏi phải có sự tinh anh, tỉnh táo, minh mẫn, nhạy cảm cần thiết để giữ được sự công tâm, trung thực, khách quan, cân bằng của ngòi bút. Sự sáng suốt của lý trí là rất cần thiết, song tác phẩm báo chí sẽ trở thành những dòng chữ khô khan, “vô hồn” nếu như không được soi chiếu và thẩm thấu qua một cảm xúc sâu sắc của người cầm bút.

{keywords}
Phóng viên VietNamNet tác nghiệp vụ hàng trăm tấn ngao chết tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh tháng 10/2018. Ảnh: Phạm Công

Theo tâm lý học, cảm xúc là một hình thức trải nghiệm của con người thông qua thái độ của mình đối với sự vật, hiện tượng của hiện thực khách quan, với người khác, với xã hội và với chính bản thân. Cảm xúc có nhiều loại như cảm xúc đạo đức, cảm xúc thẩm mỹ, cảm xúc trí tuệ. Cảm xúc luôn mang dấu ấn chủ quan, có tính tích cực và tính tiêu cực.

Những biểu hiện của cảm xúc tiêu cực cần tránh xa, loại bỏ là các biểu hiện: chán chường, nhút nhát, sợ hãi, tức giận, ghét bỏ, hận thù, kích động, quá khích…

Những biểu hiện của cảm xúc tích cực cần nuôi dưỡng là nhiệt huyết, yêu thích, hào hứng, hưng phấn, tự tin…

Nhiều người gắn bó lâu năm với nghề báo đã đúc kết rằng, điều quan ngại nhất đối nhà báo là sự chai lì cảm xúc. “Chai lì” nghĩa là sự dày dạn, trơ lì do tiếp xúc, trải qua quá nhiều đến mức hầu như không còn có biểu hiện rung động trước các sự vật, hiện tượng và cuộc sống, con người và xã hội.

Khi ai đó rơi vào thời điểm hay trạng thái “chai lì cảm xúc” thì đừng nói đến chuyện sáng tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn, lay động lòng người.

Một trong những đặc trưng của nghề báo là thường xuyên được tiếp cận với nhiều nguồn tin, tiếp xúc với nhiều đối tượng, thành phần trong xã hội, được đi đây đi đó ở nhiều nơi và cũng có thể gặp lại các nguồn tin, đối tượng, thành phần, địa điểm mà mình đã từng tiếp xúc, trải qua.

Nếu không có cách “hâm nóng” và nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, những sự “gặp lại” đó có thể là một trong những nguyên nhân làm hạn chế, thậm chí “giết chết” sự sáng tạo trong nghề báo.

Tại sao khi cùng đến một địa điểm, tham dự cùng một sự kiện, tìm hiểu cùng một vấn đề, phỏng vấn cùng một đối tượng, có nhà báo tạo ra tác phẩm với đầy ắp chi tiết sinh động, chữ nghĩa có hồn, văn phong cuốn hút người đọc; nhưng có người chỉ phản ánh thông tin đơn điệu, câu từ nhạt nhẽo, ít thuyết phục độc giả? 

Cảm xúc tích cực tạo nên sức hấp dẫn

Thực tế cho thấy, ngoài năng lực phát hiện, phân tích, bình luận, lý giải, xâu chuỗi và thể hiện vấn đề một cách chặt chẽ, mềm mại, những bài báo hay bao giờ cũng xuất phát từ cảm xúc tích cực của tác giả.

Không có cảm xúc tích cực, tức là không mang trong mình những tâm trạng đam mê nghề, yêu thích nghiệp, lại thiếu sự hào hứng trong quá trình thể hiện, sáng tạo thì khó có thể cho ra đời những bài báo tốt.

Viết báo tuy rất cần “cái đầu lạnh” nhưng nếu không có sự thôi thúc từ “trái tim nóng”, không có động lực xuất phát từ tình yêu nghề nghiệp thì đừng hy vọng tạo ra những “đứa con tinh thần” có giá trị phục vụ công chúng.

Nếu nhà báo chỉ dựa vào thông cáo báo chí được in sẵn; tin vào những bài quảng bá đã được chính doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào đó chuẩn bị trước; bám theo những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội; hay chỉ ngồi trong “phòng lạnh” a lô hỏi người này vài ý, người kia vài câu rồi viết thành bài, thì dù có trau chuốt đến bao nhiêu, tác phẩm báo chí cũng khó “có hồn”!

Một khi nhà báo không có tinh thần xông pha, dấn thân vào cuộc sống vô cùng sôi động, phong phú của xã hội và đi sâu khám phá, tìm hiểu biết bao vấn đề nóng bỏng nảy sinh, diễn ra trên mọi nẻo đường, thôn quê, góc phố và ở khắp hang cùng, ngõ hẻm của địa phương, đất nước thì khó có thể nuôi dưỡng được cảm xúc tích cực để tạo ra những tác phẩm báo chí giàu tính thực tiễn, giàu sức thuyết phục.

Thời nào cũng vậy, dấn thân vào thực tế không chỉ là yêu cầu về phẩm chất nghề nghiệp, mà còn là điều kiện, tiền đề để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực của nhà báo. Cảm xúc tích cực không tự nhiên mà có, mà nó được nảy nở, hình thành từ chính sự tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm từ những chuyến đi thực tế của nhà báo.

“Có bột mới gột nên hồ”. Không có sự xả thân, “tắm mình” trong thực tiễn sống động; không có sự hào hứng với niềm vui, hạnh phúc của đồng bào; không có sự cảm thông, sẻ chia với thiệt thòi, mất mát của những người rơi vào cảnh khó khăn, hoạn nạn mà mình chứng kiến; không có sự trăn trở với những nỗi lo của bà con mà mình tai nghe, mắt thấy; không có sự bức xúc, bất bình trước tệ nạn tham nhũng, tiêu cực thông qua điều tra của mình… thì không có thể tạo ra xung lực mạnh mẽ, sâu sắc của ngòi bút.

Thời gian gần đây, người ta hay nói đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có “làm báo 4.0”. Rồi đây trí tuệ nhân tạo, robot thông minh có thể tự sản xuất được những thông tin để phục vụ nhu cầu công chúng, nhưng dù “phóng viên robot” có “siêu đẳng” đến mức nào thì cũng không thể, không bao giờ thay thế được hoàn toàn trí tuệ, đặc biệt là cảm xúc tích cực chỉ có ở con người.

Xã hội càng văn minh, công chúng càng đòi hỏi những tác phẩm báo chí không chỉ kịp thời, nhanh nhạy về thời điểm thông tin, chính xác về sự kiện, mà còn phải chứa đựng sự lập luận, phân tích, lý giải vấn đề một cách sâu sắc, sinh động, thuyết phục.

Dù rất cần ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 để góp phần đưa thông tin nhanh hơn đến bạn đọc, nhưng với những người làm báo không bao giờ được phép ỷ lại vào công nghệ hiện đại mà sao nhãng, lơ là trong việc rèn tác phong, đạo đức làm nghề nói chung, duy trì và nuôi dưỡng cảm xúc nghề báo nói riêng.

Bởi cảm xúc tích cực là một trong những yếu tố cơ bản góp phần làm nên tư cách chân chính của người làm báo, cũng như góp phần tạo ra những tác phẩm báo chí giàu ý nghĩa phục vụ công chúng và xã hội.

Thiện Văn

Báo chí và mạng xã hội, sống chung hay đối đầu?

Báo chí và mạng xã hội, sống chung hay đối đầu?

Nhân ngày báo chí 21/6, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với TS toán học Nguyễn Ngọc Chu, người mà bài viết trên tài khoản Facebook cá nhân hiếm khi dưới 1.000 like.