Những ngày gần đây có một thông tin nhỏ thôi nhưng cứ làm tôi suy nghĩ mãi. Đó là việc hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội có thể bị dừng hoạt động trong mấy ngày tới đây do chính quyền Thủ đô “nhiều lần” trễ hẹn thanh toán công nợ cho nhà cung cấp dịch vụ.

Dịch vụ công trực tuyến mang lại biết bao tiện ích

Hệ thống dịch vụ công của Hà Nội nói riêng và các tỉnh thành nói chung được thực hiện trực tuyến lâu nay là biểu hiện rõ ràng nhất của một nhà nước kiến tạo, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính và xóa bỏ nạn quan liêu.

Ở Hà Nội chẳng hạn, có tới 2.180 thủ tục hành chính trực tuyến được cung cấp cho dân ở cấp xã, phường, quận huyện, sở ngành trong rất nhiều lĩnh vực. Trong số đó có những dịch vụ trực tuyến như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, cấp đổi giấy phép lái xe, đăng ký tuyển sinh đầu cấp, hệ thống y tế... tức là ảnh hưởng đến cả triệu người dân, hàng ngàn doanh nghiệp.

Thành phố có thiếu tiền không? Vấn đề là không thiếu tiền. Báo chí phản ánh, vào cuối năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chi 3.000 tỉ đồng để thực hiện các chương trình mục tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin của Hà Nội trong giai đoạn 2016 - 2020. 

Nói vậy để thấy, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mang lại biết bao sự tiện cho người dân và doanh nghiệp, là một chủ trương rất lớn của thủ đô cũng như của quốc gia để bắt kịp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Vậy mà hệ thống đó gặp rủi ro… dừng.

{keywords}
Nhiều tuyến đường Hà Nội thường xuyên ùn tắc 

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ, ông nói rằng, Việt Nam cần mơ giấc mơ "kỳ tích sông Hồng" như người Hàn Quốc từng dám mơ và thực hiện giấc mơ kỳ tích sông Hàn cách đây nửa thế kỷ.

Để làm được điều đó, ông khuyên, Việt Nam cần chú ý một số thành tố như cải thiện quản lí hành chính, quản lí nhà nước vì đây là một trong những điểm nghẽn cho phát triển. “Việt Nam cần thúc đẩy hơn các chương trình nghị sự về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cách mạng 4.0 và chuyển giao công nghệ”.

Những lời khuyên đó từ người “thực sự mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho đất nước Việt Nam” quả đáng suy nghĩ trong bối cảnh dịch vụ công ở Hà Nội gặp rủi ro bị dừng.

Lâu nay có một câu cửa miệng trong dân gian “Hà Nội không vội được đâu”, mà tôi nghĩ, với hàm ý cho vui thôi, chứ chưa chắc đã phản ánh đúng nhịp độ và tốc độ phát triển của Thủ đô, nơi thu nhập bình quân đầu người cao gấp 1,8 lần so với bình quân cả nước.

Trong khi các địa phương khác vẫn còn đang loay hoay tìm hướng đi cho phát triển do tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 thì Hà Nội đã tổ chức thành sự kiện “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” với thành công rực rỡ.

Thành phố trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) và đã ký kết với các nhà đầu tư 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư gần 29 tỷ USD. Những con số kỷ lục đó đòi hỏi sự nỗ lực đột phá trong quản lý nhà nước, trong điều hành để hiện thực hóa giấc mơ “làm lên kỳ tích sông Hồng” mà Bí thư Hà Nội nhắc lại lời nói của ông Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại sự kiện trên.

Mô hình Hà Nội nên chọn

Viết đến đây, tôi chợt nhớ ý kiến của một chuyên gia về Hà Nội, ông Martin Rama. Ông yêu Hà Nội đến mức, sau khi rời nhiệm vụ là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông đã quay lại Hà Nội để tìm và giữ từng nét kiến trúc cổ của Thủ đô với sự đam mê lạ thường.

Ông nhận xét, Thăng Long - Hà Nội với nghìn năm lịch sử phong phú, hào hùng, với văn hóa được tích lũy nhiều đời, không phải thủ đô nào trên thế giới cũng có được. Hà Nội không nhất thiết phải lựa chọn mô hình đầu tàu kinh tế, việc mà nhiều địa phương có nhiều thuận lợi và có khả năng làm tốt hơn Hà Nội nhiều.

Mặt khác, mô hình đô thị cực lớn với động lực công nghiệp là một mô hình đô thị đã cũ, nhiều sai lầm mà phương Tây đang phải từ bỏ. Chính những thành phố có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế tri thức mới là mô hình mà các nước đi trước chúng ta đang tìm kiếm.

Thủ đô Thăng Long - Hà Nội có đủ những yếu tố đủ để xây dựng cho mình một thành phố như thế. Thay vì chọn một mô hình đô thị khổng lồ với vô vàn vấn nạn, từ tắc nghẽn giao thông đến ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, thị trường đất đai rối loạn cản trở phát triển kinh tế như nhiều đô thị lớn trên thế giới đang gặp, Hà Nội nên chọn cho mình mô hình một thành phố lịch sử, văn hóa, đầu tàu về khoa học - kỹ thuật tiên tiến, có quy mô vừa phải, hợp lý, có môi trường đô thị trong lành, văn minh, công bằng, dân chủ, đủ năng lực khai thác, ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của thời đại trong xây dựng, quản lý vận hành, ngõ hầu tạo dựng một môi trường sống lý tưởng.

Lẽ ra Hà Nội phải là nơi làm gương cho cả nước trong việc quy hoạch và xây dựng một thành phố nhân ái, văn minh mà vẫn giàu có, năng động; sẵn sàng thích ứng với mọi đổi thay của thời cuộc và tạo ra cho chính mình bản sắc của thủ đô Việt Nam.

Muốn làm được như vậy, Chính phủ cần thành lập một "Ủy ban nghiên cứu phát triển Hà Nội" với đầy đủ thành phần, tập trung chuyên gia ưu tú từ các ngành hữu quan, khảo sát đánh giá thực trạng để có đủ cơ sở khoa học giải đáp tất cả các câu hỏi.

Ý kiến của ông Rama quả thật rất đáng suy nghĩ, trong bối cảnh Hà Nội, cùng với TP Hồ Chí Minh, luôn luôn phải là đầu tầu kinh tế của cả nước với tăng trưởng năm sau phải cao hơn năm trước. Những hệ lụy của phát triển như ô nhiễm môi trường, nạn kẹt xe trầm trọng, chênh lệch giàu nghèo, và nhiều vấn đề xã hội khác cũng đã lộ diện ngày càng rõ ràng và trầm trọng hơn.

Đáng tiếc là ý kiến của ông Rama, cũng như ý kiến tương tự của nhiều chuyên gia khác từng nói nhân dịp mở rộng Hà Nội hơn một thập kỷ trước, cũng chỉ là thiểu số. Và Hà Nội vẫn phải tiếp tục phát triển, tiếp tục đầu tư công nghiệp, tiếp tục đô thị hóa…

Còn tôi và, tôi tin, nhiều người khác mong muốn, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội sẽ không bị dừng lại chỉ vì thiếu vài trăm tỷ. Hệ thống đó giúp người dân và doanh nghiệp khỏi bao gánh nặng quan liêu, giấy tờ và giúp minh bạch hóa biết bao hoạt động của chính quyền thủ đô.

Tư Giang

Việt Nam cần mơ giấc mơ ‘kỳ tích sông Hồng’

Việt Nam cần mơ giấc mơ ‘kỳ tích sông Hồng’

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione khuyên Việt Nam cần mơ giấc mơ “kỳ tích sông Hồng” như người Hàn Quốc từng mơ giấc mơ sông Hàn.