Từ một vụ trộm
Người tổ trưởng dân phố bấm chuông nhà tôi và bực dọc tuyên bố: “Anh thuê thợ làm rào sắt bịt lối thoát hậu nhà chú lại đấy, chả thấy hiểm đâu để thoát mà toàn mang họa đến nhà”.
Họa ở đây là bọn trộm.
Xóm tôi có một số căn nhà xây thô, chủ chưa hoàn thiện để về ở, chính là nơi bọn đạo chích tụ tập. Khi đói thuốc, bọn chúng đói thuốc trèo qua lối thoát hiểm phía sau các căn nhà của chúng tôi, đột nhập trộm cắp đồ đạc.
Nhà ống tại Hà Nội |
Chốt dân phòng được lập, có người trực hàng đêm, camera được lắp trước cổng từng nhà trong xóm.
Nhưng một gia đình bị trộm năm ngoái. Video ghi lại một thanh niên đột nhập vào nhà, lục tìm đồ đạc, rồi trèo qua lối thoát hiểm ra ngoài được trình báo công an khu vực, nhưng không tìm ra thủ phạm.
Dân cư trở nên lo lắng, họ chủ động xây bịt kín các lối thoát hiểm sau nhà - do chủ đầu tư khi bàn giao nhà thô đã xây theo đúng luật. Dân cư rủ nhau gia công song sắt gắn ngoài cánh cửa gỗ, thêm khung sắt bao kín ngoài cửa sổ. Ban công trước nhà cũng được gia công lồng sắt bảo vệ.
Khu nhà chúng tôi ở do một công ty phát triển bất động sản đầu tư xây dựng, chúng tôi mua phần thô và hoàn thiện nội thất. Chính vì vậy, khu nhà được thiết kế theo các chuẩn mực về phòng cháy chữa cháy: Có ban công, có khu đất lưu không, dành cho các sự cố khẩn cấp phía sau nhà. Tuy vậy, mỗi chủ nhà lại hoàn thiện một cách khác nhau, phần đất lưu không đa số đều xây quây lại, dưới đất người thì trồng rau, người làm nơi nuôi chó, gà... Không gian phía sau nhà được thiết kế lưới sắt bao kín, có một số nhà lợp mái tôn, đóng trần thạch cao để tăng thêm diện tích sử dụng.
Tôi thì khác, ngoài việc phía sau nhà và ban công để thoáng, tôi còn làm thêm một cầu thang thoát hiểm sau nhà đúng như thiết kế. Phần đất làm hành lang thoát hiểm tôi lót gạch để thành sân chơi cho bọn trẻ, coi như mình tôn trọng quy định của pháp luật.
Tuy vậy, thông tin trộm đột nhập vào một căn hộ chung cư gần khu phố, giết một phụ nữ chỉ để cướp 1 chiếc nhẫn và 1 bông tai cuối năm vừa rồi làm cư dân thực sự hoảng hốt.
Tổ dân phố họp khẩn và ra quyết định tất cả các gia đình đều phải góp tiền để xây bít cửa các căn nhà thô chưa hoàn thiện và mỗi gia đình phải tự làm khung sắt xung quanh nhà mình.
Tôi đã không đồng ý làm khung sắt chắn lối thoát hiểm, ít nhất là xung quanh nhà tôi, vì thấy ở trong ngôi nhà ống bịt kín như chuồng cọp thực sự cũng nguy hiểm không kém khi có trộm vào nhà hay cháy nổ.
“Làm sao mà cháy, chú đừng có gở mồm”, tổ trưởng nói, “chú không đồng ý, anh cũng thuê thợ làm rào bịt lại đấy, chả thấy hiểm đâu để thoát mà toàn mang họa”.
Với sức ép của người tổ trưởng, tôi miễn cưỡng thuê thợ gia công chiếc lồng sắt bảo vệ căn nhà mình, giống mọi nhà hàng xóm.
Tôi gọi điện cho bạn, một kỹ sư xây dựng đang điều hành 1 doanh nghiệp lớn chuyên thiết kế thi công các công trình nhà ở và công nghiệp.
Bạn tôi cười khà khà. Cả nước này có bao nhiêu căn nhà thì có bấy nhiêu chủ nhà. Rất nhiều bản vẽ anh thiết kế đủ không gian thoáng và thoát hiểm, chủ nhà đều yêu cầu bỏ.
Quy chuẩn tùng phèo
Hơn 20 năm làm xây dựng công trình dân dụng, bạn tôi biết rõ luật về quy chuẩn xây dựng: "QCVN 06:2010/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình”.
Quy chuẩn này quy định khá đầy đủ yêu cầu khi một căn nhà được xây dựng bắt đầu từ thiết kế, thi công và quá trình sử dụng, bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng nhà ống để giúp giảm các vụ cháy nổ, cũng như hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi có sự cố.
Khoản 3 điều 51 luật Xây dựng quy định chủ đầu tư các công trình xây dựng phải đảm bảo phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường, thậm chí phải tính đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Khoản 1 điều 6 quy định “hoạt động đầu tư xây dựng phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia”.
Nhưng theo quy chuẩn QCVN 06:2010/BXD quy định tại điểm 1.1.13 thì: “Đối với nhà ở riêng lẻ cho hộ gia đình có chiều cao từ 6 tầng trở xuống hoặc có không quá 1 tầng hầm, không bắt buộc áp dụng quy chuẩn này mà thực hiện theo hướng dẫn riêng”.
Điều này cho phép các căn nhà ống thấp tầng không cần tuân thủ quy chuẩn này mà cần có một quy chuẩn khác chưa được ban hành.
Khoản 3 điều 91 luật Xây dựng về “điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị” cũng quy định công trình xây dựng phải đảm bảo “yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ”.
Hầu hết các quy định về phòng cháy chữa cháy mang tính chung chung, định tính khó áp dụng nên hầu hết cơ quan chức năng khi cấp phép xây dựng chỉ kiểm tra kết cấu bề ngoài, kích thước của căn nhà phù hợp với quy hoạch hay không mà thôi.
Ban hành một quy chuẩn riêng, hay mở rộng áp dụng quy chuẩn xây dựng QCVN 06:2010/BXD như là quy định bắt buộc chung cho nhà ống, nhà ở riêng lẻ là cần thiết. Trong quy chuẩn này, ngoài các quy định về chuẩn mực trong quá trình xây dựng, quá trình khai thác sử dụng, hay chuẩn mực về các loại vật liệu phục vụ cho thi công xây dựng công trình, thì quy chuẩn này cũng được quy định.
Cụ thể, điểm 1.4.1 về yêu cầu phòng chống cháy nổ là: “Trong các nhà, khi thiết kế phải có các giải pháp kết cấu, quy hoạch không gian và kỹ thuật công trình để đảm bảo khi xảy ra cháy thì: Mọi người trong nhà có thể sơ tán ra bên ngoài tới khu vực an toàn trước khi xuất hiện nguy cơ đe doạ tính mạng và sức khoẻ do tác động của các yếu tố nguy hiểm của đám cháy; Có khả năng cứu người; Lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản; Không để cháy lan sang các nhà bên cạnh, kể cả trong trường hợp nhà đang cháy bị sập đổ”.
Di cư và nhà ống
Ở Hà Nội và TP.HCM, tấc đất là tấc vàng. Chúng ta chật vật mới mua nổi mấy chục mét vuông xây nhà thì phải tận dụng không gian chứ làm gì có đất mà thoát hiểm hay giếng trời. Bởi vậy, bạn tôi từ lâu không còn là kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng mà chỉ là thợ vẽ đúng ý ăn tiền.
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội đó là tốc độ đô thị hóa mà người dân từ các vùng nông thôn di cư đến các thành thị là xu thế tất yếu. Theo kết quả Tổng điều tra về dân số và nhà ở năm 2019, toàn quốc có 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương, nghĩa là người nhập cư nhiều hơn người xuất cư.
Trong số 88,4 triệu dân từ 5 tuổi trở lên, số người di cư là 6,4 triệu người, chiếm 7,3%. Dân số sinh sống tại các khu vực thành thị dự đoán tiếp tục tăng, đạt 42,04 triệu người vào năm 2025 và 47,25 triệu người vào năm 2030. Tỷ lệ đô thị hóa tăng dần, đạt 40,91% vào năm 2025 và 44,45% năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc lượng dân di cư cơ học từ nông thôn ra thành thị tiếp tục tăng.
Sự di cư cơ học chóng mặt của người dân về đô thị lớn tại Việt Nam đã tạo áp lực lớn lên công tác quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và đặc biệt với năng lực quản trị của lãnh đạo các địa phương. Rất nhiều khu dân cư tự phát mọc lên không theo quy hoạch và càng không tuân thủ quy định của pháp luật nhưng không được các cấp chính quyền xử lý kịp thời.
Trong cơn sốt đất hôm nay, nhiều mảnh ruộng tiếp tục được chuyển đổi mục đích, chia nhỏ rồi bán cho những cư dân tỉnh lẻ đến các thành phố lớn mua, xây những căn nhà ống. Bờ ngăn những thửa ruộng hôm nay nghiễm nhiên trở thành các ngõ phố ngoằn ngoèo của những ngôi phố trong làng ngày mai.
Tư duy mới
Văn hóa nhà ống và sự bùng nổ xây dựng các hộp diêm trong đô thị Việt Nam rất giống với Trung Quốc. Nước này trong khoảng chục năm trở lại đây đã có các chiến dịch tái thiết nhà ống. Nhiều khu dân cư tại Thượng Hải, Thâm Quyến hay Quảng Châu đã san ủi cả những khu dân cư mật độ cao để quy hoạch lại kèm theo các không gian xanh và các dịch vụ công. Các khu dân cư thấp tầng yêu cầu diện tích tối thiểu từng căn nhà đủ rộng để đảm bảo tiếp cận các dịch vụ xã hội như cháy nổ và an ninh.
Nhiều ý kiến đã khuyến nghị chính quyền, đặc biệt cơ quan cấp phép xây dựng tại địa phương kiên quyết từ chối các hồ sơ không đảm bảo quy chuẩn an toàn. Đó chỉ là một vế, dù chúng ta chưa làm được.
Vế thứ hai, chính là tư duy quy hoạch tổng thể đô thị, nơi các căn nhà ống được đặt trong sự hợp lý với các dịch vụ xã hội và có không gian chung đủ lớn cho thị dân được thở, nhất là để xe cứu hỏa, xe cấp cứu có thể tiếp cận. Có thể học điều này từ Singapore, nước được biết đến như là nơi duy nhất ở châu Á không có nhà ống.
Câu trả lời cho vấn đề nhà ống thực ra nằm ở chính vai trò của lãnh đạo từng phường, xã, quận, huyện, có lẽ gồm cả tổ trưởng dân phố như với khu nhà tôi.
Vũ Ngọc Bảo
Thế giới hậu đại dịch: Đô thị sẽ không lụi tàn, nhưng thay đổi
Chúng ta đang đi qua đại dịch lớn nhất trong lịch sử nhân loại, và có vẻ cũng chưa thể định hình được nó sẽ kết thúc thế nào, nhưng gần như chắc chắn, thế giới bình thường trước đại dịch sẽ không bao giờ trở lại nữa.