LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.

Gần đây xuất hiện nhiều ý kiến về việc đưa khu vực kinh tế hộ gia đình vào Luật Doanh nghiệp nhân dịp Luật này sẽ được sửa đổi trong thời gian sắp tới, qua đó trao địa vị pháp lý cho khu vực này và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thành doanh nghiệp của họ. Quan điểm của tôi là không cần phải đưa hình thức hộ kinh doanh cá thể, thậm chí không cần nhắc tới họ trong Luật Doanh nghiệp.

Chi phí tuân thủ cao trong quá trình hoạt động

Hiện nay, hơn 5 triệu hộ kinh doanh (bao gồm 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký) đang hoạt động yên ổn với việc việc đăng ký tại cấp huyện. Việc buộc các hộ kinh doanh phải đăng ký theo Luật Doanh nghiệp sẽ khiến hàng triệu hộ phải đi đến trung tâm tỉnh, thành phố để đăng ký lại. Phần lớn các hộ kinh doanh hiện đang nằm ở khu vực nông thôn, xa trung tâm thành phố nên họ phải di chuyển hàng chục, thậm chí hàng trăm kilomet để thực hiện công việc này. Chỉ riêng việc đi lại với khoảng cách xa hơn cũng làm tốn kém thêm cho các hộ kinh doanh hàng nghìn tỷ đồng, hàng ngàn ngày công mà chưa thấy một lợi ích cụ thể, rõ ràng nào.

Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ cao trong quá trình hoạt động khi đăng ký thành doanh nghiệp cũng khiến các hộ kinh doanh chùn bước trước ý định chính thức hóa. Những quyết định mang tính hành chính, buộc các hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không thể thắng được sự khắc nghiệt và những hấp dẫn ma lực từ phía thị trường. 

{keywords}
Ông Lê Duy Bình

Người dân ưa thích mô hình hộ kinh doanh đăng ký dễ dàng, thủ tục đơn giản và có thể đăng ký ngay tại cơ quan chính quyền cấp huyện, thành phố. Các quy định về chế độ kế toán, sổ sách hết sức đơn giản. Hộ kinh doanh không bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định và yêu cầu về bảo hiểm xã hội, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, môi trường, phòng cháy chữa cháy... Quan trọng nhất là hộ kinh doanh có thể áp dụng hình thức thuế khoán do vậy mức thuế thực tế phải đóng thường rất thấp. Lợi ích lập tức và thấy được với hộ kinh doanh là rất lớn. Đây là một phương tiện vô cùng thuận tiện với chi phí thấp để người dân khởi nghiệp và kinh doanh.

Theo tính toán của chúng tôi, một hộ kinh doanh có khoảng 10 lao động, khi đăng ký theo Luật Doanh nghiệp họ lập tức sẽ phải chi trả chi phí tuân thủ chính thức là 183 triệu/năm, kể cả khi theo hình thức doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp một chủ). Điểm bất cập là hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay đang bắt buộc các doanh nghiệp tư nhân  phải tuân thủ tất cả các quy định về chế độ báo cáo, thủ tục nộp thuế, thủ tục bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... giống hệt như công ty cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn. Doanh nghiệp một chủ mà phải hình thành bộ máy quản trị, xây dựng hệ thống sổ sách kế toán giống như các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có hàng chục, hàng trăm lao động rõ ràng là điều không ổn. 

Hiện nay, hộ kinh doanh hiện là cách thức khởi nghiệp vô cùng thuận tiện và ít tốn kém cho người dân. Hàng năm có hàng trăm nghìn ý tưởng kinh doanh đã được hiện thực dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể. Chúng ta không thể chỉ nhìn vào khu vực hộ kinh doanh thông qua hình ảnh của các hộ kinh doanh lớn tại các thành phố lớn mà còn cần nhìn vào hàng triệu hộ kinh doanh với quy mô siêu nhỏ ở các vùng nông thôn, vùng kém phát triển hơn, đang vất vả mưu sinh. Vì thế, không nên áp dụng cùng một quy định, chính sách với toàn bộ khu vực hộ kinh doanh cá thể vì tính đa dạng và khác biệt rất lớn của chính các phân tầng khác nhau của hộ kinh doanh cá thể. Với các nhóm hộ kinh doanh khác nhau, cần có các chính sách và quy định khác nhau.

Tôi cho rằng, phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tự do lựa chọn hình thức kinh doanh của người dân. Với vai trò kiến tạo, Nhà nước nên lựa chọn các giải pháp chính sách phù hợp với thị trường, với thông lệ quốc tế để điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp, người dân hơn là đưa ra các quyết định mang tính bắt buộc, cưỡng ép và có thể gây tổn hại tới hoạt động bình thường của hàng triệu cơ sở kinh doanh và hàng triệu người lao động trong khu vực này.

Không cần đưa vào Luật Doanh nghiệp

Theo tôi, Nhà nước vẫn có thể giúp cải cách, cải thiện chất lượng quản trị và hiệu quả kinh doanh của các hộ kinh doanh bằng việc đưa ra một số sửa đổi, bổ sung ở một số nội dung của Luật Doanh nghiệp mà không cần phải đưa hình thức hộ kinh doanh cá thể vào Luật này, hoặc thậm chí không cần nhắc tới cụm từ hộ kinh doanh cá thể trong Luật.

Trước tiên, cần gọi đúng tên của loại hình doanh nghiệp tư nhân hiện nay trong Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp một chủ/doanh nghiệp cá thể (bản chất là loại hình doanh nghiệp tư nhân theo tên gọi hiện nay trong Luật Doanh nghiệp). Song song với đó là phân cấp cho việc đăng ký doanh nghiệp một chủ/doanh nghiệp cá thể tại cơ quan chính quyền cấp huyện tại 713 huyện, thị, thành phố, nơi các hộ kinh doanh cá thể đang đăng ký kinh doanh như hiện nay. Do vậy, việc đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký doanh nghiệp sẽ có thể được thực hiện tại cùng một địa điểm, do cùng một cán bộ thụ lý hồ sơ. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giúp cán bộ thụ lý hồ sơ dễ dàng tư vấn về lợi ích và khuyến khích người dân chuyển sang đăng ký theo hình thức doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp cá thể) thay vì ý định ban đầu là hộ kinh doanh.

Thứ hai, cần có biện pháp giảm chi phí tuân thủ cho loại hình doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ. Điều bất cập hiện nay là các hình thức doanh nghiệp tư nhân vốn có bản chất rất giống với hộ kinh doanh cá thể lại đang phải tuân thủ các quy định về chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm xã hội… giống như các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần có quy mô hàng chục/hàng trăm nhân viên.

Cần cải cách mạnh mẽ các quy định này bảo đảm rằng các gánh nặng về chi phí tuân thủ, gánh nặng về pháp lý, về thuế áp dụng đối với các doanh nghiệp cá thể/doanh nghiệp một chủ sẽ không cao hơn nhiều so với mức các hộ kinh doanh hiện nay đang chịu. Khi đó, đứng trước những lợi ích và chi phí của việc đăng ký theo hình thức doanh nghiệp một chủ/doanh nghiệp cá thể này, chắc hẳn nhiều chủ hộ kinh doanh cá thể khi khởi nghiệp sẽ lựa chọn đăng ký theo hình thức này theo Luật Doanh nghiệp hơn là hình thức hộ kinh doanh cá thể.

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp tới đây vẫn cần kiên trì quan điểm tôn trọng quyền tự do kinh doanh, quyền được tự do lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp nhất cho mình của người dân, đồng thời tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa để giảm chi phí gia nhập thị trường, chi phí tuân thủ pháp luật, đặc biệt là đối với loại hình doanh nghiệp một chủ. Đó mới là phương cách hiệu quả nhất để các hộ kinh doanh cân nhắc và tự lựa chọn việc lên đời thành doanh nghiệp của mình.

Lê Duy Bình, Chuyên gia Kinh tế, Economica Việt Nam

Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn