Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo như vậy trong buổi làm việc ngày 13/5/2019 tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để tiếp thu góp ý của các nhà khoa học cho Tiểu ban kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XIII. 

Lo lắng, băn khoăn của Thủ tướng là có cơ sở và không thể coi nhẹ khi những bức xúc đang âm ỉ trong nhân dân thi thoảng lại bùng lên thành những cuộc biểu tình, bạo động. Gần đây nhất là các vụ nhân sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD981 vào Vịnh Bắc bộ (tháng 5/2014), sự cố môi trường Fomosa Hà Tĩnh (tháng 4/2016), hay nhân làm dự thảo Luật Đặc khu (tháng 6/2018). 

Nguyên nhân trực tiếp của các cuộc biểu tình trên đây do tính chất nghiêm trọng của mỗi sự kiện làm cho nhân dân bức xúc bất bình; nguyên nhân khách quan là nhân dân bị những kẻ quá khích kích động, lôi kéo. 

Để tránh không xảy ra những rủi ro, nguy cơ cho các vụ việc tương tự trong thời gian tới, như Thủ tướng cảnh báo, cần sáng suốt và thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân cơ bản, cốt lõi, sâu xa dẫn đến các cuộc biểu tình của nhân dân trong những năm vừa qua. 

Người viết bài này muốn đặt một số câu hỏi mong được trao đổi, giải đáp thấu đáo. 

{keywords}
Hàng chục tấn cá chết trên sông La Ngà do nghi ngờ nước sông bị ô nhiễm.

Chẳng lẽ chỉ “một số kẻ xấu” là có thể kích động, lôi kéo đám đông hàng nghìn người tham gia vào các cuộc tuần hành, bạo động như trên? 

Chẳng lẽ trình độ nhận thức và bản lĩnh của hàng nghìn người dân, trong đó có trí thức, công chức, viên chức nghỉ hưu, thanh niên, sinh viên, công nhân, tiểu thương,… lại kém đến nỗi dễ dàng bị lôi kéo, kích động tham gia biểu tình, đập phá? 

Theo nhận định của đại diện một số cơ quan chức năng, có những kẻ dùng tiền mua chuộc, dụ dỗ người dân xuống đường biểu tình. Nhưng ngoại trừ những người vô công rồi nghề và sống vất vưởng, còn lại thử hỏi có ai dại gì bỏ công việc, bỏ học hành đi biểu tình (ở Việt Nam bị xem là phạm pháp) để lấy vài trăm nghìn bạc? 

Giả sử hàng nghìn người dân đi biểu tình chỉ vì nhẹ dạ, cả tin, bị kẻ xấu lôi kéo, mua chuộc. Thế hoá ra hệ thống báo chí chính thống Việt Nam lại có tác động, ảnh hưởng trong tuyên truyền, định hướng cho nhân dân ít hơn so với mấy bài viết trên mạng xã hội và vài lời kích động của kẻ xấu? 

Lẽ nào bao nhiêu tổ chức, cơ quan chức năng liên quan có hoạt đông đến từng cơ sở lại không có ảnh hưởng đến nhân dân để họ nghe theo lời xúi dục của những phần tử xấu có tư tưởng chống đối? 

Ở góc độ ngược lại, tôi cũng rất băn khoăn, vì sao nhiều người dân nhân danh lòng yêu nước mà lại đập phá tài sản của Nhà nước, của doanh nghiệp, của chính đồng bào mình? 

Tác giả rất trăn trở với những câu hỏi trên đây. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành hãy đặt mình vào vị trí của người dân để có cái nhìn thấu đáo, đầy đủ về những nguyên nhân cốt lõi chứ không nên chỉ đổ lỗi cho các phần tử xấu mua chuộc, lôi kéo, kích động. 

Đánh giá như vậy có lẽ là “đúng” nhưng chưa “trúng” vấn đề cốt lõi. 

Trong đời sống chính trị - xã hội, khi có tình thế rối ren cần phải tìm hiểu ngọn nguồn, đâu là nguyên nhân chủ yếu, đâu là giọt nước tràn ly thì mới giải quyết thấu đáo mâu thuẫn, hoá giải xung đột. 

Từ đó người viết bài mạnh dạn đặt câu hỏi: Phải chăng các cuộc biểu tình trong mấy năm vừa qua là do niềm tin bị mai một? 

Nếu đánh giá khách quan tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, thấu hiểu tâm tư của người dân thì câu hỏi này không phải là không có cơ sở. Tôi mạnh dạn nêu lên một vài vấn đề nóng mà không chỉ những người tham gia biểu tình mà đa số nhân dân băn khoăn, lo lắng, thậm chí bức xúc, bất bình. 

Thứ nhất: chênh lệch giàu nghèo và bất bình đẳng đang gia tăng. 

Trong khi trẻ em ở nhiều vùng sâu vùng phải đu dây qua suối để đến trường, trường học dột nát; trong khi người dân Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thường xuyên lâm vào cảnh tắc đường và sau mỗi trận mưa đường biến thành sông; trong khi nhiều người dân còn chạy ăn từng bữa thì nạn tham nhũng lại ngày càng nở rộ, làm thất thoát của Nhà nước nghìn tỷ, chục nghìn tỷ và nhiều kẻ tham nhũng lại sống phè phỡn. 

Cho dù một số “củi lớn”, “củi bé” đã bị cho vào “lò” nhưng khối tài sản khổng lồ bị thất thoát do tham nhũng thu lại chưa được như mong muốn. Nạn tham nhũng đã làm cho bất công xã hội càng ngày càng sâu sắc. 

Vấn nạn chạy chức, chạy quyền, mua quan, bán chức cũng đang nở rộ ở nhiều cấp, nhiều địa phương; nạn con ông, cháu cha vì thế cũng trở nên phổ biến để một bộ phận không nhỏ cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực vẫn chui được vào bộ máy Nhà nước, thậm chí chui sâu leo cao. Chỉ trong mấy năm vừa qua, có trên 60 quan chức thuộc diện Trung ương quản lý bị đi tù hoặc bị kỷ luật. 

Trong khi đó, bộ máy nhà nước càng ngày càng phình to, ở không ít cơ quan lãnh đạo nhiều hơn nhân viên nên người dân đóng thuế bao nhiêu cũng không xuể để nuôi bộ máy đó. 

Trong khi đó, với con em dân thường sau khi tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp nghề vô cùng khó khăn và tốn kém để kiếm được một việc làm ổn định trong các cơ quan hành chính, dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước. 

Tình trạng tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị tàn phá ở tất cả các tỉnh thành, làm thất thoát nghiêm trọng tài nguyên quốc gia, đe dọa môi trường sống; nạn hàng nhái, hàng giả, thực phẩm bẩn tràn lan cũng làm nhân dân luôn trong tâm trạng bất an. 

Thứ hai: sự bất công trong quyền tài sản. Những xung đột về lợi ích của người dân với các nhà đầu tư trong các vấn đề đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu phí BOT chưa giải quyết thỏa đáng. Người dân luôn thấy quyền lợi, tài sản của mình không được bảo vệ trong tương quan với doanh nghiệp và nhà nước. 

Thứ ba: một số luật, chính sách liên quan đến quyền lợi của công dân chưa được truyền thông tốt nên người dân không nắm bắt được tinh thần của các luật đó. 

Ba vấn đề trên đây nằm trong nhóm nguyên nhân cơ bản làm cho nhân dân bị hao hụt niềm tin, bị dồn nén về quyền lợi và gia tăng bất bình. 

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, để giải quyết bất kỳ một vấn đề gì cũng vậy, phải tìm ra bằng được nguyên nhân cơ bản, cốt lõi và có giải pháp khắc phục hiệu quả. Làm như vậy trong xử lý mâu thuẫn xã hội thì mới khôi phục niềm tin và tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Đây là nền tảng đảm bảo sự ổn định bền vững của chế độ. 

Ngược lại, nếu đánh giá không đúng thực trạng xã hội, cho rằng các cuộc biểu tình là do các “phần tử xấu” là bỏ qua các nguyên nhân lớn hơn là nguồn cơn cho những bức xúc tiềm ẩn trong lòng dân, dẫn đến những nguy cơ khôn lường. 

Phải khách quan và thẳng thắn đánh giá các giai tầng trong xã hội, rằng ngoại trừ những phần tử cực đoan, quá khích còn người dân ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, không ai muốn đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn, nồi da xáo thịt. Tuyệt đại đa số nhân dân luôn luôn mong cho quốc thái dân an để họ và con cháu họ được hưởng cuộc sống hạnh phúc và được kiêu hãnh, tự hào về quốc gia của mình. 

Lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại cũng đã chỉ ra, rằng thuận lòng dân thì mọi nguy cơ đều được hóa giải. Người xưa đã nói: “Lấy dân làm gốc và gốc có vững thì cây mới bền”. 

Bởi vậy, điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại vững bền của một thể chế thì bộ máy Nhà nước cùng hệ thống chính trị phải thường xuyên cải cách, hoàn thiện theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền thực chất để thực hiện tôn chỉ ‘Nhà nước của dân, do dân, vì dân’. Nhà nước đó sẽ được nhân dân bảo vệ, và trường tồn cùng nhân dân. 

Nguyễn Huy Viện