Khói lửa chiến tranh không thể được phép tạo nên làn khói mù mờ về trách nhiệm. Những thủ phạm gây ra các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhất định phải bị trừng phạt, bất kể họ là ai.

Sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc chấm dứt cuộc nội chiến Syria được xem như một bi kịch, đặc biệt là đối với những người dân đã chịu nhiều đau khổ của nước này.

Ở một mặt nào đó, những hành động đa phương rõ ràng đã có những tác động tích cực, đó là loại bỏ chương trình vũ khí hóa học của chính quyền Syria. Tuy nhiên, liên tục có những báo cáo chỉ ra rằng các vũ khí hóa học, bao gồm mù tạc lưu huỳnh (thường được gọi là khí mù tạc) và bom clo chống lại người dân, vẫn tiếp tục được sử dụng tại Syria.

Rủi ro là rất lớn. Những thủ phạm đứng đằng sau các cuộc tấn công chắc chắn phải bị nhận dạng và đưa ra trước công lý. Việc cho phép sử dụng vũ khí hóa học mà không phải chịu sự trừng phạt nào không những làm đảo ngược một trong số những tiến triển đầy hứa hẹn trong cuộc xung đột ở Syria, mà còn đe dọa làm suy yếu các chuẩn mực quốc tế trong việc sử dụng khí độc và các chất độc gây hại cho hệ thần kinh, làm gia tăng khả năng sử dụng các chất này trong các cuộc tấn công khủng bố.

{keywords}

Tháng 8/2013, những tên lửa có chứa khí sarin gây chết người đã tấn công vào Ghouta, khu vực ngoại ô gần Damascus do quân phiến loạn kiểm soát. Những hình ảnh khủng khiếp về phụ nữ và trẻ em chết trong đau đớn đã thúc đẩy sự đồng thuận của quốc tế chống lại việc sử dụng các loại vũ khí này. Tháng 10/2013, sau khi Syria gia nhập Công ước chống Vũ khí Hóa học, một phái đoàn chung của Tổ chức cấm Phổ biến Vũ khí hóa học (OPCW) và Liên Hiệp Quốc đã được giao nhiệm vụ loại bỏ các cơ sở sản xuất và chứa hóa chất của nước này.

Chưa đầy một năm sau đó, phái đoàn đã đạt được những thành quả mà chưa một cuộc can thiệp quân sự nào đã đạt được; và các mối đe dọa chiến lược từ các vũ khí hóa học của Syria đã cơ bản bị loại bỏ. Việc tiến hành làm sáng tỏ các khía cạnh của tuyên bố ban đầu của chính quyền Syria về chương trình vũ khí vẫn đang tiếp tục diễn ra; nhưng 1.300 tấn vũ khí hóa học, gồm có khí mù tạc lưu huỳnh và các chất độc gây hại cho hệ thần kinh, đã bị thu giữ và phá hủy dưới sự giám sát kỹ lưỡng của các thanh sát viên OPCW.

Thành tích này không được phép bị đảo ngược. Công ước chống Vũ khí Hóa học là một trong những nỗ lực giải trừ quân bị thành công nhất của loài người. Kể từ năm 1997, 192 quốc gia đã đồng ý chịu ràng buộc bởi những điều khoản của Công ước, và 91% số vũ khí hóa học đã được công khai trên thế giới hiện đã bị tiêu hủy. Việc tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột Syria không chỉ gây ra sự đau khổ tột cùng đối với người dân nước này mà còn có nguy cơ làm suy giảm mức độ khả tín của Công ước.

Một phái đoàn tìm kiếm sự thật được thiết lập bởi OPCW vào tháng 4/2014 đã tìm thấy “các bằng chứng rõ ràng” rằng hóa chất độc hại – nhiều khả năng là khí clo – đã được sử dụng “một cách có hệ thống và liên tục” như một loại vũ khí ở các ngôi làng phía Bắc Syria. Chính dựa trên cơ sở này mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã đồng ý vào tháng 8/2015 nhằm tạo ra một cơ chế điều tra chung của giữa OPCW và Liên Hợp Quốc, đồng thời giao nhiệm vụ cho họ để xác định những kẻ chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột.

Khói lửa chiến tranh không thể được phép tạo nên làn khói mù mờ về trách nhiệm. Những thủ phạm gây ra các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhất định phải bị trừng phạt, bất kể họ là ai. Các điều tra viên quốc tế được điều tới Syria đã cung cấp các chuyên môn cần thiết cho sứ mệnh quan trọng này. Một điều thiết yếu là các nhà lãnh đạo chính trị cần thể hiện sự tin tưởng vào sự công bằng của họ, giúp họ thực hiện công việc một cách suôn sẻ và không được suy đoán về kết luận của họ. Một khi những người chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng vũ khí hóa học đã được xác định, cộng đồng quốc tế phải  đảm bảo rằng họ phải bị truy tố, nhằm đưa ra tín hiệu rõ ràng về sự bất khả xâm phạm của lệnh cấm toàn cầu [đối với sử dụng vũ khí hóa học].

Những cáo buộc kéo dài rằng các chủ thể phi quốc gia đang sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và Bắc Iraq đã trở thành mối quan ngại đặc biệt, vì chúng nêu lên khả năng các hóa chất độc hại sẽ được sử dụng trong các cuộc tấn công khủng bố. Việc sản xuất ra các chất gây hại hệ thần kinh là một quá trình phức tạp, nhưng những kẻ cực đoan có thể dễ dàng triển khai các hóa chất công nghiệp độc hại, như khí clo – nếu chúng sở hữu được những chất độc hại này. Một cuộc tấn công thông thường chống lại một nhà máy hóa chất là một mối nguy cơ có hậu quả nặng nề khác – điều không vượt quá khả năng của các nhóm khủng bố có đầy đủ tài chính.

Gần hai thập niên sau khi Công ước chống Vũ khí Hóa học có hiệu lực, công ước này đang phải đối mặt với một thử thách lớn. Nguy cơ khí độc hại hoặc các chất có hại cho hệ thần kinh được triển khai trong cuộc xung đột giữa các quốc gia đã bị loại bỏ. Việc không trừng phạt việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến ở Syria sẽ có nguy cơ làm xói mòn một cơ chế đã đưa chúng ta đến ngưỡng cửa của một thế giới phi vũ khí hóa học.

Ahmet Uzumcu là Tổng giám đốc của Tổ chức cấm Phổ biến Vũ khí Hóa học (OPCW).

Nguồn: Ahmet Uzumcu, “Syria’s Continuing Chemical Fallout”, Project Syndicate, 01/02/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Bích Hân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

  • Chuyên mục hợp tác cùng chuyên trang Nghiên cứu quốc tế (Nghiencuuquocte.net)
  • Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại.