Điện ảnh Việt Nam kém phát triển chủ yếu là do chính sách. Luật Điện ảnh Việt Nam có mấy cái dở sau:
Thứ nhất, hạn chế sự giao lưu của những người làm điện ảnh trong và ngoài nước.
Người ta đặt ra những thứ giấy phép khá kỳ khôi như hãng phim nước ngoài đến Việt Nam hợp tác với nhà sản xuất trong nước để quay phim thì phải nộp kịch bản cho Bộ Văn hoá thẩm định. Cơ quan này có đồng ý thì hãng phim nước ngoài mới được làm phim.
Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của hãng phim nước ngoài, nếu họ muốn làm một bộ phim lấy cảnh quay ở Châu Á, họ sẽ đến Việt Nam hay đến Thái Lan? Đến Việt Nam, họ phải xin phép lên xin phép xuống, thậm chí bị yêu cầu chỉnh sửa kịch bản, hoặc không cho vào. Còn đến Thái Lan thì được ưu tiên cấp visa, tạo điều kiện thủ tục hải quan mang máy móc thiết bị vào, được ưu đãi thuế.
Người đặt ra những giấy phép đó chắc lo ngại nước ngoài vào quay cảnh gì đó không đẹp của Việt Nam rồi chiếu cho cả thế giới thấy, làm xấu đi hình ảnh đất nước. Nhưng chính cái nỗi sợ mơ hồ đó khiến người ta đặt ra rào cản và rồi thì kể cả những cái đẹp của Việt Nam cũng khó mà được thế giới thấy.
Hình ảnh gây tranh cãi trong phim |
Cảnh quay mới chỉ là một vấn đề nhỏ. Quan trọng hơn là sự hợp tác giữa những nhà làm phim trong nước và nước ngoài trong cùng một dự án để chúng ta có thể học hỏi kỹ thuật, kỹ năng, phương pháp quản lý, công nghệ thì cũng sẽ bị cắt đứt.
Chúng ta có quy định về hạn mức chiếu phim Việt tại các rạp và trên truyền hình. Quy định này học của nhiều nước khác. Nhưng trong điện ảnh, số lượng luôn chỉ là thứ yếu so với chất lượng. Số lượng phim Việt có thể vẫn nhiều, nhưng chất lượng phim của chúng ta sẽ không thể cao nếu không học hỏi được từ nước ngoài.
Thứ hai, kiểm duyệt phim thái quá.
Phim là công việc đòi hỏi sáng tạo, và không có gì giết chết sáng tạo nhanh bằng kiểm duyệt. Tôi hiểu rằng, kiểm duyệt nội dung là điều mà bất kỳ nước nào cũng có, kể cả tự do như Mỹ thì cũng cần có kiểm duyệt để dán nhãn phim bảo vệ trẻ em khỏi những cảnh khiêu dâm, bạo lực. Phim ở Thái Lan cũng bị kiểm duyệt để ngăn cản những nội dung xúc phạm nhà vua.
Nhưng kiểm duyệt ở Việt Nam bị thái quá ở 2 điểm, độc quyền và tuỳ tiện.
Một là, Hội đồng quốc gia độc quyền thẩm định phim trước khi cho phép chiếu. Sự độc quyền mà quyền lực lại định tính này khiến những nhà làm phim sống dở chết dở.
Nó khác với lĩnh vực xuất bản, nếu bạn viết sách, mang đến nhà xuất bản A mà bạn thấy họ làm việc không tốt thì bạn có thể mang đến nhà xuất bản B. Dù chưa thực sự cạnh tranh hoàn hảo, những có cạnh tranh vẫn khiến các nhà xuất bản phải phục vụ tốt hơn.
Hai là, đáng ra, mục đích của việc kiểm duyệt là loại bỏ những nội dung cực đoan như khiêu dâm, bạo lực, thù địch… Việc kiểm duyệt không nhằm đánh giá hay dở (dở mà không khiêu dâm, bạo lực vẫn phải được qua), cũng không đánh giá tính chính xác khi phản ánh lịch sử hay xã hội (miễn là không có mục đích thù địch).
Hoạt động kiểm duyệt trên khiến cho việc đầu tư cho phim trở nên rất rủi ro, thời gian kéo dài, và rất mệt mỏi đối với cả nhà đầu tư lẫn nghệ sĩ. Đầu tư làm phim đã vốn là đầu tư mạo hiểm, kiểm duyệt vô lối khiến mức độ mạo hiểm của nhà đầu tư tăng lên gấp bội. Rủi ro thế thì ai dám bỏ tiền?
Nguyễn Minh Đức
Thủ tục hành chính thẩm định phim và cấp giấy phép phổ biến phim rất phiền phức, mất nhiều thời gian và rủi ro cho doanh nghiệp, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong công văn góp ý với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi.
Theo đó, Hội đồng thẩm định thường yêu cầu chỉnh sửa phim và nhiều yêu cầu bị cho là thái quá, can thiệp vào nội dung nghệ thuật và thương mại của bộ phim chứ không chỉ phục vụ mục đích kiểm duyệt nội dung để chống nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch… Cơ chế kiểm duyệt đối với phim hiện nay đang có 2 vấn đề bất cập.
Thứ nhất, độc quyền về kiểm duyệt phim. Theo Luật Điện ảnh trước đây, việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim chỉ duy nhất do Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh và Hội đồng thẩm định quốc gia tiến hành. Từ năm 2010 đã cho phép một số địa phương thẩm định và phổ biến phim, nhưng đây chỉ là sự phân cấp quản lý, chứ chưa phải là sự cạnh tranh, nhà làm phim vẫn chưa được lựa chọn đơn vị kiểm duyệt phim của mình.
So sánh với một số lĩnh vực khác cũng cần kiểm duyệt nội dung thì sẽ thấy cơ chế kiểm duyệt của điện ảnh hiện nay rất bất cập. Ví dụ, trong lĩnh vực xuất bản, hiện nay Việt Nam có đến 60 nhà xuất bản. Một tác giả viết sách có thể lựa chọn mang sách của mình đến cho các nhà xuất bản khác nhau. Nhà xuất bản sẽ phải làm việc với tác giả để kiểm duyệt những nội dung khiêu dâm, bạo lực, thù địch. Nếu nhà xuất bản thực hiện công việc chậm trễ, không nhiệt tình thì tác giả có thể mang bản thảo đến nhà xuất bản khác. Nhà nước đứng ở vị trí cấp phép, hướng dẫn và hậu kiểm các nhà xuất bản.
Hơn nữa, về lâu dài, việc thẩm định phim qua hội đồng độc quyền rất tốn kém chi phí sẽ kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam và cơ hội được xem phim của khán giả. Nếu giả sử một hội đồng thẩm định làm việc 240 ngày mỗi năm, mỗi ngày thẩm định được 3 phim thì một năm chỉ có thể kiểm duyệt được tối đa 720 phim. Kể cả khi thành lập thêm các hội đồng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì cũng chỉ lên đến 2.160 phim mỗi năm. Những con số đó hạn chế khả năng sản xuất phim trong nước cũng như cơ hội tiếp cận các tác phẩm điện ảnh của thế giới.
So sánh với lĩnh vực xuất bản cũng sẽ thấy, năm 2018 Việt Nam có 32.000 đầu sách được xuất bản. Điều này sẽ không thể có được nếu cơ chế kiểm duyệt sách cũng dựa vào những hội đồng độc quyền như lĩnh vực điện ảnh.
Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo mạnh dạn đổi mới cơ chế kiểm duyệt phim, cụ thể như sau:
Luật Điện ảnh đặt ra các điều kiện (chủ yếu về nhân sự) để một đơn vị có thể thực hiện công tác kiểm duyệt phim. Tổ chức nào đủ điều kiện đều có thể đăng ký và được cấp phép hoạt động kiểm duyệt phim.
Luật Điện ảnh giao cho Chính phủ hướng dẫn các tiêu chí để kiểm duyệt phim. Bộ VHTTDL tiến hành tập huấn cho người trực tiếp phụ trách công tác kiểm duyệt phim.
Phim chỉ được phổ biến sau khi được một tổ chức được phép hoạt động kiểm duyệt phim chấp thuận.
Cơ quan nhà nước tiến hành hậu kiểm nội dung phim đã được phổ biến và công tác kiểm duyệt của các tổ chức đã được cấp phép.
Một cơ chế như vậy vừa bảo đảm quản lý tốt nội dung phim, vừa giúp tạo tính cạnh tranh trên thị trường và giúp cho nền điện ảnh phát triển không bị hạn chế. Việc chuyển từ cơ chế Nhà nước độc quyền kiểm định hàng hoá sang cơ chế uỷ quyền cho nhiều đơn vị tư nhân có quyền kiểm định và Nhà nước giám sát chặt chẽ đã được thực hiện thành công ở rất nhiều lĩnh vực như dược phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm…
Tư Giang