Quá xơ cứng

Chưa biết như thế nào, nhưng trước hết là một tin vui đối với ngành giáo dục. Vui vì khoảng hơn 1 triệu giáo viên công lập sẽ thoát cảnh lo chứng chỉ tin học và ngoại ngữ cho đủ chuẩn, vừa đỡ hao tốn công sức, vừa đỡ hẳn một khoản tiền nong, bởi thời nay đã đi học là phải tốn tiền.

{keywords}
Tháng 12 này, quy định bắt buộc giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong chuẩn chức danh nghề nghiệp sẽ bị loại bỏ. Ảnh: Tiền Phong

Mặt khác, sẽ mất hẳn câu chuyện mua bán chứng chỉ. Không cần 2 loại chứng chỉ này thì đương nhiên những giáo viên không thể có khả năng học, thi lấy chứng chỉ sẽ chỉ còn cách đi mua trên thị trường kiểu như ĐH Đông Đô đã làm. Cái này mới là cái đáng vui, vì giúp một cách cơ bản giáo viên vẫn đúng là giáo viên, không thể có chuyện là người thầy mà đi mua bằng cấp.

Vui thế sao buồn. Nhưng quả là buồn thực. Buồn cho một kiểu quản lý con người quá xơ cứng của hệ thống công vụ nước ta. Đã sinh ra là cố duy trì, không thay đổi.

Công chức ở huyện phải có ngoại ngữ để làm gì?

Với cải cách công vụ là bắt đầu có câu chuyện tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được ban hành từ năm 1993, 1994.

Về cơ bản thì việc định ra tiêu chuẩn chức danh CBCCVC là đúng. Tiêu chuẩn sẽ là căn cứ quan trọng để tuyển dụng, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC.

Nhưng cái hay ấy lại bị triệt tiêu đi phần nào do tư duy quản lý đội ngũ theo kiểu thống nhất, đồng đều, có nghĩa là các ngạch cao cấp, chính, thường và dưới nữa của cả công chức lẫn viên chức về cơ bản đều phải có tiêu chuẩn tin học và ngoại ngữ tương tự nhau theo thứ bậc.

Ban đầu, năm 1993 chưa có câu chuyện công nghệ thông tin nên chưa có tiêu chuẩn về tin học, mà chỉ có về ngoại ngữ. Sau này mới bổ sung tiêu chuẩn về tin học.

Qua bao nhiêu năm triển khai nhưng không hề có sự xem xét lại một cách nghiêm túc để thay đổi, nói ví dụ tiêu chuẩn về ngoại ngữ. Hãy hình dung quy định buộc công chức ở huyện phải có ngoại ngữ để làm gì? Ngoại ngữ có thực sự phải có thì công chức là chuyên viên ở huyện mới làm việc được?

Thậm chí công chức làm việc ở sở này sở kia ở tỉnh cũng không nhất thiết phải có ngoại ngữ. Nhưng công chức làm công việc hoạch định thể chế, chính sách  ở vụ này, vụ kia thuộc bộ, ngành trung ương thì buộc phải có, thậm chí phải sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ trong công việc mới đáp ứng yêu cầu.

Điều đó cho thấy đã có sự đánh đồng, cào bằng tiêu chuẩn ngoại ngữ cho mọi công chức, không phân biệt công việc cụ thể mà họ đang làm. Và nếu đánh giá nghiêm túc thì số công chức thực sự có thể sử dụng ngoại ngữ trong công việc là hết sức ít.

Tình hình này cũng giống như trong đội ngũ giáo viên và viên chức ở các ngành, lĩnh vực khác như bác sỹ, phóng viên, biên tập viên... Nhưng điều kỳ lạ là phần đông công chức thi nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc cao cấp vẫn đỗ ngon lành môn ngoại ngữ. Tương tự là đối với tiêu chuẩn tin học.

Với việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của giáo viên, chúng ta buộc phải suy nghĩ lại toàn bộ câu chuyện tiêu chuẩn các ngạch công chức, viên chức hiện nay, bởi nếu không sẽ nảy sinh vấn đề khó lý giải: Cũng là viên chức như giáo viên mà tại sao bác sỹ, phóng viên, biên tập viên... vẫn buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Ý nghĩa của một bước cải cách đột phá hay không nằm ở chính câu chuyện này.

Vấn đề đầu tiên: Hiểu và vận dụng đúng 2 mô hình việc làm trong công vụ

Đó là mô hình chức nghiệp (nếu dịch sát nghĩa phải là nghề nghiệp) và mô hình vị trí (ta dịch ra lại thêm vào 2 từ việc làm, nên thành mô hình vị trí việc làm).

Ở mô hình chức nghiệp, trọng tâm được đặt vào là nghề nghiệp được đào tạo. Anh học ngành y, được đào tạo để sau này là bác sỹ, nói nôm na, nghề nghiệp của anh là nghề y, là nghề bác sỹ. Anh học sư phạm, sẽ được đào tạo ra để sau này hành nghề giáo viên. Tương tự là luật sư, kiến trúc sư...

{keywords}
Cũng là viên chức như giáo viên nhưng phóng viên... vẫn buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Ảnh: Dân Việt

Điều quan trọng ở đây là học xong, tốt nghiệp về cơ bản là đủ tư cách, năng lực hành cái nghề mình được đào tạo. Không có chuyện cầm cái bằng sư phạm, vốn là cái chứng tỏ mình đủ năng lực làm giáo viên nay lại phải đi thi làm giáo viên như ở ta.

Mô hình vị trí việc làm thì trọng tâm đặt vào vị trí mà ứng viên sẽ phải đảm nhận, tức là việc làm ở vị trí đó là cái quan trọng, chứ không phải nghề nghiệp được đào tạo ra như ở mô hình chức nghiệp.

Mấy ông bà ngồi làm việc trong cơ quan hành chính là điển hình cho mô hình vị trí việc làm. Học hành rất khác nhau nhưng do năng lực, khả năng đáp ứng được việc làm đòi hỏi thì đương nhiên được tuyển. Vị trí việc làm ở một vụ thuộc bộ nào đó đòi hỏi phải biết ngoại ngữ mới đáp ứng yêu cầu công việc, trong khi cũng là công chức nhưng ở vị trí việc làm trong một phòng thuộc UBND huyện thì công việc không đòi hỏi có ngoại ngữ.

Như vậy, tùy theo vị trí việc làm mà định ra tương ứng các yêu cầu, năng lực, trình độ cho người làm việc ở vị trí đó.

Từ đó cho thấy tiêu chuẩn của mô hình chức nghiệp và vị trí việc làm là hết sức khác nhau, không nên quy định khá giống nhau như trong thực tế.

Vấn đề thứ hai: Phân loại ngạch sao cho chuẩn?

Ta giống phần lớn các nước là phân loại ngạch căn cứ vào trình độ đào tạo: đại học, trung cấp, sơ cấp... Phần đông các nước lấy bằng cử nhân để xếp ngạch cao cấp, bằng trung cấp để xếp ngạch chính.

Riêng Việt Nam ta bằng cử nhân có thể ở cả 3 ngạch là ngạch thường, ngạch chính và ngạch cao cấp. Đây là điểm đại bất hợp lý và do đó khi chưa xác định được vị trí việc làm chuẩn sẽ tiếp tục dẫn đến thi nâng ngạch cao cấp và ngạch chính tràn lan như hiện nay, không có điểm dừng đối với công chức.

Tương tự, cũng bằng cử nhân về báo chí thì có thể hiện diện ở cả 3 ngạch là phóng viên, biên tập viên hạng 3, 2 và 1...

Chấp nhận và sửa vấn đề này đương nhiên sẽ có sự xáo trộn lớn trong cả hệ thống công vụ, nhưng chắc không thể không làm, bởi lẽ chưa chuẩn thì phải làm cho chuẩn trở lại.

Vấn đề thứ ba: Xác định đúng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

Tiêu chuẩn các ngạch công chức, viên chức bao gồm nhiều mục, trong đó có mục Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đang được quan tâm ở đây.

Tiêu chuẩn này lại bao gồm:

- Có bằng tốt nghiệp đại học, trung cấp...

- Có bằng tốt nghiệp cao cấp, trung cấp lý luận chính trị...

- Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tương ứng, ví dụ đối với công chức hành chính là chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước...; đối với biên tập viên, phóng viên là chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh biên tập viên, phóng viên ...

- Có chứng chỉ bồi dưỡng ngoại ngữ tương ứng...

- Có chứng chỉ tin học tương ứng...

Ở đây chỉ bàn đến 2 chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Theo sáng kiến từ ngành giáo dục thì nên mạnh dạn bỏ toàn bộ 2 chứng chỉ này ở tất cả tiêu chuẩn của công chức, viên chức còn lại.

Lý do thứ nhất rất đơn giản là hơn triệu giáo viên được bỏ, thì hà cớ gì gần triệu con người còn lại phải có. Lý do thứ hai mới đáng xem xét hơn: chuyển từ quản lý theo hình thức (quản lý bằng chứng chỉ) sang quản lý theo năng lực thực tài.

Thử hình dung chỉ ít năm nữa việc dạy và học trực tuyến phát triển hơn, đại trà hơn, buộc giáo viên phải đủ năng lực, trình độ dạy trực tuyến. Nói khác đi, giáo viên phải có khả năng, năng lực nhất định ở mảng tin học mới có thể dạy trực tuyến.

Không cần quy định phải có chứng chỉ tin học bậc mấy, chỉ cần giáo viên không thể dạy trực tuyến là đủ để chấm dứt hợp đồng làm việc. Và điều này lại đặt ra những thay đổi trong các trường sư phạm: Dạy ra sao để trong tương lai, học sinh tốt nghiệp đủ khả năng là giáo viên dạy trực tuyến theo yêu cầu, tiêu chuẩn của giáo viên các cấp. Tương tự như vậy là câu chuyện bỏ tiêu chuẩn về chứng chỉ ngoại ngữ.

Điểm quan trọng nhất rút ra ở đây là nhân câu chuyện bỏ chứng chỉ tin học và ngoại ngữ cho các giáo viên, cần xem xét lại một cách căn cơ toàn bộ các vấn đề liên quan tới tiêu chuẩn chức danh CBCCVC cả hệ thống công vụ nước ta để từ đó có những thay đổi tương ứng. Thay đổi theo hướng chuyển từ quản lý theo hình thức chứng chỉ sang quản lý theo năng lực thực tài.

Đinh Duy Hòa 

Trả lương công chức theo kết quả công việc, hạn chế sự đố kỵ

Trả lương công chức theo kết quả công việc, hạn chế sự đố kỵ

Hoàn toàn có thể phát hiện người tài năng trên cơ sở đánh giá kết quả công việc cụ thể, so sánh với những người cùng đảm nhiệm một vị trí việc làm trong 63 tỉnh, thành.