Để một quyết sách đi đến thành công, cần có một kế hoạch cụ thể rõ ràng, được theo dõi và đánh giá thật khách quan và khoa học. Mọi quyết sách và quyết định đều phải được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học, không dựa trên cảm tính. Vì thế, tôi xin mạn phép đưa ra một số suy nghĩ của mình, mong đóng góp được chút ít cho các anh chị đồng nghiệp.
Giảm tỉ lệ lây nhiễm chéo trong khu cách ly
Mục tiêu cách ly F1 tại nhà là gì? Theo tôi là: (1) Giảm mật độ người và tỉ lệ lây nhiễm chéo trong khu cách ly. (2) Không được tăng tỉ lệ lây nhiễm cộng đồng từ nhóm F1. (3) Phân bố nguồn lực y tế hợp lý vào đúng vị trí ưu tiên.
(4) Giảm tỉ lệ phơi nhiễm cho nhân viên y tế khi tiếp xúc với một số lượng quá lớn trong nhóm F1. (5) Giảm chi phí cho thành phố trong các khu cách ly. (6) Cải thiện sức khoẻ tâm thần của người trong nhóm F1.
Một khu vực phong tỏa, cách ly y tế tại Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Như Sỹ |
Làm cách nào để đánh giá kết quả của quyết sách này? Chúng ta cần đưa ra 6 nhóm chỉ số đo lường kết quả như sau: (1) Mật độ người trong khu cách ly (tính trên m2) trước và sau khi cho cách ly F1 tại nhà; Tỉ lệ F1 biến thành F0 trong khu cách ly và khi ở nhà. (2) Tỉ lệ lây nhiễm từ nhóm F1 khi ở trong khu cách ly và khi ở nhà. (3) Tỉ số giữa số nhân viên y tế: số F1 trong khu cách ly và khi ở nhà.
(4) Tỉ lệ phơi nhiễm của nhân viên y tế trong khu cách ly F1 và của nhân viên y tế chăm sóc F1 tại nhà; số lượng nhân viên phục vụ trong khu cách ly F1 hiện tại. (5) Chi phí trung bình nhà nước phải chi trong 3 tuần cho 1 F1 khi ở khu cách ly và khi cách ly tại nhà. (6) Điểm trung bình sức khoẻ tâm thần của người F1 (thông qua bảng câu hỏi đánh giá về sức khoẻ tâm thần của F1 trong khu cách ly và F1 cách ly tại nhà, nhờ bộ môn tâm thần và tâm lý thiết kế).
Tất cả số liệu này phải được thống kê ngay từ bây giờ ở nhóm F1 đang cách ly, và theo dõi lấy trong 5 tuần ở nhóm cách ly tại nhà. Việc này Sở Y tế nên nhờ bộ môn Dịch tễ học của trường Đại học Y Dược TP.HCM và trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hỗ trợ thực hiện để đánh giá.
Tôi chỉ phác họa ban đầu, chắc chắn các anh chị chuyên về dịch tễ học sẽ giúp làm việc này tốt nhất. Việc nghiên cứu này rất quan trọng để giúp cho lãnh đạo thành phố và ngành y tế đưa ra những quyết định, chính sách kế tiếp.
6 việc cần làm ngay
Để việc cách ly tại nhà F1 đạt hiệu quả cao nhất, dựa trên mục tiêu, chúng ta phải lên kế hoạch thật kỹ và thực hiện bài bản. Sở Y tế cần có một tổng chỉ huy phụ trách đối tượng F1.
Tôi xin nêu ra các việc cần làm như sau:
1. Tổ chức hệ thống nhân sự phục vụ cho đối tượng F1 này gồm nhân viên y tế ở địa phương (quận, phường), nhân viên hỗ trợ địa phương (công an, dân phòng, tổ Covid cộng đồng): Danh sách, mô tả công việc rõ ràng, cụ thể cho mỗi vị trí.
2. Huấn luyện lực lượng địa phương phục vụ cho F1: Tài liệu hướng dẫn chăm sóc, hướng dẫn phòng ngừa phơi nhiễm, chống nhiễm khuẩn, qui trình theo dõi, giám sát, và báo cáo. Huấn luyện online, với video clip. Nên giao việc này cho hệ thống bệnh viện hỗ trợ.
Nhân viên y tế tại TP.HCM hỗ trợ người F1 chuyển đồ ra xe đi cách ly tập trung. Ảnh: Thủy Tiên |
3. Trang thiết bị cho lực lượng này: Máy đo SpO2, mạch, nhiệt độ, huyết áp, đồ bảo hộ cá nhân (trạm y tế và phòng y tế có thể đã có sẵn), mẫu báo cáo qua app.
4. Tài liệu huấn luyện cho người trong đối tượng F1: Tờ bướm và video clip hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi sức khoẻ bản thân, cách phòng ngừa lây lan cho người thân, cách sử dụng app để liên lạc và báo cáo tình hình sức khoẻ mỗi ngày, các dụng cụ, thiết bị cần có tại nhà nếu có khả năng (nhiệt kế, máy đo mạch, huyết áp, độ bão hoà oxy máu).
Phần này có thể giao cho các chuyên gia bệnh nhiễm trùng phụ trách.
5. Hệ thống công nghệ thông tin: Để theo dõi và giám sát người F1, giám sát hoạt động của nhân viên y tế, xây dựng mẫu báo cáo dành cho nhân viên y tế, mẫu báo cáo sức khoẻ dành cho F1, mẫu báo cáo dành cho hệ thống hỗ trợ, thống kê tất cả dữ liệu thu thập qua báo cáo của người F1 và của nhân viên.
Tất cả làm qua app, để từ đó thu thập đủ các chỉ số đo lường đã nêu. Phần này giao cho chuyên viên công nghệ thông tin của Sở Y tế.
6. Nhóm thực hiện việc giám sát định kỳ công việc của nhân viên y tế và nhân viên hỗ trợ ở địa phương, giám sát qua báo cáo và giám sát tại chỗ.
Có thể khá nhiều việc cần chuẩn bị, nhưng nếu thực hiện được tất cả việc này một cách hệ thống và nhuần nhuyễn sẽ đạt được mục tiêu, an toàn cho cộng đồng và sẽ dễ dàng hơn nếu trong tương lai muốn cách ly F0 không triệu chứng, F0 nhẹ tại nhà. Ngay một lúc có thể không làm hết các công việc nhưng tôi nghĩ cần tiến hành ngay và hoàn thiện từ từ.
Hiện nay, với số lượng lây nhiễm quá lớn trong một thời gian ngắn, quyết định cách ly F1 tại nhà gần như là bắt buộc vì khó mà có chọn lựa khác. Một quyết sách đúng hay sai, thành công hay thất bại không dựa trên suy nghĩ chủ quan của lãnh đạo, mà phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta chuẩn bị và thực hiện quyết sách đó như thế nào, dựa trên cơ sở khoa học và tính toán kỹ lưỡng.
PGS.TS Vũ Minh Phúc
Trăn trở của nữ bác sĩ về cách TP.HCM có thể cải thiện trong chống dịch
Thành phố trong những ngày giãn cách xã hội đã cho tôi có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm với nhiều trăn trở khôn nguôi về những gì người dân nói, đồng nghiệp nói, học trò của mình nói.