Tôi làm sao biết câu trả lời vì bản thân cũng đang chờ đến lượt tiêm cho những người thân lớn tuổi của mình sau khi đăng ký qua phường nhiều tháng trước.
Từ trường hợp Hà Nội
Phải nói, tiêm chủng đang là nhu cầu của hầu như tất cả, song vấn đề là Hà Nội đang thiếu vắc xin. Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội đã tiêm được 2,18 triệu liều, trong đó hơn 200.000 người được tiêm 2 mũi. Ngoài ra, các bệnh viện tuyến Trung ương tại Thủ đô đã tiêm cho khoảng hơn 700.000 người (hơn 100.000 người mũi 2). Tổng cộng, xấp xỉ 2,7 triệu người đã được tiêm, đạt 32,7% dân số.
Đó không phải là một tỷ lệ ấn tượng cho Thủ đô, nơi các ca lây nhiễm vẫn tăng hàng ngày trong cộng đồng.
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân trước khi tiêm vắc xin tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải |
Hà Nội đến nay chưa công bố tỷ lệ tiêm cho các lứa tuổi, nhưng có một thông tin đáng mừng: Thủ đô đã chỉ đạo chỉ dùng 80.730 liều vắc xin của Pfizer để tiêm cho các đối tượng còn lại tại đợt 11 thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên chưa được tiêm chủng và các đối tượng theo thứ tự: người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai trên 13 tuần.
Ưu tiên tiêm cho người cao tuổi, bệnh nền
Ngày 26/2, Chính phủ ban hành nghị quyết 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trong đó điều 2 bao gồm ưu tiên tiêm cho người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.
Đến ngày 8/7, Bộ Y tế ban hành quyết định 3355/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 năm 2021 - 2022, trong đó có 16 nhóm đối tượng ưu tiên, bao gồm cả người già và người có bệnh nền.
Luận điểm này được các tác giả Hoàng Xuân Trung, Nguyễn Ngọc Anh, Đào Nguyên Thắng đồng tình trong một nghiên cứu đăng trên tờ Tia Sáng.
Ba học giả này cho rằng, chiến lược tiêm chủng như thời gian qua là không tối ưu cho mục tiêu “giảm ca tăng nặng và tử vong”. Việc tiêm dàn trải mà không tập trung vào nhóm có nguy cơ tử vong và nhóm tăng nặng nhất sẽ tiếp tục khiến ngành y tế quá tải, và việc kéo dài giãn cách xã hội sẽ không giúp chúng ta phục hồi được nền kinh tế.
Phân tích tỷ lệ tử vong trên số ca nhiễm Covid theo độ tuổi (74.652 ca) của nhóm chuyên gia 5F cho thấy nhóm người từ 65 tuổi trở lên có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong với nhóm trẻ tuổi là thấp hơn rất nhiều. Điều này lý giải một phần vì sao tỷ lệ tử vong ở TP.HCM cao hơn Bình Dương rất nhiều (3,9% so với 0,74%).
Trong khi TP.HCM có cơ cấu dân cư đa dạng, người cao tuổi ở chung với người trẻ nhiều, thì các ca nhiễm của Bình Dương chủ yếu tập trung ở 4 huyện sản xuất công nghiệp, gồm Tân Uyên, Bến Cát, Dĩ An, Thuận An và người mắc chủ yếu là công nhân, trẻ tuổi. Theo Cổng thông tin điện tử Bình Dương, số ca nhiễm mới của 4 huyện này chiếm đến hơn 95% tổng số ca nhiễm mới, ngày 30/8.
Nhóm tác giả này cho rằng, với nguồn cung vắc xin còn hạn chế như hiện nay, để sớm mở cửa nền kinh tế, giảm thiểu tác động của Covid đến nền kinh tế, giảm thiểu số ca tử vong, giảm số ca nhập viện và giảm gánh nặng cho y tế, việc cần làm ngay chính là thay đổi chiến lược tiêm.
Thay vì đặt mục tiêu tiêm phủ cho 50% dân số đến hết 2021, chúng ta cần đặt mục tiêu tiêm phủ cho 100% người từ 65 tuổi trở lên và người có bệnh nền. Nếu còn vắc xin, tiếp tục phủ xuống độ tuổi 50-64, đồng thời tiêm cho các nhóm lao động thiết yếu như các shipper, lái xe chuyên chở hàng hóa, những người là đầu mối trong chuỗi cung ứng.
Kịch bản 1: Tiêm cho 25 triệu người tính từ người cao tuổi nhất trở xuống, khi đó ta sẽ tiêm đủ cho gần hết người từ 50 tuổi trở lên.
Kịch bản 2: Tiêm cho 25 triệu người rải đều từ người 18 đến 74 tuổi, tiêm theo trọng số các nhóm tuổi, nhóm nào đông hơn sẽ được tiêm nhiều hơn.
Theo kịch bản thứ nhất, tổng số người chết vì Covid là 6.252 người. Nếu theo kịch bản thứ hai thì tổng số người chết lên đến 25.093 người, gấp 4 lần so với kịch bản thứ nhất.
Khi làm theo kịch bản thứ hai, chúng ta có thể cứu được người trẻ khỏi tử vong nhưng thực chất số lượng người trẻ cần cứu rất ít do tỷ lệ tử vong của nhóm người trẻ đã rất thấp kể cả khi không được tiêm.
Nhân viên y tế đến tận nhà tư vấn và đo huyết áp, nồng độ oxy trong máu trước khi tiêm vắc xin cho người dân trên 65 tuổi ở TP.HCM |
Kịch bản tiêm cho người cao tuổi trước sẽ cứu được số lượng lớn sinh mạng và giảm áp lực cho ngành y tế hơn, giúp ngành y tế bình tĩnh thu dung và điều trị bệnh nhân, thì có thể tỉ lệ tử vong sẽ không tới 3,5% như hiện nay (tỉ lệ tử vong ở mức chung của thế giới là 2%), hoặc lạc quan hơn là như trước đợt dịch thứ tư, chúng ta giữ được tỉ lệ tử vong thấp, thường chỉ ở dưới 1%.
Đó là những phân tích khoa học rất đáng tham khảo.
Kinh nghiệm quốc tế
Nước Đức bắt đầu tiêm vắc xin từ cuối năm 2020, Chính phủ ban hành danh mục đối tượng được ưu tiên, chia thành 3 nhóm: Ưu tiên cao nhất; Ưu tiên cao; Được ưu tiên.
Trong đó, nhóm 1 gồm: (1) Người trên 80 tuổi; (2) Nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại nhà dưỡng lão hay người thường xuyên chăm sóc người cao tuổi hoặc bị bệnh về thần kinh;
(3) Đội ngũ nhân viên y tế chịu rủi ro lây nhiễm Covid-19 cao, đặc biệt những người làm việc tại khu điều trị tích cực, hồi sức hay sơ cứu; (4) Đội ngũ nhân viên y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân có khả năng tử vong vì Covid-19.
Theo thứ tự ưu tiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel, 66 tuổi, xếp vào nhóm thứ 3, và phải đợi tới tháng 4 mới đến lượt tiêm. Không những thế, bà còn là người nêu gương để tạo niềm tin cho cộng đồng, khi mà đầu năm nay, vắc xin AstraZeneca (AZ) gây nhiều quan ngại về gây biến chứng đông máu sau tiêm, EU đình chỉ sử dụng trong một thời gian.
Sau đó, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) quyết định rằng AZ vẫn tiếp tục được sử dụng vì lợi ích của nó lớn hơn nhiều so với tác dụng phụ. Nước Đức quyết định chỉ tiêm AZ cho những người trên 60. Bà Merkel chọn AZ để tiêm dù lúc đó đa phần vắc xin tại nước này là BioNTech-Pfizer. Thông điệp bà muốn gửi tới người dân là tính an toàn của vắc xin.
Tại Mỹ, đầu tháng 12/2020, Ủy ban Cố vấn thực hành tiêm chủng (ACIP) thông báo ưu tiên những lô vắc xin đầu tiên cho nhân viên y tế và người già tại viện dưỡng lão. Nhà lập pháp của Liên đoàn Lao động California, Mitch Steiger, đã nói: "Chúng ta cần lưu ý đến vấn đề công bằng, bệnh lý nền, cân nhắc giữa nguy cơ tử vong và sống sót".
Còn bang Florida thì ưu tiên tiêm cho người trên 65 tuổi và những người mắc bệnh nặng, sau khi hoàn thành tiêm chủng cho nhân viên y tế tuyến đầu, người già tại viện dưỡng lão. Bang Idaho dành những liều vắc xin đầu tiên cho nhân viên y tế, người già và nhân viên viện dưỡng lão, cảnh sát, lính cứu hỏa...
Việt Nam đang ở trong tình thế lưỡng nan - nền kinh tế không chịu đựng nổi giãn cách quá lâu, nhưng nếu mở cửa thì nền y tế cũng không chịu đựng được số ca nhiễm tăng quá cao. Nếu y tế sụp đổ cũng sẽ dẫn tới sụp đổ kinh tế.
Chúng ta đều biết, với biến chủng Delta, chiến lược kiểm soát Covid-19 đưa số ca mắc về 0 là điều vô cùng khó khăn, nhất là khi số ca nhiễm đã lên gần nửa triệu người. Việt Nam chưa chủ động được nguồn cung vắc xin, vì vậy cần tính toán chiến lược tiêm sao cho vừa giảm tối đa số ca tăng nặng và tử vong, vừa nới lỏng giãn cách sớm nhất có thể với một lượng vắc xin khan hiếm.
Nhanh chóng dồn nguồn vắc xin ít ỏi để tiêm cho toàn bộ người trên 50 tuổi, người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư, bệnh thận mạn tính, bệnh hô hấp mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai. Ưu tiên vắc xin có thời gian giữa 2 mũi ngắn để tạo nhanh miễn dịch. Làm như vậy sẽ giảm tử vong và áp lực lên hệ thống y tế. Phong tỏa mà không phủ vắc xin cho nhóm người cao tuổi thì sẽ phí thời gian, phí công, phí mất sự hy sinh về kinh tế.
Tư Giang
Tiêm vắc xin: Nhanh lên chứ, vội lên với chứ
Một nữ doanh nhân ở tâm dịch TP.HCM, nổi tiếng cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội, thừa nhận hối tiếc về việc từng tẩy chay vắc xin.