LTS: Kinh tế hộ gia đình, hiện chiếm tới hơn 30% GDP, lần đầu tiên được đưa vào Luật Doanh nghiệp. Điều này đã gây ra tranh luận nhiều chiều. Tuần Việt Nam xin giới thiệu các góc nhìn nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh, người có vai trò quan trọng trong xây dựng Luật Doanh nghiệp 1999 với mong muốn tìm được giải pháp tốt nhất cho khu vực kinh tế này phát triển. 

Thưa ông, vì sao khi soạn thảo Luật Doanh nghiệp 1999 và các lần sửa đổi sau đó lại không đưa hộ kinh doanh vào luật để quản lý?

Luật Doanh nghiệp năm 1999 không đưa hộ kinh doanh vào luật để điều chỉnh vì tư duy lúc đó là cứ để thực thể kinh tế đó phát triển. Luật Doanh nghiệp đầu tiên đã cố gắng phân định, giới hạn vai trò nhà nước và thị trường và coi đó là mục điêu cốt lõi. Lúc đó, luật chủ yếu hạn chế quyền nhà nước, thực hiện quyền tự do kinh doanh của người dân là chính. Vì thế, hộ gia đình không phải là ưu tiên.

Hộ kinh doanh là kinh tế phi hình thức, họ không phải bất hợp pháp nhưng cũng chưa thực sự đầy đủ, chính thúc. Hộ kinh doanh không cần tuân thủ đầy đủ về các quy định của pháp luật chẳng hạn phải có hoá đơn chứng từ, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân…

Việc không quản lý họ bằng luật cũng thể hiện mức độ phát triển của khu vực này còn thấp trong nền kinh tế chúng ta.

Trong lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này, hộ kinh doanh đã được đưa vào một chương. Ông nhận xét điều này như thế nào?

Hộ kinh doanh chiếm 32% GDP, lớn hơn nhiều so với kinh tế tư nhân chiếm 9-10%. Vậy ta đưa tất cả vào luật có khả thi hay không?

{keywords}
TS Lê Đăng Doanh

Trước hết, chúng ta phải xem xét trình độ phát triển của các hộ kinh doanh đó thế nào. Những chủ hộ kinh doanh đã sẵn sàng thực hiện việc đăng ký hay chưa?  Những bà bán bún ốc, cháo, bánh giò, giò chả,… ngoài vỉa hè có muốn đăng ký không và có khả năng đăng ký hay không? Họ có đăng ký thương hiệu của họ như doanh nghiệp hay không?

Tôi thấy hiện dự thảo luật chưa tiến hành điều tra trước, thu thập dữ liệu, phân tích, đánh giá tác động để xem ra luật thì có khả thi không.

Các nước đều chấp nhận hình thức kinh doanh này phù hợp với trình độ phát triển của xã hội đó. Đối với kinh tế hộ, họ vẫn chấp nhận ở mức độ linh hoạt nhất định.

Ở Việt Nam, trừ đi các hộ nông nghiệ có trên 3 triệu hộ kinh doanh, trong số đó có rất nhiều hộ ở vùng sâu, vùng xa. Liệu chính quyền cấp tỉnh, cấp quận huyện có đủ năng lực để cấp giấy phép, hay kiểm soát hết được 3 triệu hộ này không? Đó là chưa nói đến việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tôn trọng luật sở hữu trí tuệ,…

Tôi cho rằng, chi phí tuân thủ của việc đưa kinh tế hộ vào Luật Doanh nghiệp chưa được tính toán đầy đủ. Vì vậy, tôi mong rằng Quốc hội nên thảo luận kĩ lưỡng hơn. Hiện nay chưa phải là thời điểm chín muồi để đưa tất cả các hộ kinh doanh gia đình vào Luật Doanh nghiệp vì như vậy vừa vượt quá trình độ của cơ quan quản lí cũng như của hộ kinh doanh.

Như vậy, với những gì ông phân tích thì phải chăng mô hình kinh doanh hộ gia đình đưa vào Luật Doanh nghiệp còn gượng gạo?

Theo tôi, hình thức kinh doanh này phản ảnh trình độ phát triển của chúng ta. Nhà nước nên tìm động lực để khuyến khích họ phát triển đồng thời hỗ trợ như đào tạo lao động, tiếp cận tín dụng...chứ đừng dùng hành chính để ép hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Hãy thực hiện tốt Nghị định số 78 năm 2015. Khuyến khích họ phát triển vào thành doanh nghiệp chứ đừng đưa tất cả 3 triệu hộ gia đình vào Luật Doanh nghiệp mà lại quản lí theo đúng doanh nghiệp thì rườm rà và không cần thiết.

Ông từng bày tỏ băn khoăn là kinh tế hộ gia đình chiếm 32% GDP mà đóng góp chỉ chưa đến 2% cho ngân sách nhà nước với hàm ý là thất thu thuế. Xin ông giải thích rõ hơn?

Một số chủ hộ được sự chấp thuận của cơ quan quản lí các quận huyện đăng kí hộ gia đình, nhưng thực chất là quy mô của họ lớn hơn hộ gia đình nhiều lần. Chẳng hạn, có những hộ gia đình xây dựng có tận 2, 3 nhà nghỉ, mỗi nhà nghỉ sử dụng 7,8 người. Hay có những hộ gia đình ở các làng nghề có hàng trăm lao động, xuất khẩu sản phẩm đi nước ngoài.  Tuy nhiên, họ vẫn chỉ phải nộp thuế khoán, như vậy, là có sự chấp thuận thoả thuận hai bên. Tôi cho là việc này làm thất thu  thuế.

Hình thức kinh tế hộ gia đình đã đa dạng hóa muôn phần khi nền kinh tế số bùng nổ. Ông thấy chương 7a về kinh tế hộ đã, giả sử được chấp nhận, thông qua, đã giúp điều chỉnh thực tế này?

Hiện nay, khi nền kinh tế số hoá phát triển xuất hiện nền kinh tế tự do. Đã có nhiều chuyên gia trẻ tuổi ngồi ở nhà làm ra phần mềm cho các quốc gia Singapore, Thuỵ Điển, Pháp, Mỹ...Thậm chí có bạn trẻ được trả tới 20 tỷ đồng một năm. Những trường hợp này cần xem xét.

Những trường hợp buôn bán trên mạng xã hội có được xem là kinh tế hộ gia đình trong nền kinh tế số, thương mại điện tử hay không? Tôi thấy trong tờ trình Chính phủ chỉ nói nhiều đến hộ gia đình kinh doanh truyền thống chứ chưa tính đến các hộ gia đình kinh doanh trên mạng xã hội mà những hộ gia đình này đang phát triển nhanh hơn hộ gia đình kinh doanh kiểu truyền thống. Do vậy, tôi thấy tờ trình của Chính phủ chưa bắt kịp cuộc cách mạng 4.0.

Chính phủ cho biết, trên thế giới còn hai quốc gia không đưa hộ kinh tế gia đình vào luật là Việt Nam và Trung Quốc. Xin ông cho biết, kinh nghiệm của một số quốc gia?

Ở Đức khi người dân khởi nghiệp kinh doanh thì sở thuế tặng ngay một máy tính, máy thu tiền để kết nối với sở thuế. Nhà nước cử người đến tận nơi hướng dẫn, tập huấn hỗ trợ miễn phí cho các hộ kinh doanh và Nhà nước chỉ tập trung vào kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh về ăn uống.

Ở Mỹ, các hộ gia đình cũng đăng kí, làm luật, thuế. Họ cho thanh toán qua di động. Họ không cấm nhưng có quy chế kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm rõ ràng, còn lại họ cho kinh doanh chứ không kì thị.

Bây giờ chúng ta cũng nên tìm cách giúp đỡ các hộ kinh doanh. Chẳng hạn, ta giúp bà bán bún riêu đăng kí thế nào, thu thuế ra sao. Hiện nay ta vẫn thu nhưng là thuế khoán. Tuy nhiên, thuế khoán thấp quá, không thực sự đúng luật, đúng với doanh thu trong khi đó, thuế khoán là sự thoả thuận giữa hai bên, mỗi bên đều có lợi, hộ gia đình cũng được giảm một chút, bên thu thuế cũng có chút lợi, chỉ có ngân sách không thu được tương xứng.

Ông còn băn khoăn điều gì nữa liên quan đến việc này?

Chính phủ trong tờ trình nên có bản phân tích thực trạng rõ ràng chi tiết hơn về trình độ cũng như mức độ phát triển của các hộ gia đình hiện nay. Có bao nhiêu hộ bán hàng ăn, vận tải, buôn bán... ở các ngành khác nhau. Nếu quản lí thì sẽ quản lí ra sao và quản lí như thế nào với từng đối tượng cụ thể.

Còn tôi cho rằng, nếu cùng lúc làm đồng loạt quy định mới với 3 triệu hộ thì chắc chắn bộ máy sẽ bị phình to và chi phí tuân thủ là rất lớn và chưa lường hết được.

Lan Anh thực hiện