Dự thảo gồm 11 nhóm chính sách đặc thù của Chính phủ cho phép áp dụng tại 4 địa phương. Tuy nhiên, còn nhiều băn khoăn của ĐB từ các tỉnh, thành khác về khả năng dẫn đến cơ chế xin cho, bất bình đẳng giữa các địa phương.
Mong muốn chính sách thống nhất toàn quốc
ĐB Cầm Hà Chung (Phú Thọ) khẳng định, đất nước ta là một đất nước thống nhất, hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách phải được thực hiện thống nhất.
Trong bối cảnh nhiều địa phương muốn có cơ chế đặc thù, nhiều địa phương đã có nghị quyết của Trung ương, thì việc giải quyết mong muốn của các địa phương nếu không ổn thỏa, không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn ĐBQH và lãnh đạo của những địa phương chưa được hoặc không được hưởng cơ chế đặc thù, ông nói.
ĐB nêu hàng loạt câu hỏi: Khi cử tri và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, cho rằng đoàn ĐBQH và lãnh đạo địa phương có yếu kém không, tại sao không xin được cơ chế cho địa phương?...Vì sao địa phương kia có nhiều cơ chế đặc thù, địa phương này được thí điểm? Vì sao có địa phương có chính sách riêng?... Có đặc quyền, đặc lợi ở đây không, có phân biệt con đẻ, con nuôi không, có không công bằng không?
Vì thế, ĐB đề nghị Chính phủ, các cơ quan, địa phương có liên quan cần nghiên cứu, giải trình hoặc triển khai thực hiện rõ ràng, minh bạch, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong nhân dân.
Đồng thời, ĐB đề nghị QH, Chính phủ xem xét phân cấp cho HĐND các tỉnh, thành còn lại được quyết định chuyển đổi mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng 30-50% so với các địa phương được hưởng cơ chế đặc thù.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận xét, nếu dự thảo được thông qua, cả nước sẽ có 7 tỉnh, thành được QH thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và 4 tỉnh, thành nói trên.
ĐB Phạm Trọng Nhân: Nếu dự thảo được thông qua, cả nước sẽ có 7 tỉnh thành được QH thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù |
Theo ông, khi xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, tờ trình của Chính phủ xác định TP này tiếp tục là trung tâm, là đầu tàu dẫn dắt kinh tế - xã hội của miền Trung và Tây Nguyên.
Tại kỳ họp này, tờ trình của Chính phủ cũng nhấn mạnh, Thanh Hóa từng bước khẳng định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của miền Trung và cả nước.
ĐB đặt câu hỏi: “Có hay không sự chồng lấn về vai trò đầu tàu hay động lực tăng trưởng của miền Trung trong trường hợp này? Các địa phương được hưởng đặc thù sẽ đóng vai mới như thế nào trong chiến lược liên kết vùng hay vẫn là 1 trong 63 tỉnh”?
Trong 16 địa phương có kết dư điều tiết ngân sách về Trung ương, chỉ có Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng được trao cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. ĐB Nhân đặt vấn đề: Vì sao không trao cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đã phát triển để dễ dàng có thêm dư địa tăng trưởng mà ở chiều ngược lại, các địa phương này phải chịu tăng tỷ lệ điều tiết về Trung ương, phần còn lại phải chật vật, khéo co để lo bao bộn bề trước mắt và cho cả phát triển lâu dài?
Trong khi đó, ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) nói, thời gian tới cần nguồn tài chính ngân sách khổng lồ để chi cho công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.
Vì thế, bà lo ngại việc xây dựng chính sách đặc thù, ưu đãi đối với các địa phương tại thời điểm này là chưa phù hợp, gây hụt thu, tạo thêm gánh nặng cho ngân sách trung ương khi tập trung đầu tư vào các địa phương đặc thù, gây ảnh hưởng đến việc điều tiết và phân bổ ngân sách trung ương đối với các địa phương khác.
“Tôi đề nghị cân nhắc lùi thời điểm thông qua các chính sách đặc thù để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tập trung cho phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh”, ĐB kiến nghị.
ĐB Dung cho rằng, không nên áp dụng dàn cơ chế đặc thù với quá nhiều địa phương dẫn đến tình trạng mỗi nơi một chính sách, và tránh để xảy ra sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương.
Tạo các cực tăng trưởng mới
Trong dự thảo, vấn đề phân cấp cho địa phương quyền chuyển đổi đất đai thay vì Thủ tướng là chủ đề được quan tâm nhất.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An:
Dự thảo nghị quyết quy định “HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.00 ha”.
Đối với TP Hải Phòng:
Dự thảo quy định “HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định”.
ĐB Khương Thị Mai (Nam Định) cho rằng, việc trao quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần được đưa vào luật Đất đai được sửa đổi tới đây để thống nhất trên toàn quốc.
“Tôi đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi luật Đất đai, luật Quy hoạch và các luật có liên quan. Bãi bỏ điểm a khoản 1 điều 58 của luật Đất đai cho phép UBND các tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha mà không phải trình Thủ tướng’.
Bà cũng đề nghị Chính phủ sớm đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách để triển khai áp dụng tại các địa phương có điều kiện tương đồng như HĐND các tỉnh đồng bằng sông Hồng được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất 2 vụ lúa với quy mô 500ha trở lên như Hải Phòng.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhắc lại cơ chế đặc thù cho Nghệ An và Thanh Hóa và kiến nghị thẳng: “Tôi đề nghị cân nhắc thận trọng cho địa phương quyền này không thông qua Thủ tướng”.
ĐB Phạm Văn Hòa |
Ông phân tích, theo quy định, rừng đặc dụng gần 50ha, đất lúa gần 500ha là quá lớn, nếu chính quyền địa phương được trao quyền chuyển đổi sẽ ảnh hưởng, tác động đến môi trường nghiêm trọng. Mất đất lúa ảnh hưởng đến an ninh lương thực và gánh nặng cho đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, sau này muốn chuyển mục đích sử dụng đất sẽ rất khó khăn.
Các tỉnh, thành không có cơ chế đặc thù khi muốn chuyển đổi 10ha đã báo cáo Thủ tướng, đồng thời phải có thỏa thuận của Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT nhằm đảm bảo tính bền vững cho an ninh lương thực và môi trường an toàn. “Tôi đề nghị cho phép cơ chế nhưng quy mô thấp hơn, thấp hơn bao nhiêu là do Chính phủ quy định”, ông Hòa nói.
Ông bổ sung thêm, cần quy định trong thời kỳ 5 năm thử nghiệm thì 4 tỉnh, thành được chuyển mục đích mấy lần, tránh trường hợp xé lẻ ra nhiều dự án đầu tư mà không thông qua Thủ tướng hoặc Ủy ban Thường vụ QH.
Đề cập đến trường hợp Hải Phòng cũng giống như Thanh Hóa và Nghệ An về thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng, ĐB nói: “Phát biểu của tôi có thể làm không hài lòng đối với TP Hải Phòng và 3 tỉnh còn lại, kính mong các đồng chí có gì thông cảm bỏ qua cho”.
Trước băn khoăn của các vị ĐB, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tác giả của bản dự thảo, lý giải chủ trương ưu đãi cho 4 tỉnh, thành vừa để đảm bảo phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực làm đầu tàu để phát triển nhưng cũng phải quan tâm hài hòa với các địa phương khác.
“Các vị ĐB đã nói rất nhiều đến các vùng khó khăn, nhưng chúng ta đã có rất nhiều cơ chế, chính sách từ trước đến nay để đầu tư cho các vùng khó khăn, ví dụ, còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giảm nghèo và phát triển đồng bào dân tộc miền núi.
Đây chỉ là một số cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù, cho làm thí điểm các điều kiện để các tỉnh này có điều kiện bứt phá lên, còn hệ thống chính sách của chúng ta vẫn phải đảm bảo giữ nguyên, chứ không có sự mất công bằng trong hệ thống pháp luật.
Chủ trương này là nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, bứt phá, phát triển tạo động lực mới, các cực tăng trưởng mới, lan tỏa, thúc đẩy các tỉnh trong vùng, đóng góp cho phát triển chung của cả nước và đặc biệt là điều tiết ngân sách lớn hơn về Trung ương”, Bộ trưởng thuyết phục các vị ĐB.
Tư Giang
Những đại án đất công sản và chuyện luật Đất đai trước thềm sửa đổi
Năm 2020, những đại án liên quan tới đất công sản lần lượt được đưa ra xét xử. Nhiều quan chức phải trả giá do buông lỏng quản lý.