Tôi vừa có chuyến đi về quê Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Phú Thái, phi công huyền thoại một thời trong chiến tranh.
Ông quê ở thôn Nam Huân Trung, xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Đây là cái nôi truyền thống của cách mạng điển hình trước năm 1930 tại đồng bằng Bắc Bộ. Từ chuyến đi đó, tôi có dịp ngẫm ra nhiều điều.
Trên nửa thế kỷ về trước, đã có các bậc cha anh luôn muốn hậu sinh nối chí cha ông làm việc vì nước vì dân, không mưu cầu danh vị, tiền bạc.
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Phú Thái |
Bay như Thái
Cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, nguyên Bộ trưởng Tài chính Hoàng Quy (1926-2006) là một ví dụ. Hoặc như cố Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Phú Thọ, cụ Phạm Thuần (1905-1999).
Cụ Thuần làm Chủ tịch tỉnh của những năm 50 và 60 của thế kỷ trước. Cụ từng bị thực dân Pháp bắt giam và bị tù đày ở nhiều nhà lao như Hoả Lò, Sơn La, Côn Đảo từ những năm đầu của cuộc cách mạng và từng có lần vượt ngục rồi trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.
Khá là thú vị khi nhắc đến tên của hai vị nói trên để nói về câu chuyện thời sự hôm nay quanh việc bổ nhiệm con cháu không trong sáng, đó là họ lại làm thông gia với nhau. Thế nhưng cả hai con người đó đều rất chính trực, không nâng đỡ con cháu kiểu như tình trạng quá xá hiện nay khiến chúng ta phải suy nghĩ đành rằng mỗi thời mỗi khác.
Con trai của cụ Phạm Thuần là Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Phú Thái, phi công nổi tiếng của Không quân Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Ông là con rể của cố Bộ trưởng Hoàng Quy.
Tướng Thái được nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và là người phi công đàn anh từng có thời gian bay cùng phi đội với ông nhận xét: “Phạm Phú Thái là một phi công tiêm kích dũng cảm, bay giỏi, có thể được xem là một trong những phi công huyền thoại của Không quân Việt Nam”.
Câu nói “bay như Thái...” gần như trở thành cửa miệng được Không quân nhắc đến qua nhiều thế hệ phi công chiến đấu đã cho thấy phần nào sự thật đáng kiêu hãnh ấy. Và qua đó cũng gián tiếp cho thấy Trung tướng Phạm Phú Thái là một sỹ quan chỉ huy chiến đấu và trực tiếp chiến đấu đầy tài năng.
Biên đội (trái qua) Thái - Liêm - Soát - Thư tham gia đánh trận 27/6/1972 bắn rơi 4 chiếc F-4 |
Ông trưởng thành hoàn toàn từ thực lực, ngay cả khi bị thương nằm viện vẫn giấu rồi tha thiết đề nghị Viện Quân y 108 xác nhận mình chỉ bị thương nhẹ để hy vọng sẽ còn đủ tiêu chuẩn trở lại đơn vị trực tiếp chiến đấu trên bầu trời.
Hai chức vụ cuối cùng trong đời binh nghiệp trước khi nghỉ hưu mà Tướng Thái đảm nhiệm là Chánh Thanh tra quân đội (2007-2010) và Phó tư lệnh thứ nhất Quân chủng Phòng không - Không quân (1999-2006). Ông luôn là cán bộ chính trực, khái tính, khi xử lý công việc thì rất thông minh, lại luôn quyết liệt, không ngại đụng chạm.
Cụ Phạm Thuần có người bạn thân ít tuổi. Họ cùng quê Thái Bình và từng có thời hoạt động bí mật cùng nhau là ông Nguyễn Đức Tâm (1920-2010). Sau này, khi ông Tâm trở thành Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thì hay tin con trai đàn anh mình đang ở trong quân ngũ. Ông Tâm đã mời vị sĩ quan trẻ đến nhà chơi để hỏi chuyện. Suy nghĩ đôi chút, anh Phú Thái nhờ nói đến vị Trưởng Ban Tổ chức rằng, cháu xin phép chú, cháu sẽ không ra gặp chú đâu vì nếu gặp, có ai biết rồi họ nói cháu xin chức.
Vị Bộ trưởng không có người thân trong ngành
Tại nhà thờ của dòng họ Phạm Phúc Nam Huân cũng như từ đường của chi họ Phạm nhà Trung tướng Phạm Phú Thái, tôi thật ấn tượng khi biết dòng họ này có khá nhiều bậc cha chú tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội những năm 1927-1928. Nổi bật nhất phải kể đến cố Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Phạm Quang Lịch. Cụ Lịch là anh con chú con bác với cha của Tướng Thái - cụ Phạm Thuần.
Trong danh sách các liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới, có đến gần 85 vị được khắc bia đá trong nhà thờ họ.
Cụ Phạm Quang Lịch (1901-1937) sau những năm đi học trên tỉnh trở về, đã nhận ra sự thối nát của giai cấp phong kiến và sự áp bức đô hộ của thực dân Pháp. Tuy là con trai duy nhất trong một gia đình địa chủ có 90 mẫu ruộng, cụ vẫn từ bỏ tất cả để tìm đường đến với cách mạng. Cụ đã chọn ngôi làng của mình cùng những người thân ruột thịt giác ngộ trước để rồi lan tỏa tiếp phong trào chống Pháp sang các địa phương trong toàn tỉnh Thái Bình.
Cụ trở thành một trong những người nhóm họp để thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên năm 1930 trên mảnh đất quê hương và sau đó trở thành Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình từ năm 1933 đến lúc hy sinh (1937) trong nhà tù Sơn La.
Chỉ có 10 năm xây dựng cơ sở và lãnh đạo cách mạng, cụ bị thực dân Pháp tuyên án 2 lần và đều có mức án 20 năm tù khổ sai (lần đầu vượt ngục rồi ra tiếp tục hoạt động) thì quả là đáng kính nể.
Kế tục người cha đã hy sinh dũng cảm trong nhà tù Sơn La năm 1937, con trai cụ sau này cũng nối tiếp truyền thống cách mạng của gia đình và trở thành Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, đó là ông Phạm Bái.
Cố Bộ trưởng Tài chính Hoàng Quy |
Rồi bên nhà vợ của Tướng Thái cũng có nếp gia phong nuôi dạy con y hệt như thế. Bộ trưởng Tài chính Hoàng Quy vốn là cộng sự đắc lực của Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước Võ Văn Kiệt khi ông Kiệt ra Bắc nhận nhiệm vụ. Ông Hoàng Quy khi đó được cử làm Bộ trưởng, Phó chủ nhiệm thứ nhất Ủy ban Kế hoạch nhà nước rồi sau đó sang làm Bộ trưởng Tài chính.
Thế nhưng nếu có ai hỏi trong 6 người con đẻ của ông bà Hoàng Quy cùng các con dâu, rể và cháu nội, ngoại của họ có ai được công tác trong ngành Kế hoạch nhà nước hay ngành Tài chính không thì xin trả lời luôn là không!
Ông Hoàng Quy luôn dạy con mình phải tự lực, đi bằng đôi chân của chính mình và dứt khoát không có chuyện kèm cặp, nâng đỡ con trong công tác. Đó là chưa kể, bên phía ông Hoàng Quy có đến 11 anh chị em ruột; phía phu nhân của ông, bà Bảo Tuệ cũng lại là chị cả của một “gia đình khủng” với 14 anh, chị, em ruột (không kể dâu, rể) ấy vậy mà cũng chẳng một ai trong đó được hưởng cái mà hôm nay chúng ta gọi là “quan hệ, hậu duệ”.
Lúc đương chức, ông Hoàng Quy thường nhắc nhở người trong nhà rằng, nếu ai đó trong đại gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì nên bày cho họ cách làm ăn và cùng nhau giúp đỡ vật chất một chút ban đầu gọi là để vượt qua chứ "đừng bao giờ giúp để có vị trí và quyền lực trong cơ quan nhà nước bởi như thế dễ làm hỏng gia đình và gây bất lợi cho xã hội".
Gia đình bên nội và ngoại của Trung tướng Phạm Phú Thái là như thế và họ luôn tự hào về điều đó. Có lẽ, những vị lãnh đạo ngày nay cũng nên suy ngẫm từ câu chuyện có thật nói trên, tránh việc tuyển chọn người nhà, người thân vào làm lãnh đạo theo lối “tiền tệ, hậu duệ” mà quên mất” trí tuệ” mới là thứ cần thiết với một người lãnh đạo, dù là cấp lớn hay nhỏ.
Trong chiến tranh, phi công Phạm Phú Thái đã xuất kích hơn 120 lần với hàng chục nhiệm vụ khác nhau. Ông đã gặp địch, tìm địch và đánh hơn hai chục trận, 7 lần nổ súng và trực tiếp bắn rơi 4 chiếc F-4 của Không quân và Hải quân Mỹ. Ông tham gia chiến đấu bảo vệ an toàn tuyến đường giao thông huyết mạch ở Khu 4 cũ, là đoạn khởi đầu của đường 559 - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. |
Quốc Phong
Một vị Bộ trưởng khác người
Hầu hết cán bộ cấp vụ dưới thời Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đều có chung nhận xét rằng làm việc với ông rất mệt nhưng trưởng thành rất nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng pháp luật.