UBND TP Hà Nội vừa ban hành nội quy của Trụ sở tiếp công dân thành phố, trong đó có quy định "không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân".
Có thể nói việc ban hành này là không đúng thẩm quyền. Đây là quy định có tính chất mới chứ không phải là hướng dẫn làm rõ những quy định trong luật đã có. Luật tiếp công dân không có quy định này.
Mặt khác, thẩm quyền ban hành các quy định mà người dân có nghĩa vụ phải tuân theo là Quốc hội. Cơ quan hành chính cấp địa phương không có thẩm quyền ban hành các quy định thuộc loại này.
Có ý kiến cho rằng cán bộ tiếp dân cũng là công dân do vậy cần tôn trọng quyền cá nhân riêng tư, tránh ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Nói vậy là sai vì đang trong môi trường tiếp dân thì đây là phạm vi thuộc về hoạt động công vụ, mà cán bộ công chức khi đang làm chức trách phận sự thì chịu sự giám sát của công dân.
Hiến pháp năm 2013 tại Điều 8 đã quy định rõ: Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.
Nhiều địa phương đã công khai nhiều thông tin để nhân dân biết và giám sát. |
Theo quy định đó của Hiến pháp, người dân được quyền giám sát. Và để kiên quyết chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền (mà việc ban hành quy định này là một biểu hiện) thì phải để người dân được quyền quay phim hoạt động tiếp dân.
Có ý kiến lý giải quy định này được ban hành do đã xảy ra một số vụ người dân quay phim có tính chất gây sự, “chọc tức” cán bộ tiếp dân và đăng lên mạng gây ảnh hưởng xấu. Nhưng đây chỉ là số ít và có thể xử phạt hoặc khởi kiện hành vi này. Không thể lấy một vài sự vụ làm sai để cản trở quyền của toàn dân.
Các cơ quan nhà nước cần có nhận thức khiêm tốn đặt mình ở vị trí ngang hàng hoặc dưới những người chủ công dân. Khi người dân có hành xử không đúng thì có thể khởi kiện thay vì chỉ nghĩ rằng mình là cơ quan nhà nước cao hơn nên có quyền xử phạt hoặc đưa ra quy định ngăn cấm nếu muốn.
Về lý thuyết, việc ban hành quy định như vậy là bộ máy hành chính tự đưa ra quy định để che chắn quyền cho lợi bản thân mà vi phạm lợi ích của dân chúng. Trong khi một nguyên tắc trong hành chính công vụ là cán bộ công chức là công bộc phục vụ nhân dân, người dân làm chủ và là người đưa ra các quy định thông qua cơ quan đại diện là Quốc hội. Sẽ là đi ngược các lý thuyết về tổ chức bộ máy hành chính khi để một cơ quan hành chính quan liêu tự ban hành quy định buộc người dân phải tuân thủ.
Mặt khác, cần xác định xem khắp các nơi trên cả nước việc tiếp dân đã làm đúng theo luật chưa? Người đứng đầu đã tiếp dân theo luật chưa?
Theo quy định của Luật tiếp công dân thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày mỗi tháng, còn Chủ tịch UBND cấp huyện là 2 ngày. Vậy nhưng theo Số liệu báo cáo tổng hợp của Ủy ban dân nguyện của Quốc hội hồi tháng 11/2018, thì chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỷ lệ bình quân 48% so với quy định.
Ngoài ra, rất nhiều trường hợp chủ tịch uỷ quyền cho cấp phó, trong khi theo luật phải trực tiếp tiếp dân. Cá biệt có những tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền toàn bộ cho cấp phó tiếp công dân suốt 12 tháng.
Cũng theo số liệu này, nhiều tỉnh không có số liệu trong báo cáo mà Hà Nội là một trong số đó, có những tỉnh tỷ lệ tiếp dân của chủ tịch so với quy định là… 0%. Tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đã đưa ra giải pháp tăng cường thanh tra kiểm tra giám sát để chấn chỉnh tình trạng lười tiếp công dân.
Chưa kể hiện nay nhiều nơi còn có hiện tượng cán bộ tiếp dân cư xử chưa đúng mực, quan liêu hách dịch cửa quyền, đến muộn về sớm, lớn tiếng quát tháo hay giải thích hời hợt cho người dân.
Vì tất cả những lẽ đó, cần trao quyền rộng rãi cho người dân được quay phim ghi hình để giám sát. Việc UBND TP Hà Nội đưa ra quy định như đã đề cập ban đầu thực chất là một hình thức cản trở người dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động công vụ, đi ngược lại xu hướng minh bạch hóa dịch vụ công, có nguy cơ bào mòn quyền công dân.
Ngô Ngọc Trai
Thành tựu quyền con người ở Việt Nam- thực tiễn là minh chứng sinh động
Từ khi lập quốc theo thể chế dân chủ XHCN đến nay, Việt Nam đã kiên trì theo đuổi mục tiêu không ngừng bảo đảm quyền con người cho mọi người dân.