Tưởng sẽ không còn nữa. Nhưng rồi, hình ảnh những đoàn xe máy hàng ngàn chiếc rùng rùng rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số mang theo bao phận người về quê tránh dịch khiến bao người xốn xang.

Lựa chọn bất khả kháng

Với những đứa trẻ lớn lên ở miền Nam trước năm 1975, từng chứng kiến nỗi đau mất mát của chiến tranh, chúng tôi cứ giật mình mỗi khi ai đó nhắc tới từ “di tản”. Bởi, nó gợi lại hình ảnh những tháng năm chết chóc, chia ly của đồng bào mình - điều mà suốt 40 năm qua, với nhiều người, vết thương lòng chưa dễ nguôi ngoai.

Mấy mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, cùng với các trung tâm kinh tế lớn, nhiều tỉnh nghèo miền Trung - Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long cũng đã cố vùng vẫy để vươn lên với các khu công nghiệp, khu kinh tế, các dự án phát triển du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng biển... thu hút được khá lớn lao động nông thôn vào làm việc, góp phần thay đổi nếp nghĩ, nếp làm của người dân, giúp họ đổi đời.

{keywords}
Hàng chục nghìn người về quê, một số tỉnh miền Tây cho cách ly tại nhà. Ảnh: Hoài Thanh

Nhưng rồi, dòng người đổ về các thành phố lớn, các tỉnh công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM vẫn không thuyên giảm. Rời bỏ ruộng đồng, người ta ra đi để đổi về nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang, nhiều con đường nông thôn được bê tông hóa. Ý nghĩa hơn thế nữa là nhiều đứa trẻ đã được đến trường bằng xe đạp trong những bộ quần áo lành lặn hơn; nhiều em đã ăn học nên người, đã thành công nhân, thành kỹ sư, bác sĩ… nhờ những đồng tiền mà bố mẹ chúng gửi về từ thành phố.

Những con đường về miền Tây Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên, mấy hôm nay lại chứng kiến từng đoàn xe máy lao vun vút giữa gió mưa rời thành phố về quê. Trên xe là những gia đình công nhân trẻ, người lao động nghèo sau mấy tháng cầm cự ở lại với thành phố, sống nhờ vào tiền trợ cấp của Chính phủ, vào những túi quà cứu trợ của cộng đồng.

Họ đã được tiêm vắc xin. Họ đã từng hy vọng dịch qua đi để được trở lại nhà máy, xí nghiệp làm việc nuôi thân, có tiền đóng nhà trọ. Nhưng rồi khi thành phố nới lỏng giãn cách, thay vì tiếp tục trụ lại, họ đã gói ghém chút đồ đạc còn lại tìm đường về bằng mọi giá.

Đó là cách lựa chọn cuối cùng, là bất khả kháng, khi những chỗ bấu víu không còn đủ sức níu giữ. Họ sợ đói và dịch bệnh, khi nghĩ về những điều đã  chứng kiến sau mấy tháng chống dịch. 

Xin ai đó đừng quá lạnh lùng, mà gọi chuyện về quê của người lao động nghèo là “thiếu ý thức”. Bản năng sinh tồn không có tội.

Cũng xin đừng dễ dãi mà cho rằng đó là hành động tự phát. Thay vào đó, hãy nghĩ rằng, chúng ta đã chưa làm hết trách nhiệm với người dân của mình khi chưa chuẩn bị tốt nhất các phương án ứng phó. Chuyện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt kiến nghị Trung ương tạm dừng cho người dân về quê sau khi TP.HCM nới lỏng một số biện pháp chống dịch là minh chứng cho sự bị động. Rất may là Chính phủ đã uốn nắn kịp thời. Bà con đã được về quê. 

Thương dân đâu cứ phải nhiều tiền

Lúc khó khăn, nguy cấp, người dân biết tựa vào đâu, nếu đó không phải là sự động viên, giúp đỡ đầy trách nhiệm của chính quyền địa phương? Vì thế dù chỉ là “dẫn lại qui định của Chính phủ”, “chưa áp dụng trên thực tế”, nhưng lời cảnh báo sẽ “xử phạt những người trở về từ vùng dịch” của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế ít ngày trước, rõ là rất không nên! 

Đề phòng lây lan dịch bệnh, sợ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly khi năng lực y tế không đảm bảo là đúng. Nhưng một câu nói không khéo léo ban ra lúc này sẽ là sự tổn thương rất lớn với dân.

Người nghèo thường mặc cảm, tự ti, dễ cảm thấy mình bị hắt hủi! Đón người dân về quê tránh dịch, tránh đói cũng là cách sẻ chia gánh nặng với các tỉnh phía Nam trong lúc này.

Thương dân đâu cứ phải nhiều tiền. Quan trọng là cái tâm của người lãnh đạo có để nơi dân hay không! Cứ ban lệnh cấm, chặn đường, bịt ngõ, cốt giữ cho địa bàn mình sạch dịch, đó chỉ là cách làm của những người sợ trách nhiệm.

Chịu khó suy nghĩ, tìm ra nhiều hướng tiếp cận để giải quyết chuyện ăn ở, cách ly, chữa bệnh hiệu quả cho người dân mới là điều cần ở người đứng mũi chịu sào. Câu chuyện Phú Yên - một tỉnh chả giàu có gì ở miền Trung nhưng đã đón được 20.000 dân trở về rất đáng để các địa phương khác suy nghĩ.

Biết huy động nguồn lực xã hội đúng lúc, đúng chỗ, khơi dậy lòng trắc ẩn của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp cho việc làm hết sức nhân văn này là yếu tố giúp Phú Yên thành công. Đó cũng là cách nuôi dưỡng nguồn lực để khôi phục kinh tế sau khi dịch đi qua.

Hãy để quê hương là chốn tìm về! Xin đừng đánh mất một chút hi vọng, một chỗ bấu víu của người nghèo, dẫu chỉ là một lời động viên mang ý nghĩa tinh thần!

Vân Thiêng 

Sự vô giá của nghĩa đồng bào

Sự vô giá của nghĩa đồng bào

Tôi sẽ luôn khắc sâu trong tâm niệm về sự vô giá của nghĩa đồng bào - Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ sau những ngày tham gia đón công dân trở về từ phía Nam.