LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi. 

Nhìn về trung hạn, Việt Nam sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức bởi những hạn chế nội tại và sức ép địa chính trị bên ngoài. Tuy nhiên, xác định được những vấn đề quản trị nội tại sẽ giúp chúng ta đề ra đường hướng phát triển đúng đắn, làm nền kinh tế mạnh lên.

Để Việt Nam trở nên thịnh vượng, tôi cho rằng, chúng ta cần xây dựng nền kinh tế trên 4 trụ cột quan trọng.

Thứ nhất, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tự do kinh doanh, cạnh tranh công bằng, rủi ro thấp, chi phí thấp,...

Thứ hai, ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Thứ ba, hội nhập kinh tế quốc tế.

Và thứ tư, phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng kinh tế số.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin tập trung vào trụ cột cầu tiên là đột phá thể chế. Đây là trụ cột quan trọng nhất vì nó liên quan đến tư duy, nhận thức.

{keywords}
Báo cáo chính trị Đại hội 12 nêu: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là nhiệm vụ quan trọng.

Trong hai nhiệm kỳ gần đây, Đảng đã xác định đột phá thể chế là đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

Tuy vậy, nhìn lại thời gian qua, dù có một số cải cách, nhưng theo tôi chưa có thay đổi hay cải cách mang tính đột phá về thể chế. Sắp tới đây, đột phá thể chế chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục là đột phá chiến lược hàng đầu.

Để có cải cách thể chế đột phá thực sự, chứ không phải chỉ trong văn kiện, trong các diễn văn của các nhà lãnh đạo, tôi cho là cần làm một số việc sau đây:

Việc quan trọng đầu tiên phải xác định rõ nội hàm của khái niệm “cải cách thể chế”, “đột phá về thế chế”; hay nói cách khác “đột phá thể chế là gì?”.

Theo tôi, cải cách thể chế kinh tế là việc thiết lập, bổ sung và thay đổi hệ thống các quy tắc, luật lệ, trước hết là các quy tắc luật lệ chính thức để thực hiện các cải cách kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại.

Bên cạnh đó, đột phá về thể chế là những thay đổi đủ lớn, đủ nhanh, đủ mạnh về thể chế, tháo bỏ được các nút thắt thể chế, tạo ra bước tiến nhảy vọt của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại.

Như vậy, cải cách thể chế và đột phá thể chế là thay đổi nội dung, không phải chỉ thay đổi hình thức, thay đổi trình tự, thủ tục.

Do đó, cải cách hành chính như đã làm lâu nay, dù rất cần thiết và trong nhiều lĩnh vực đã đủ mạnh, không phải là đột phá thể chế, không bao giờ tạo ra đột phá thể chế.

Việc thứ hai, làm rõ được mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế. Đổi mới chính trị phải phù hợp và thúc đẩy đổi mới kinh tế. Báo cáo chính trị Đại hội 12 nêu: “Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế; năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cần làm tới đây.

Việc thứ ba, làm rõ vai trò của nhà nước, vai trò của doanh nghiệp nhà nước và bản chất, nội hàm mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường.

Thứ tư, xác định một số nguyên tắc được quán triệt đầy đủ trong toàn hệ thống chính trị trong cải cách, xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Làm sao để hệ thống đột phá về thể chế. 

Tôi xin làm rõ ý thứ tư này.

Các nguyên tắc đó phải lấy bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng là mục tiêu cuối cùng; lấy nâng cao mức độ, quy mô cạnh tranh thị trường và đảm bảo cạnh tranh công bằng là trung tâm của pháp luật, chính sách điều tiết nền kinh tế nói chung và các ngành, lĩnh vực kinh tế nói riêng.

Bên cạnh đó, mọi tổ chức, cá nhân có toàn quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo; hệ thống thể chế phải đảm bảo được đầy đủ quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo và hiện thực hóa được những ý tưởng, đề xuất đổi mới sáng tạo.

Điều rất quan trọng là quản lý nhà nước về kinh tế phải theo tôn chỉ phục vụ phát triển, vì phát triển, theo kịp quá trình phát triển. Khi chưa rõ mục tiêu quản lý, nội hàm quản lý thì hãy để cho hoạt động kinh doanh tự do thực hiện. Nhà nước không can thiệp để ngăn chặn, hạn chế sáng tạo, mô hình, phương thức và hoạt động kinh doanh có liên quan; trường hợp cần thiết thì thực hiện thí nghiệm điều tiết (regulation sandbox).

Nhà nước không sử dụng các công cụ hành chính cấm đoán, hạn chế quyền tự do kinh doanh, tự do đổi mới sáng tạo...làm công cụ quản lý.

Nhà nước cần chủ động và tích cực góp phần xây dựng thể chế khu vực và toàn cầu về chuẩn mực ứng xử của công dân người máy, điều tiết xã hội người máy...

Tôi cho rằng phải áp dụng đầy đủ và nhất quán các nguyên tắc trên đây trong soạn thảo, tham vấn, thẩm định và thông qua các văn bản quy phạm pháp luật ở tất cả các cấp, các cơ quan có thẩm quyền.

Nền kinh tế hội nhập đã đặt ra những yêu cầu rất lớn cho cải cách thể chế. Nếu không thay đổi từ tư duy và cách làm thì chúng ta không thể gỡ bỏ những nút thắt, những rào cản do chính chúng ta dựng lên.

Nguyễn Đình Cung

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương

Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn