Gần một nghìn năm sống dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, là cũng chừng ấy thời gian dân tộc Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều kẻ thù lớn mạnh hơn ta rất nhiều lần; phải chấp nhận hy sinh để giành quyền sống, quyền tự do cho mình. Để rồi, những cái tên Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... mãi mãi là bài học vô giá trong hành trình đánh đổi máu xương để giành lấy hai chữ "độc lập", để dân tộc Việt Nam được quyền quyết định vận mệnh của mình mà không phụ thuộc vào kẻ khác.

Chúng ta đã đi qua 75 mùa thu với tư cách là một quốc gia độc lập. Dẫu biết rằng, trong quãng thời gian ấy, để có được niềm vui trọn vẹn, mấy mươi triệu dân trên dải đất hình chữ S này đã phải chấp nhận không ít mất mát đau thương - những nỗi đau mà chỉ có những ai đã trải qua mới hiểu được.

Giá trị nội lực

Nói vậy để thấy rằng, không có chiến thắng nào là dễ dàng. Không có niềm hạnh phúc nào không chứa đựng bên trong sự vật vã, khổ đau. Kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh, chúng ta có quyền hân hoan, tự hào, nhưng cũng là dịp để mỗi chúng ta nghĩ về giá trị thực sự mà cuộc Cách mạng tháng Tám đã mang lại. Độc lập, Tự do là thành quả, là đích đến và còn là những giá trị nội lực để đất nước này, dân tộc này chẳng những trụ vững trước những biến động của thời cuộc mà còn giúp chúng ta tự tin tiến về phía trước.

{keywords}
Sáng 2/9/2020 thanh bình bên hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải

Trên con đường phát triển, chúng ta có thể hợp tác, học hỏi bạn bè, nhưng không thể để bị ai ra lệnh, càng không thể để ai ép buộc phải làm điều mà mình không muốn. Độc lập trước hết phải là độc lập trong tư duy, độc lập trong việc hoạch định con đường đi tới tương lai của dân tộc mình. Vì vậy, giá trị của độc lập chỉ thực sự được bảo đảm khi chúng ta không bị phụ thuộc về tinh thần và tư tưởng vào bất kỳ một thế lực nào đó.

Gần nghìn năm mới thoát khỏi ách đô hộ giặc Tàu, gần trăm năm mới thoát khỏi ách đô hộ giặc Tây, dân tộc Việt Nam mới thực hiện được khát vọng cháy bỏng lòng mình khi nghe theo lời hiệu triệu của lãnh tụ Hồ Chí Minh -  cũng chính là lời hiệu triệu từ những giá trị chân chính nhất của lương tâm con người, biết tự rũ bùn đứng lên phất cờ khởi nghĩa, làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vang lừng, từ bỏ kiếp đời nô lệ, đứng lên làm người tự do.

Quyền lựa chọn không thế lực nào có thể tước đoạt

Tự do chính là quyền lựa chọn của con người. Vì vậy mà qua mấy cuộc kháng chiến, hàng triệu người con đất Việt đã lựa chọn hy sinh về phần mình để đổi lấy tự do cho dân tộc. Một sự lựa chọn phải đánh đổi bằng máu xương, bằng nước mắt đợi chờ của biết bao mẹ già, bao người vợ trẻ “mòn chân bên cối gạo canh khuya”. Đó là sự lựa chọn mang tính định mệnh, nhưng là sự tự nguyện. Tất cả chỉ để chứng minh rằng: Quyền lựa chọn của dân tộc, quyền tự do của người Việt Nam là thứ quyền không một thế lực nào có thể tước đoạt.

{keywords}
Lăng Bác ngày Quốc khánh 2/9. Ảnh: Phạm Hải

Cách mạng Tháng Tám thành công, mà đỉnh cao là sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước do dân bầu ra, vì nhân dân phục vụ. Nhà nước ấy đã được xây đắp bằng tài năng, trí tuệ và nhiệt tình cống hiến của liên minh công - nông - trí thức. Từ những trí thức phong kiến tiến bộ như Phạm Khắc Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, đến những trí thức Tây học như Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa... Tất cả đều hướng về dưới ngọn cờ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy việc phụng sự cho đất nước, cho nhân dân làm lẽ sống.

Tinh thần dân chủ của nhà nước cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới bằng bản Tuyên ngôn độc lập đọc trước quốc dân đồng bào trên quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, không ngừng được mở rộng, khi các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước đã được hình thành trên cơ sở ý chí của đại đa số người dân.

Ngay từ buổi sơ khai của nhà nước cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một cách dễ hiểu rằng:“Dân chủ là để cho dân được nói”. Khi người dân được công khai bàn luận, được bày tỏ chính kiến của mình thì mọi chính sách lớn nhỏ của quốc gia đều là sản phẩm của trí tuệ nhân dân. Tranh luận là yếu tố quan trọng hàng đầu của một nền dân chủ, mà hiệu quả lại tùy thuộc vào mức độ lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân. Thực tiễn xây dựng đất nước cho thấy, dân chủ luôn là cách thức chuyển giao một cách hoà bình và hiệu quả nhất để tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Sự bình đẳng của công dân

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:"Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên". Họa lớn nhiều khi lại bắt đầu từ những bất công nhỏ. Vì vậy, kỳ vọng tột đỉnh với Cách mạng tháng Tám là làm sao phải đạt mục tiêu công bằng xã hội. Đó là sự bình đẳng của công dân, mà trước hết và quan trọng nhất là bình đẳng trước pháp luật.

{keywords}
Cột cờ Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải

Thứ nữa là bình đẳng về cơ hội cống hiến và thực hiện nghĩa vụ công dân. Cơ hội chỉ trở thành hiện thực khi mỗi người, tùy vào điều kiện của mình, thực hiện trách nhiệm công dân ở mức cao nhất có thể. Không phải ai cũng thành giáo sư, tiến sĩ, nhưng đã là người Việt Nam, không ai bị cấm học hành; Không phải ai cũng trở thành tỉ phú, nhưng cơ hội làm giàu là của mọi người và luôn được pháp luật bảo hộ.

Các rào cản về cơ hội là con đẻ của bất công. Sự bình đẳng trước pháp luật và cơ hội cống hiến của công dân là lực lượng sáng tạo to lớn để xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội phồn vinh.

Thiên tai, địch họa, dịch dã là những biến cố bất kỳ. Đất nước có thể gặp khó khăn trong những thời điểm nhất định. Nhưng chúng ta có quyền tin vào ngày mai khi đã sáng rõ con đường đi tới. Dẫu biết rằng để ước vọng trở thành hiện thực là điều không hề đơn giản, nhưng đoàn kết trên dưới một lòng, triệu người như một luôn là bài học có ý nghĩa to lớn của mọi dân tộc trên con đường chinh phục giá trị thực sự của Độc lập - Tự do.

Lưu Hương 

Sĩ quan tình báo Mỹ - nhân chứng đặc biệt ngày lập quốc 2/9/1945

Sĩ quan tình báo Mỹ - nhân chứng đặc biệt ngày lập quốc 2/9/1945

Archimedes Patti là nhân chứng hiếm hoi khi được mời tham dự sự kiện lịch sử: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945.