TP.HCM sẽ vươn dậy

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi trong cuộc trao đổi với người dân trên mạng xã hội đã không trả lời trực tiếp vào câu hỏi đầy mong chờ của đa số “Khi nào thành phố hết giãn cách?”. Đó là một sự thận trọng cần thiết bởi nó liên quan đến niềm tin của người dân đã “ở yên” trong nhà suốt 3 tháng phong tỏa trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp.

Song có những tín hiệu tốt được ông bật mí, đó là hệ thống siêu thị, các chuỗi cung ứng sẽ mở đến xã, phường, thị trấn từ nay đến trước 15/9. Ở những vùng đỏ, shipper sẽ đi chợ thay cho các hộ dân, người dân có thể đi chợ 1 lần/tuần; ở những vùng xanh, sẽ thí điểm mở lại một số dịch vụ bán thức ăn mang về.

Hi vọng sự nới lỏng dần dần đó sẽ bước đầu giúp cải thiện chất lượng sống của người dân và thử nghiệm cho hệ thống y tế vốn đã quá tải.

Trong một cuộc trao đổi của người viết bài này về chủ đề khi nào TP nên mở lại với một người có nhiều kinh nghiệm ở các khu thu dung ở TP, chị lấy kinh nghiệm với chính nhân viên mình trước khi đi vào câu trả lời.

{keywords}
Người dân xuất trình giấy đi đường ở TP.HCM trong những ngày giãn cách. Ảnh: Thanh Tùng

Chị cho biết, 100% nhân viên phục vụ trong các cơ sở thu dung đã tiêm 1 mũi, đều nhiễm Covid-19 và rồi khỏi sau 1-2 tuần cách ly. Chỉ 20% sốt nhẹ 1-2 ngày, sau đó họ làm việc bình thường, đa số còn lại không triệu chứng. Các nhân viên này trong độ tuổi 25-60, không có bệnh nền.

Từ thực tế đó, trả lời câu hỏi khi nào TP nên mở cửa, chị cho biết độ phủ của vắc xin vẫn quyết định và song hành theo 3 tiêu chí. Thứ nhất, tiêm 100% mũi 1 cho 50% dân số. Thứ hai, tiêm 100% mũi 2 và theo tỷ lệ tiêm tăng lên mà mở cửa theo. Thứ ba, khi đã tiêm đủ 100% cho người từ 12-18 tuổi.

Dựa trên mức độ hoàn thiện 3 tiêu chí nói trên, việc chọn ngày 15/9 hoặc 30/9 là mốc mở cửa thì việc nới lỏng phong toả cần thực hiện trên cơ sở áp dụng các chỉ thị 16, 15, 10 đối với từng nhóm ngành, từng khu vực.

Trong bối cảnh TP đang tăng tốc tiêm và 100% mũi 1 và 33% mũi 2 cho dân số từ 18 tuổi trở lên đến 15/9, lời khuyên mở như thế như trên là rất có cơ sở.

Tuy nhiên, do chưa có số liệu thống kê chính xác về tình trạng lây nhiễm sau khi cộng đồng đã chích đủ 2 mũi vắc xin nên việc mở cửa đồng bộ đồng thời là thách thức khó vượt qua. Vì vậy, vẫn cần xác định khởi động dần từng mảng ngành dựa trên mức độ cần thiết của nền kinh tế và xã hội. 

Một số hoạt động có thể vẫn cần hạn chế trong thời gian dài, ví dụ tụ tập giao lưu tiệc tùng v.v... Tuy nhiên, một số thói quen cần thiết lập để sống chung với dịch: luôn 5K, khử khuẩn; truyền thông về phòng chống dịch để tạo thành thói quen cho người dân; khuyến khích thương mại điện tử, mua sắm online; khuyến khích dưỡng sinh thường thức. 

Đó là những gợi ý mang tính chuyên môn, mà nếu Bộ Y tế làm rõ, có thể sẽ đưa ra chỉ dẫn phù hợp, nhất là trong bối cảnh đến nay TP đã tính toán đến “thẻ xanh” cho những người tiêm đủ 2 mũi.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM được trích dẫn trong một nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế - Luật, kể từ khi làn sóng Covid-19 lần 4 xảy ra rộng và nghiêm trọng, tuyệt đại đa số trong 288.333 doanh nghiệp với 3,2 triệu lao động tại TP phải ngừng hoạt động. Chỉ có 717 trong tổng số 1.527 doanh nghiệp ở KCN cao, KCN, KCX duy trì hoạt động ở mức khác nhau với khoảng 65.000 lao động còn đi làm trong tổng số 345.000 lao động.

Như vậy, mức độ thiệt hại kinh tế ở TP.HCM hiện nay là nghiêm trọng, xảy ra ở tất cả các lĩnh vực và các khu vực của nền kinh tế. Nếu TP chậm phục hồi kinh tế, tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng, thu ngân sách quốc gia sẽ bị ảnh hưởng.

Có lẽ, những rủi ro đều đã được nhận diện khi TP.HCM được giao phải kiểm soát được dịch bệnh trước 15/9.

TP.HCM, địa phương đóng góp 23%-25% GDP và 27% thu NSNN đang bệnh nặng nhưng có lẽ sẽ khỏi bệnh sớm nhất. Một chương trình cấp cứu cho người dân và doanh nghiệp cần được thiết kế và triển khai sớm trước khi quá muộn. Rất hy vọng và mong chờ TP sẽ gượng dậy, đứng lên.

Đầu tàu Hà Nội song hành

Trong khi TP.HCM ốm nặng, thì đầu tàu Hà Nội lẽ ra phải vận hành nhiều hơn, mạnh hơn để giữ nhịp cho nền kinh tế, ít nhất theo lý thuyết.

{keywords}
Tiêm vắc xin cho người cao tuổi tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hải

Song, do không đủ vắc xin và không thể bị ốm nặng, Hà Nội đành phải thực hiện phong tỏa liên tục từ 24/7 tới nay theo chỉ thị 16. Quyết định của Hà Nội ở thời điểm đó gây tranh cãi. Giãn cách và phong tỏa, nếu cực đoan, sẽ bóp nghẹt sinh kế của dân và sản xuất, lưu thông của doanh nghiệp trong khi Hà Nội mới có vài chục ca nhiễm.

Cũng ở thời điểm đó, một nhà dịch tễ học đưa ra một biểu đồ cho thấy, số ca mắc ở Hà Nội tính từ 6/7 đang có chiều hướng lặp lại những gì diễn ra ở TP.HCM tính từ ngày 24/5. Nếu không phong tỏa ngay, đồ thị bệnh ở Hà Nội lặp lại như TP.HCM chỉ là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, Hà Nội không áp dụng những chính sách cực đoan và trên thực tế các doanh nghiệp công nghiệp, sản xuất vẫn tiếp tục hoạt động. Trong 8 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, một mức không quá kém.

Song dấu ấn của giãn cách là rất rõ. Ví dụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước giảm 32,2% so với tháng trước và giảm 51,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đó là cái giá phải trả cho chống dịch. Không thể lơ là với Delta với hệ số lây nhiễm khủng khiếp, làm tan tác các thủ đô, thành phố lớn không chỉ trong ASEAN.

Ở mặt trận chống dịch, sau hơn gần 3 lần thực hiện chỉ thị 17, đồ thị dịch bệnh ở Hà Nội đã khác xa và được kiểm soát khá tốt, cho thấy chính sách phong tỏa sớm đã phát huy tác dụng như thế nào. Tuy nhiên, dịch đã lây lan ra gần khắp thành phố, chỉ cần lơ là 1-2 tuần là rủi ro bùng dịch sẽ nằm ngoài tầm với.

Những ngày này, Hà Nội đang tăng tốc tiêm, nhiều nơi tiêm cả tối muộn. Chỉ trong 3 ngày, Thủ đô tiêm hơn 1 triệu liều vắc xin khi được hỗ trợ từ nhân viên y tế của 11 tỉnh. Với tốc độ  này, Hà Nội dự kiến sẽ tiêm đủ cho đa số vào 15/9, hoặc muộn hơn vài ngày.

Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp để tận dụng tối đa thời gian vàng trong lúc phong tỏa để tiêm cho người dân.

Ngày 6/9, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành công điện số 20 có mục tiêu rất đáng chú ý: "Khởi động ngay" việc phục hồi và thúc đẩy kinh tế tại các vùng xanh, vùng vàng và tiến tới trên địa bàn thành phố từ ngày 15/9.

Cam kết “khởi động ngay” nền kinh tế của ông đang làm người dân nức lòng sau nhiều tuần phong tỏa. Tất cả đang đếm từng ngày đến15/9, mốc thời gian Chủ tịch cam kết mở cửa.

Đến 15/9, khi đã tiêm vắc xin đủ cho dân Hà Nội, hy vọng đầu tàu kinh tế là Thủ đô sẽ khởi động lại và tăng tốc. TP.HCM cũng vậy.

Hai đầu tàu cùng lúc vận hành mới giúp kéo được đoàn tàu kinh tế Việt Nam.

Tư Giang

Mong chờ từ TP.HCM: Tiêm nhanh để nới lỏng

Mong chờ từ TP.HCM: Tiêm nhanh để nới lỏng

Sau gần 3 tháng phong tỏa khắc nghiệt, đã đến lúc thảo luận về điều kiện để nới lỏng các biện pháp chống dịch ở mức độ nào đó để cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân dễ thở hơn.