Quốc hội khóa 1 ấy, trong ghi chép của cụ Vũ Đình Hòe, tính đại diện được thể hiện qua các con số:

Về thành phần xã hội: Trí thức chiếm 61%; Công kỹ nghệ 6%; Buôn bán 5%; Thợ thuyền 6%; Nông dân 22%.

Về xu hướng chính trị: Mác xít có 10 đại biểu; Đảng viên xã hội 27; Đảng Dân chủ 45; Đồng minh hội 22; Việt Nam Quốc dân đảng 26 đại biểu. Ngoài ra, còn có các đại biểu độc lập, gồm 82 người Chống phát xít, 90 người Xu hướng quốc gia bảo thủ.

{keywords}
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khóa 1, kỳ họp thứ hai (28/10-9/11/1946) bầu ra. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Về tuổi tác: Đại biểu từ 18-25 tuổi chiếm 7%, từ 26-40 tuổi chiếm 70%, từ 41-50 tuổi chiếm 18%, từ 51-70 tuổi chiếm 5%.

Cụ Vũ Đình Hòe (1912-2011) là đại biểu Quốc hội khóa 1, Bộ trưởng Tư pháp thứ hai của Chính phủ, từ tháng 3/1946 đến tháng 5/1959. Các số liệu trên được cụ ghi trong cuốn Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh (NXB Văn hóa Thông tin & TT Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, H.2001, Q.1, tr. 81- 82).

Có thể nói, các con số trên phản ánh tính đại diện rất cao của Quốc hội khóa 1, bao trùm các thành phần xã hội, các đảng phái chính trị, phản ánh xu thế, lợi ích xã hội ở thời điểm đó. Và đặc biệt, kết quả ấy là biểu trưng cho sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc gia cho mục tiêu cao nhất: bảo vệ nền độc lập non trẻ trước thế lực thực dân đế quốc đang lăm le quay lại.

Đây cũng là nhu cầu lớn nhất, tập trung nhất, thống nhất nhất của người dân nước Việt ở thời điểm ấy, và chính nhu cầu ấy chi phối, tác động và góp phần quyết định kết quả cuộc Tổng tuyển cử.

Đòi hỏi của dân tộc

Không phải ngẫu nhiên mà những ngày qua, hoạt động kỷ niệm 75 năm Tổng tuyển cử được Trung ương và địa phương tổ chức trang trọng từ Bắc chí Nam. Bởi lẽ, gần ba tuần nữa, ngày 25/1, Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc.

Đại hội ấy sẽ bầu ra Ban chấp hành Trung ương - cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng trong nhiệm kỳ 5 năm, là cơ sở chính trị để tiếp đó, ngày 23/5 cử tri cả nước bầu đại biểu Quốc hội, HĐND, là cơ sở pháp lý cho bộ máy nhà nước cả Trung ương và địa phương nhiệm kỳ 2021-2026.

{keywords}
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước, tháng 10/2018. Ảnh: quochoi.vn

Rất khó và chẳng nên chút nào việc so sánh bối cảnh chính trị, xã hội hiện tại với thời đã qua. Nhưng một điều có thể khẳng định là dù cuộc bầu cử nào thì tính đại diện cũng phải đáp ứng nhu cầu lợi ích, nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc ở thời điểm lịch sử mà nó diễn ra. Và những lợi ích có tính bao trùm, phổ quát sẽ tác động, góp phần quyết định kết quả của cuộc bầu cử ấy.

1.590 đại biểu dự Đại hội 13, bao gồm 194 đại biểu đương nhiên, 15 đại biểu do chỉ định, và 1.381 đại biểu do đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương bầu ra quan tâm những vấn đề gì? Thật khó phán đoán, hiểu thấu cái tính đa dạng, phức tạp ấy nếu không có một cuộc nghiên cứu, điều tra một cách khoa học, bài bản, khách quan.

Nhưng một điều chắc chắn rằng, những thôi thúc chung đã và đang là động lực cho cả dân tộc tiến lên thì cũng sẽ tác động, tạo động lực cho các đại biểu. Bởi lẽ, họ đại diện cho 5,2 triệu đảng viên (con số tháng 12/2019) của Đảng duy nhất cầm quyền, mà tính đại diện của đảng ấy được khẳng định trong Điều lệ cũng như Hiến pháp là “…đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của… nhân dân lao động và của cả dân tộc”.

Chứng kiến những rừng người, rừng cờ đỏ sao vàng đổ xuống phố phường năm 2018 đón mừng hai đội tuyển bóng đá nam, nữ lần đầu tiên sau 60 năm cùng vô địch SEA Games. Cảm nhận niềm tin yêu, hi vọng của đông đảo người dân vào công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 đang gặt hái nhiều thành công từ đầu 2020 đến thời điểm này. Xúc cảm nhận về gợi ý bao mong muốn, kỳ vọng của 97 triệu dân Việt đang gửi tới các lá phiếu Đại hội 13 cũng như lá phiếu bầu đại biểu dân cử.

Đó là khát vọng, là đòi hỏi của một dân tộc quyết phải hùng cường, đất nước phải vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong một thế giới đang vận động không ngừng, đầy thách thức.

Các đại biểu dù được bầu ra từ đại hội các đảng bộ miền xuôi, miền ngược, là cán bộ dân sự hay từ lực lượng vũ trang, những cử tri nơi đô thị hào nhoáng hay nông thôn còn vất vả trăm bề, tất thảy đều cầm trên tay, mỗi người một lá phiếu, đại diện cho khát vọng, đòi hỏi ấy. 

Những lá phiếu ấy, trực tiếp hay gián tiếp, xa hay gần sẽ chọn ra những người, mà chính họ sẽ đại diện cả quyền lực chính trị, quyền lực pháp lý, với trọng trách trên vai là đưa ước mơ của cả dân tộc sớm thành hiện thực.

Nghĩa Nhân

Nhân sự Đại hội và hồng phúc của dân tộc

Nhân sự Đại hội và hồng phúc của dân tộc

Hai vấn đề quan trọng nhất của mỗi lần đại hội Đảng toàn quốc là chính sách phát triển đất nước 5 năm tới và nhân sự BCH Trung ương.