- Bước qua ám ảnh quá khứ, mở rộng hạn điền làm dấy lên niềm tin về một cuộc đổi mới đất đai lần thứ tư. Nhưng bước qua không có nghĩa là quên. Trong công cuộc đó, người nông dân ở đâu? Làm sao để tích tụ đừng đi liền với tước đoạt?


Hai chữ "tước đoạt" nghe rất tàn nhẫn!

Nhưng đó lại là một khái niệm về thể chế mà hai tác giả James Robinson và Daron Acemoglu đã đưa ra khi viết cuốn sách "Vì sao nước thịnh, nước suy?"

Hai tác giả cho rằng, một đất nước có những chính sách vì lợi ích chung, khích lệ động viên mọi nguồn lực, tạo cơ hội cho tất cả xã hội đều chung tay xây dựng... thì đất nước ấy sẽ giàu mạnh, vì có thể chế dung nạp.

Ngược lại, một đất nước nếu có thể chế tước đoạt (thể chế loại trừ)- tức Nhà nước can thiệp sâu và ban hành những chính sách mà thực chất có lợi cho một nhóm quyền lực... thì khắc sẽ suy yếu.

Và ở đây, với câu chuyện mở rộng hạn điền, tích tụ đất đai trong nông nghiệp, thể chế tước đoạt đang thực sự là mối lo ngại, về cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

Chia sẻ với VietNamNet bên lề Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017- một sự kiện vừa diễn ra tại Hà Nội do Liên minh Nông nghiệp và Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT tổ chức, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR- ĐH Kinh tế, ĐHQGHN) rất tâm tư về hai chữ này.

{keywords}
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR tại Diễn đàn Nông nghiệp Mùa xuân 2017 (ảnh: Thuỳ Liên) 

Ông cắt nghĩa: "Tước đoạt" xảy ra khi những đại gia lập dự án rồi sử dụng chính quyền địa phương thu hồi đất theo danh nghĩa Nhà nước thu hồi cho phát triển kinh tế. Và vì đất nông nghiệp theo giá Nhà nước thu hồi quá rẻ, người nông dân cảm thấy bị tước đoạt!"

"Nếu tích tụ đất đai theo cách tước đoạt như vậy, người nông dân bị đẩy ra ngoài cuộc và cái giá phải trả sẽ là rất đắt!" ông Thành nhấn mạnh.

Theo TS Thành, một trong những mấu chốt để đảm bảo sự công bằng trong tích tụ đất đai, Nhà nước cần quan tâm đến quyền tài sản đất đai của người nông dân.

"Giá thị trường phải được đảm bảo. Nông dân nếu muốn rút ra khỏi nông nghiệp, có thể bán đất cho người có nhu cầu, hoặc nếu vẫn giữ đất, họ có thể góp vốn bằng quyền tài sản đất nông nghiệp, nhưng là với giá thị trường, chứ không phải thứ giá quá rẻ như hiện nay. Chỉ như vậy, vị thế của người nông dân mới tốt hơn", TS Thành nói.

TS Lê Đăng Doanh cũng cảnh báo: "Ở Đài Loan, người nông dân được góp đất và trở thành đồng sở hữu của công ty, là cổ đông và quyền tài sản về đất đai được ghi lại, đảm bảo lâu dài... Cho nên, ta phải tránh tích tụ ruộng đất mà quyền lợi nông dân không đảm bảo, đất nông nghiệp bị biến thành đất của đại gia, dẫn tới mất ổn định xã hội".

{keywords}
Tích tụ ruộng đất làm sao để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân (ảnh: theo Tiepthithegioi)

Có những con số so sánh thật đáng suy ngẫm, được đưa ra từ chính Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn.

TS Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục này chia sẻ: "Ta có hơn 16 triệu ha đất nông, lâm nghiệp nhưng Nhà nước định giá chỉ bằng 1/10 giá trị thị trường".

Ông kể, ở Đồng bằng Sông Cửu Long, một nông dân có 1 ha với giá trị tính theo thị trường sẽ là 2-3 tỷ đồng. Nhưng khi đem thế chấp ngân hàng để vay vốn, 1 ha ấy chỉ được định giá là 300 triệu đồng (theo khung giá Nhà nước). Người nông dân được vay tối đa 70%, nghĩa là chỉ được 200 triệu đồng, cho một mảnh đất đáng lẽ là 2 tỷ.

"Đất nông nghiệp đã không được vốn hoá trong thị trường và cách tính như vậy đã làm chúng ta tổn hại hàng trăm tỷ USD. Trong khi đó, nông dân thiếu vốn", TS Thịnh băn khoăn.

Nhưng, câu chuyện không chỉ là giá, nó còn ở chỗ chính quyền địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng trong các vấn đề này.

"Ở một số địa phương, chính quyền đứng ra vận động nông dân gom đất rồi sau đó cho doanh nghiệp thuê. Đó có thể là một sự năng động đáng khen (ví như ở Hà Nam, Ninh Bình... PV). Thế nhưng, nếu chính quyền tốt thì người nông dân được bảo vệ. Song, nhiều khi chính quyền tham gia vào quá trình đó chưa chắc đã công bằng và phần bất lợi sẽ là thuộc về người nông dân", TS Thịnh phân tích.

Nỗi lo ngại của TS Thịnh còn bởi có một thực tế, chính quyền địa phương đôi khi hành xử chỉ nhìn theo tín nhiệm của Trung ương, làm "nhân viên" cho Trung ương thay vì nhìn theo lợi ích của chính địa phương mình, của người nông dân.

Cho nên, "chính quyền phải để cho quá trình giao dịch, tích tụ đất đai theo cơ chế thị trường... Phải tăng cường thể chế dung nạp, hạn chế thể chế tước đoạt", TS Thịnh nói.

{keywords}
Đạo diễn Lê Văn Long: "Tôi là con nông dân, vì là con nông dân nên chịu đủ thứ thiệt thòi" (ảnh: Thuỳ Liên)

Một chi tiết khá ấn tượng ở Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2017 là sự có mặt bất ngờ của một đại biểu, người tưởng chừng không liên quan đến nông nghiệp- đạo diễn Lê Văn Long.

30 năm trước, ông là quay phim chính của bộ phim "Chuyện tử tế"- một bộ phim tài liệu bom tấn nói về thời bao cấp, sản xuất từ năm 1985, bị cấm chiếu cho tới năm 1987.

Ông trải lòng: "Tôi là con của người nông dân, vì là con của nông dân nên chịu đủ thứ thiệt thòi... Và bây giờ, ở quê tôi, chỉ những ai không thi đỗ đại học mới chịu làm nông nghiệp, em tôi thi đỗ nên mới thoát nghề nông".

"Nông dân, con của nông dân khổ lắm! Phải làm sao để thể chế (cải cách hạn điền- PV) đến được với người nông dân!" đạo diễn Long xúc động nói.

Bước qua ám ảnh quá khứ nhưng không có nghĩa là quên!

Nói với Vietnamnet, GS Đặng Hùng Võ- nguyên thứ trưởng Bộ TNMT vẫn cảm thấy nặng nề khi nhắc tới 4 chữ "cải cách ruộng đất". Ông đề nghị nên dùng từ "đổi mới đất đai"!

Còn với người đi từ nông thôn ra thành thị như đạo diễn Lê Văn Long, sự yếu thế của nông dân vẫn còn đâu đó.

Những câu chuyện được thẳng thắn chia sẻ vừa rồi liên quan tới chuyện đất đai là những thông điệp đáng chú ý cho bộ ngành hiện nay, khi bắt tay nghiên cứu, thực hiện chủ trương thống nhất mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất mà Chính phủ đã yêu cầu.

Phạm Huyền