Trong rất nhiều chuyện tử tế mà truyền thông mang tới trong năm 2018, có những câu chuyện về những cháu bé, trước khi rời cõi tạm trần thế, đã hiến tặng phần thân thể cho người khác. Có thể là ngẫu nhiên, khi đầu năm 2018, vào tháng 2, là bé Hải An, hơn 7 tuổi ở thôn Tân Mỹ, Quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội; giữa năm, vào tháng 7, bé Nguyễn Vân Nhi, 12 tuổi, cùng ở Hà Nội; và cuối năm, tháng 12, lại là bé Mai Reon, vừa tròn 4 tuổi, ở Phú Thọ...

Câu chuyện mang đến rất nhiều cảm xúc. Người ta gọi cô bé, cậu bé này là Thiên Thần, Thiên Sứ, là Chiến Binh. Hành động, nghĩa cử của những búp lá sớm lìa cành này thắp lửa, truyền cảm xúc trong cộng đồng chẳng hề thua kém những hành động xả thân, dâng hiến của những anh hùng, vị thánh, các bậc chân tu.

Hơn 10 ngày sau hành động đầy chất thiên sứ của cô bé Hải An, hơn 1.000 người đã đăng ký được hiến tặng giác mạc. Các cháu, và cha mẹ, người thân của các cháu đã truyền đi một thông điệp: Khi không còn tồn tại trên cõi đời này, thì nên làm một điều gì đó có ích cho cuộc đời. Cái chết không còn là sự mất mát. Nó đem lại sự sống, nguồn sáng cho nhiều người. “Con muốn những bộ phận vẫn sống trên cơ thể người khác”- Lời bé Hải An. Hành động dâng hiến không cần nhiều ngôn từ to tát, hoa mỹ. Sự tử tế không chờ đợi thời gian, tuổi tác.

Đốm sáng mà các Thiên Thần nhỏ tuổi đã thắp lên kia, có trở thành nguồn sáng trong mỗi cá nhân, trong cả cộng đồng?

Lại nhớ cô Hoa hậu người Ê đê H’ Hen Niê. Trong rất nhiều hành động trải nghiệm của mình, cô đã hơn một lần giương cao thông điệp: “Tôi làm được và bạn cũng có thể làm được”. Rất nhiều người, không chỉ là bạn trẻ, đã hưởng ứng tinh thần H’ Hen Niê.

Các cầu thủ U23 và đội tuyển bóng đá quốc gia nữa. Người yêu bóng đá nước nhà và truyền thông thế giới gọi họ là Chiến Binh Sao Vàng. Họ được đào tạo bài bản, kỹ càng. Họ chơi bóng với tinh thần tự tin, cống hiến hết mình, tôn trọng đối thủ nhưng không hề e ngại, sợ hãi, lần lượt lập nên những kỳ tích ở sân chơi khu vực và châu lục - kỳ tích mà trước đó, thế hệ đàn anh, cha chú chỉ có trong mơ ước. Mỗi lần lập chiến công hay hoá giải thành công một mối hiểm nguy, các cầu thủ lại chỉ lên ngực trái, nơi in hình lá cờ đỏ sao vàng biểu tượng thiêng liêng Tổ quốc.

{keywords}
Người Việt Nam ngước lên cờ đỏ sao vàng, đặt tay lên ngực trái, cất lời: Người Việt tự cường để nước Việt hùng cường! Ảnh: Lê Anh Dũng

Tinh thần Chiến Binh Sao Vàng truyền lửa, thắp sáng niềm tin, lòng tự hào dân tộc, không chỉ trong lĩnh vực bóng đá hay thể thao. Tôi làm được và bạn cũng có thể làm được! Một người thắp lửa phải có ngàn, triệu người tiếp lửa, giữ lửa.

Cô Hoa hậu người Ê đê, các chàng trai Chiến Binh Sao Vàng đã làm cho thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn, nghĩ về Việt Nam tử tế hơn. Quan trọng hơn, họ đã tạo nên những lớp sóng từ thổi bùng khát vọng vươn tới thành công bằng giá trị khác biệt trong đồng bào mình.

Các cháu bé tuổi măng non, búp trên cành thừa dũng cảm và giàu vị tha, các cháu đã làm được cái điều mà vô vàn người lớn vốn ích kỷ, định kiến luôn sợ hãi, né tránh. Giờ là lúc vô vàn - người - lớn - chúng - ta kích hoạt lòng trắc ẩn, tính liêm sỉ, buông bỏ thói ích kỷ, cởi bỏ định kiến, cất tiếng: Bạn hành động sao tôi lại dửng dưng? Người khác làm được sao tôi lại không thể?

Đất nước này đang cần nhiều những con người biết tự vấn như thế.

Đằng đẵng mấy chục năm, bài ca “hậu quả từ mấy cuộc chiến tranh để lại”, “thiên tai khốc liệt, bất thưởng” vẫn được ai đó cất lên, nhằm biện minh cho sự kém cỏi, bảo thủ, nhằm khoả lấp những sai lầm, khuyết điểm và cả những hành vi tội đồ, gian dối. (Ai đó còn không chút ngượng ngùng đổ lỗi cho cơ chế- cái thứ do chính họ tạo ra và từng núp bóng kiếm chác!) Đâu phải chỉ đất nước này mới trải qua chiến tranh! Đâu phải chỉ đất nước này mới chịu thiên tai khốc liệt! Thành bại tại nhân. Tất cả tại con người, do con người. Đất nước này vốn rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”.

Nhân dân này vốn cần cù, thông minh và dũng cảm. Bao năm rồi cả dân tộc cháy bỏng khát vọng “Còn non, còn nước, còn người”... Thắng giặc rồi, bao chục năm trời đất nước vẫn chưa thể bằng mười ngày xưa! Nhìn người để ngẫm ta. Đất nước Bhutan nhỏ bé ở vị trí khuất nẻo Nam Á, sao chỉ số hạnh phúc của quốc gia này cao đến thế? Nhật Bản, đất nước Đông bắc Á từng trải qua chiến tranh với hậu quả vô cùng nặng nề, lại thường xuyên hứng chịu động đất sóng thần thảm khốc, sao họ lại có thể nhanh chóng đạt đến sự phát triển thần kỳ khiến thế giới phải kinh ngạc?

Quốc đảo nhỏ bé trong không gian Đông nam Á là Singapore, tài nguyên thiên nhiên không có gì ngoài môi trường biển, nhưng họ đã vươn tới nền kinh tế phát triển, trở thành một trong 4 con rồng châu Á, thu nhập bình quân mỗi người dân đạt con số trên 60.000 USD. Quốc gia vùng Trung Đông Israel đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, lại thường xuyên xung đột, nhưng lại trở thành quốc gia phát triển, giàu có, văn minh,hiện đại, khiến thế giới nể phục.

Rất nhiều quốc gia như thế.

Không có phép lạ siêu nhiên nào mang đến điều thần kỳ cho các quốc gia này. Những nhà lãnh đạo, bậc trí thức, giới tinh hoa, mỗi người dân, không phải từ chăm chăm khai thác lợi thế vị trí địa chính trị hay tài nguyên thiên nhiên, mà bằng trí tuệ, lòng tự tôn dân tộc và ý chí tự cường, không cam chịu nghèo hèn đã làm thay đổi vận mệnh đất nước và số phận mỗi cá nhân. Thế giới biết đến họ như những giá trị khác biệt khơi nguồn cảm hứng cho các quốc gia khác. Họ đã biến điều không thể thành có thể.

Họ làm được tại sao chúng ta không làm được?

Trong năm 2018, đất nước đã đạt những thành tựu rất đáng kể. Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng hơn 7%, mức cao nhất trong vòng 10 năm lại đây. Lần đầu tiên mặt hàng xuất khẩu nông-lâm-thuỷ sản đạt 42 tỉ USD; và cũng lần đầu tiên, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đã vượt lên nhập khẩu, với con số xuất siêu đạt trên 7 tỉ USD...Nhiều tín hiệu lạc quan, khi nhiều ngành kinh tế của đất nước bước vào chu kỳ tăng trưởng nhanh, kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò động lực trong nền kinh tế quốc dân, tinh thần quốc gia khởi nghiệp vì một Việt Nam hùng cường rạo rực lớp trẻ...

Chưa nhiều, nhưng không còn hiếm hoi, doanh nhân Việt có tên trong danh sách những tỷ phú tầm cỡ thế giới. Đây đó, tập đoàn này, doanh nghiệp nọ đã chuyển hướng làm ăn, từ buôn bán lòng vòng hoặc chăm chăm giành giật nguồn lợi tài nguyên, đất đai vốn hữu hạn và thường tạo ra vô vàn xung đột, gây bất công, bất ổn xã hội, sang lĩnh vực sản xuất hàng hoá đậm đặc hàm lượng trí tuệ với dư địa sáng tạo không giới hạn...Chiếc điện thoại VSmart, ô tô Vinfast, những phần mềm do người Việt sáng tạo và những sản phẩm công nghệ dấu ấn Việt ít nhiều mang thông điệp này.

Còn nữa, cái việc hệ trọng là đấu tranh loại trừ tha hoá, tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy công quyền, một thời tưởng khó có thể, thậm chí không thể, giờ đang thành hiện thực, sưởi ấm niềm tin trong mỗi người dân. Bình tâm nhìn nhận, năm 2018 là năm “đỉnh” của công cuộc tấn công giặc nội xâm, loại trừ sâu mọt, đồng thời là năm ghi đậm dấu ấn của cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy, gỡ bỏ rào cản, vì người dân và cộng đồng doanh nghiệp...

Nhưng chừng ấy thôi, là chưa đủ, dù chừng ấy đã rất đáng trân trọng, tự hào.

Mức thu nhập bình quân người dân gần 2.600 USD là quá khiêm tốn, khi nhiều nước quanh ta gấp nhiều lần thế. Vẫn còn hơn 500 ngàn người Việt tha hương mưu sinh xứ người bằng con đường có tên gọi xuất khẩu lao động. Đó không nên xem là thành tích, niềm tự hào, mà nên là nỗi trăn trở khi đồng bào mình không có cơ hội công ăn việc làm ngay trên đất nước mình. Rất nhiều trẻ em vùng cao bữa ăn “cơm có thịt” vẫn còn là điều mơ ước, trong khi ở đâu đó, tiệc rượu mỗi đêm tiêu tốn cả tỉ đồng. Một phần tài nguyên quốc gia, đất đai, công sản đang bị nhóm lợi ích, phe phái thân hữu bòn rút, thâu tóm, chia năm sẻ bảy.

Nguồn lực xã hội, đặc biệt là trí tuệ nhân dân chưa được khai phóng, khơi thông. Biểu hiện của thứ văn hoá xấu xí đứt đoạn, hơn thua, tranh đoạt, tham lam vô độ, hàng ngày hàng giờ hiện hữu, khiến người tử tế nản lòng...“Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, thì bậc lãnh đạo, rường cột, hàng trí giả, giới doanh nhân...không thể vô can.

Thành tựu cũng như yếu kém, tồn tại trong một năm qua phản ánh độ đậm nhạt của yếu tố trí tuệ và liêm chính trong bộ máy công quyền. Đất nước, nhân dân cần nhiều hơn những người lãnh đạo, rường cột nước nhà ở mọi cấp, mọi ngành trí tuệ và liêm chính. Thiếu trí tuệ và vô liêm, bất chính sẽ không thể làm gương, xã hội sẽ rối loạn, nguyên khí suy kiệt, nói gì tới kiến tạo, dẫn dắt, phục vụ.

Trong một thế giới dường như là phẳng, người Mỹ tuyên bố: Nước Mỹ trên hết. Người Ấn Độ giương cao khẩu hiệu: Ấn Độ trước tiên. Người Việt Nam thì sao? Đừng trông mong điều kỳ diệu từ đấng siêu nhiên hay sự hào phóng từ bên ngoài. Hội nhập là cuộc chơi sòng phẳng, có đi có lại. Trách nhiệm quốc tế là khái niệm đẹp, cần hướng tới, nhưng trước tiên, phải là trách nhiệm quốc gia, dân tộc.

Không giống người Mỹ hay người Ấn, người Việt Nam ngước lên cờ đỏ sao vàng, đặt tay lên ngực trái, cất lời: Người Việt tự cường để nước Việt hùng cường!

Cơ hội hay thách thức, thời cơ hay vận hội đều do con người nhận biết, nắm bắt, quyết định. Người mưu lược, quyền biến, ưu thời mẫn thế thì thách thức lại chính là cơ hội. Thiếu nhạy bén, quyết đoán, cơ hội sẽ trôi qua, thời cơ sẽ không còn, vận hội lui về miền mờ mịt. Nếu nói thời cơ hay vận hội, thì lúc này là lúc đất nước hội đủ thiên thời, địa lợi nhân hoà.

Có khi nào mà tất cả những quy luật, mâu thuẫn bên trong bên ngoài bộc lộ và được nhận diện đầy đủ như lúc này! Có khi nào nền tảng cho hội nhập và hợp tác quốc tế được rộng mở và bài bản như hiện nay! Có khi nào những nhân tố tạo nên nội lực dân tộc được phát lộ đa tầng đa vỉa, giàu năng lượng như thời điểm này! Và có khi nào niềm tin, sự đồng thuận, sức cộng hưởng, khát vọng đổi thay, khát khao khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nhân và toàn dân sâu đậm như những ngày tháng này!

Cụm từ “khai phóng nguồn lực chấn hưng đất nước” không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Nhớ bài học “Khoán 10” từ những năm 80 thế kỷ trước. Khi ấn huyệt thể chế khơi thông, năng lượng được giải phóng, điều kỳ diệu mở ra: Việt Nam từ thiếu đói đã có thừa lương thực xuất khẩu. Đó là kỳ tích của một thời đã qua.

Thấm nhuần bài học đổi mới, khi một Chính phủ trí tuệ và liêm chính khởi động, vận hành đồng bộ, nhất quán, lời nói đi liền hành động, không gian tự do khởi nghiệp rộng mở, nhà nhà, người người khởi nghiệp, bách gia bách nghệ, kết thông với thế giới, lo gì hiếm hoi thương hiệu Việt, giá trị Việt, kỳ tích Việt.

Có một bài thơ- Bài thơ “Nhìn từ xa...Tổ quốc” của nhà thơ Nguyễn Duy- viết cách đây 30 năm, nhưng những câu thơ được nhà thơ viết bằng chính những trải nghiệm, sự mẫn cảm và từ tột cùng tình yêu Tổ quốc, lại có tính dự báo dài lâu, đến hôm nay vẫn nguyên tính thời sự:

“Có thể ta không tin ai đó/ có thể không ai tin ta nữa/ dù có sao vẫn tin ở con người/
Dù có sao/ đừng khoanh tay/ Khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối/ Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn?/ những người tốt đang cần liên hiệp lại/ Dù có sao/ vẫn Tổ Quốc trong lòng”...
Dù có sao vẫn tin ở con người...
Dù có sao vẫn Tổ quốc trong lòng...

Lại nhớ câu thơ từ thời đất nước đạn bom của nhà thơ Tố Hữu:
“Đã cùng hai chữ tử sinh/ Nào ai có nghĩa có tình lại đây...”
Lại đây, đất nước này, dân chưa thật sự giàu, nước chưa thật sự mạnh.
Lại đây, dân tộc này, khát vọng hùng cường từ nội lực tự cường.
Lại đây, những ai “có nghĩa có tình”, xin đừng “khoanh tay”, đừng “ngoảnh mặt bó gối”...Lại đây, cùng “liên hiệp lại”...

Cái tốt đã nhiều rồi, cái tốt đang mạnh hơn.

Uông Ngọc Dậu