Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm rất hiệu quả với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 6/05 vừa qua. 

Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN, các công ty thành viên và nhất là người dân Hoa Kỳ chân thành cảm ơn Việt Nam đã gửi tặng các vật tư y tế và đồ bảo hộ trong chuyến bay gần đây. Ông Alexdander Feldman vui mừng được biết Fedex Express-công ty thành viên của Hội đồng đã có đóng góp tích cực cho nỗ lực này.

Việt Nam là một trong những nước đầu tiên giành chiến thắng trong giai đoạn đầu phòng chống dịch và bây giờ vẫn là một trong những nước đi đầu trong việc kiểm soát được sự bùng phát ở giai đoạn hai trong khi phần còn lại của thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có Hoa Kỳ với số lượng ca nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục tăng. Hiện nay Việt Nam đang nhận được rất nhiều lời ca ngợi từ cộng đồng quốc tế.

Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN và các công ty thành viên luôn tin tưởng vào Chính phủ và nền kinh tế Việt Nam. Hội đồng đã đưa một trong những đoàn doanh nghiệp lớn nhất với hơn 45 công ty đến thăm và làm việc tại Hà Nội vào đầu tháng 3 trong bối cảnh không có trường hợp mắc Covid-19 mới nào ở Việt Nam sau 3 tuần.

{keywords}
Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN - Alexander Feldman.

Ông Alexdander Feldman mong muốn đưa nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam trong thời gian tới sau đại dịch và khi tình hình cho phép.

Tuy nhiên, đã có rất nhiều thay đổi trong hai tháng qua khi dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới, gây ra những ảnh hưởng trầm trọng tại châu Âu và Hoa Kỳ.

Hội đồng cũng đang thực hiện những thay đổi để tăng khả năng chống chịu và thích ứng với thực tế mới; không chỉ để vượt qua những khó khăn mà còn, và có lẽ quan trọng hơn là nắm bắt các cơ hội mới. Quá trình tương tự cũng đang diễn ra tại các công ty thành viên của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn và sẽ có các công cụ mới giúp tăng cường kết nối và giải quyết các thách thức kinh doanh và ngoại giao hiệu quả hơn trong tương lai.

Bên cạnh đó, Hội đồng đã nhanh chóng lập bảng tổng hợp thông tin trên website của chúng tôi về dịch Covid-19 đăng tải cập nhật hàng ngày các biện pháp mà chính phủ các nước trong khu vực Đông Nam Á đã thực hiện nhằm giải quyết các thách thức về kinh tế và y tế của đại dịch. Đồng thời, cũng đang trong quá trình thành lập Nhóm Đặc trách về Covid-19 để cung cấp những đề xuất, tư vấn từ các tập đoàn hàng đầu trên thế giới về các biện pháp tốt nhất giúp phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 cho chính phủ các nước ASEAN.

Ông Alexander Feldman chia sẻ một số khuyến nghị cụ thể sau:

1. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe:

Điều chỉnh các chính sách y tế và kinh tế vĩ mô trong ngân sách của Chính phủ để tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe;

Đảm bảo nguồn cung của các dược phẩm và vật tư y tế thiết yếu thông qua tinh giản và giảm thiểu những quy định kém hiệu quả;

Đảm bảo tiếp tục chăm sóc sức khỏe và ngân sách y tế quốc gia cho những người bệnh không mắc Covid-19

Tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin giữa Chính phủ các nước và giữa khuvực tư và khu vực công, giữa các cấp quốc gia và địa phương.

2. Trong Lĩnh vực Công nghệ Thông tin:

Công nhận CNTT là một dịch vụ thiết yếu trong cuộc chiến chống Covid-19.

Xây dựng các Chính sách thúc đẩy CNTT: Về trung và dài hạn, các chính sách thúc đẩy CNTT về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, an ninh mạng và các công nghệ mới nổi sẽ là chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam và rộng hơn là trong khu vực ASEAN. Điều quan trọng là các khung chính sách này phải được xây dựng dựa trên đánh giá rủi ro, có nguyên tắc nhất quán và có tính tương thích cao với các hệ thống khác nhau để tiếp tục thúc đẩy công nghệ và sáng tạo.

Tăng cường số hóa: Việc gián đoạn kinh doanh do đại dịch Covid-19 gây ra đã chứng minh giá trị của công nghệ và số hóa. Với việc giao tiếp từ xa đã trở thành một bình thường mới, điều quan trọng là phải cập nhật các quy trình hoạt động hiện có bao gồm cơ sở hạ tầng CNTT cả không dây và cố định để đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh.

Chẳng hạn, việc làm việc từ xa đã giúp nâng cao tầm quan trọng của hợp đồng điện tử và việc chấp nhận chữ ký điện tử thay cho “chữ ký tươi”. Hợp đồng điện tử và hệ thống quản lý hợp đồng giúp người dùng đạt được hiệu quả và tiết kiệm chi phí khi sử dụng chữ ký điện tử, giúp quá trình ký kết hợp đồng được liền mạch và không cần đến giấy tờ. Việc khuyên khích số hóa các doanhnghiệp và các hoạt động hàng ngày có thể giúp mở đường cho một nền kinh tế số hoạt động liên tục.

Hỗ trợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT: Nhu cầu sử dụng internet ngày càng tăng cao dẫn đến việc mạng quá tải, vì vậy việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT băng thông rộng là rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ trực tuyến ngày càng tăng cao

3. Trong lĩnh vực Du lịch:

Cung cấp hỗ trợ tài chính cho người lao động bị ảnh hưởng trong ngành du lịch và lữ hành vì đây sẽ là cách hiệu quả nhất để duy trì nền kinh tế và ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Chính phủ cân nhắc các biện pháp trước mắt nhằm duy trì khả năng thanh khoản - dưới hình thức gia hạn nợ, cho vay không lãi suất và sửa đổi các quy định - cho cả doanh nghiệp du lịch quốc tế và địa phương để ngăn chặn sự sụp đổ của hoạt động kinh doanh và kích thích phục hồi nền kinh tế.

Giảm thuế và chi phí cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch và lữ hành. Chúng tôi trân trọng đề nghị Chính phủ chỉ đạo miễn giảm chi phí năng lượng, điện nước đối với các công ty du lịch để giảm gánh nặng chi phí. Chính phủ cũng nên cân nhắc tái cơ cấu thuế đối với các ngành liên quan đến du lịch, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tiếp tục hoạt động, khuyến khích tiêu dùng và phục hồi trong lĩnh vực du lịch và khách sạn.

Cân nhắc việc bổ sung các cơ sở du lịch đang cho thuê phòng ở ngắn hạn hoặc cung cấp các hoạt động địa phương thông qua các nền tảng internet trong các gói kích thích. Nhiều người trong số này đã đầu tư vào tài sản cố định.

Cân nhắc định hướng ASEAN chuẩn bị kế hoạch cho Năm du lịch ASEAN vào năm 2022 hoặc 2023. Hội đồng với các nguồn lực sẵn có của chúng tôi luôn mong muốn có cơ hội hợp tác trong nỗ lực này.

4. Trong lĩnh vực năng lượng:

Đẩy nhanh cải cách trong lĩnh vực năng lượng, hợp lý hóa thủ tục đầu tư và làm cho toàn bộ quá trình và chuỗi giá trị trở nên minh bạch hơn để tăng tốc độ phê duyệt các dự án năng lượng mới, đặc biệt là các dự án sử dụng Khí thiên nhiên hóa lỏng LNG để tạo năng lượng.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ (US Exim Bank) và Tập đoàn Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ mới thành lập hiện có hàng tỷ đô la để giúp hỗ trợ tài chính cho đối tác của các công ty Hoa Kỳ. Các công ty điện lực Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để mua LNG cần thiết với giá rất tốt từ Hoa Kỳ trong thời điểm hiện tại.

Hội đồng sẽ cố gắng hết sức để tạo thuận lợi cho các thỏa thuận và giao dịch giữa các công ty Việt Nam và các công ty năng lượng của chúng tôi.

Cuối cùng, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN hi vọng chương trình nghị sự ASEAN trong nửa cuối năm 2020 với sự lãnh đạo của Việt Nam sẽ thành công rực rỡ.

Ông cũng hi vọng có thể quay trở lại Hà Nội vào tháng 11 tới để tham gia Hội nghị thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN và Diễn đàn Ấn Độ-Thái Bình Dương lần thứ 3 – Hội đồng đóng vai trò là đối tác hàng đầu của Diễn đàn này.

Lan Anh lược ghi

Khi Tổng bí thư yêu cầu ‘chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển’

Khi Tổng bí thư yêu cầu ‘chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển’

 - Tổng bí thư yêu cầu ‘chống dịch nhưng nhiệm vụ lớn nhất là sản xuất phải phát triển’ là chỉ đạo rất đúng và trúng. Mong rằng “mặt trận thứ hai” – giảm đau kinh tế, được thực hiện đồng bộ và quyết liệt như mặt trận chống dịch.