Trong cuộc bầu cử hồi tháng 7 vừa qua, Thị trưởng Tokyo Koike Yuriko đã vượt qua 21 đối thủ khác để giành thêm một nhiệm kỳ nữa.
Tuy tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, Koike Yuriko, năm nay 68 tuổi, vẫn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các tổ chức và cá nhân có quan hệ với đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và đảng Công minh ở Nhật Bản.
Bà Koike Yuriko tái đắc cử chức vụ Thị trưởng Tokyo. Ảnh: Japan Today |
Trên cương vị Thị trưởng, Koike Yuriko tập trung chủ yếu vào việc bảo vệ cuộc sống của người dân Tokyo, một siêu đô thị với nền kinh tế trị giá 1 nghìn tỷ USD. Bà cam kết duy trì sức mạnh của thành phố cùng với việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc thành lập trung tâm kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.
Bà thể hiện được sự đồng cảm với người dân và sự quyết đoán khi đối diện với khủng hoảng. Mỗi ngày, bà đều lên truyền hình để báo cáo tình hình đại dịch Covid-19 với 14 triệu người dân của thành phố. Đối với Olympic và Paralympic, bà cam kết tổ chức các sự kiện thể thao này vào mùa hè 2021 theo hình thức đơn giản nhưng an toàn, với chi phí thấp hơn.
Bầu cử công khai
Thành phố Tokyo có tên gọi chính thức là Tokyo Metropolis (Đô thị Tokyo), là thủ đô của Nhật Bản và là một trong 47 tỉnh của nước này. Với cấu trúc hành chính ngang bằng với các tỉnh,Tokyo gồm có 23 đặc khu, 26 tiểu thành phố, 5 thị trấn và 8 ngôi làng, với mỗi phân khu hành chính đều có chính quyền địa phương riêng.
Trụ sở của thành phố - nằm ở khu Shibuya - là nơi điều hành toàn bộ Tokyo, bao gồm cả sông, ngòi, đầm, đảo, công viên quốc gia, thêm vào đó là cả những tuyến phố, những tòa nhà chọc trời và hệ thống tàu điện ngầm.
Bảng bầu cử ở khu Minato dán poster của các ứng viên tham gia tranh cử chức thị trưởng Tokyo hồi tháng 7. Ảnh: Kyodo |
Thị trưởng Tokyo được được bầu chọn công khai. Sự kiện này được đánh giá là một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất ở Nhật Bản.
Tokyo Review ví cuộc bầu cử như một "đấu trường" mà nhiều ứng cử viên coi là cơ hội tiếp thị chương trình hành động và năng lực bản thân với người dân thành phố.
"Với chưa đến 30.000 USD, mỗi ứng viên có vài phút để trình bày bất cứ thứ gì họ muốn trên đài NHK, gửi một tuyên bố chính thức đến từng hộ gia đình ở Tokyo và chọn một vị trí ngoài trời đắc địa trên mỗi con phố ở thủ đô để trưng các áp phích tranh cử của mình trong 2 tuần", Tokyo Review mô tả.
Người tài được chọn
Cuộc bầu cử năm 2020 ở Tokyo có số lượng ứng viên đông nhất từ trước đến nay. Nhờ năng lực, phẩm chất đã được chứng minh cùng những thành tựu đạt được ở nhiệm kỳ đầu, Koike Yuriko đã thuyết phục được người dân thủ đô Nhật Bản tiếp tục tin yêu dành cho bà thêm một nhiệm kỳ nữa với số phiếu ủng hộ suýt soát 60%.
Hồi năm 2016, khi Koike Yuriko giành chiến thắng áp đảo để trở thành nữ Thị trưởng đầu tiên của Tokyo vào năm 2016, CNN đăng một bài viết mô tả bà là một phụ nữ đã quen với việc phá vỡ "các bức trần kính".
"Bức trần kính" là cụm từ ám chỉ rào cản vô hình ngăn bước tiến của nữ giới lên những nấc thang quyền lực cao nhất. Sau khi thua đối thủ Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng nhắc đến cụm từ này trong bài phát biểu thừa nhận thất bại.
So với ở Mỹ, các "bức trần kính" ở Nhật Bản - đất nước có số lượng nam giới áp đảo trong hệ thống chính trị - còn dày và cứng hơn nhiều. Vậy nhưng, trong sự nghiệp của mình, trước khi ngồi vào ghế Thị trưởng Tokyo tháng 7/2016, Koike Yuriko từng giữ chức Bộ trưởng Môi trường dưới thời nội các của Thủ tướng Junichiro Koizumi năm 2003 và chức Bộ trưởng Quốc phòng năm 2007 trong nội các của Thủ tướng Abe Shinzo.
Điều đó chứng tỏ ở bà hội tụ rất nhiều yếu tố về năng lực và phẩm chất để người dân thủ đô Nhật Bản tin tưởng bầu chọn.
Trúng cử thêm nhiệm kỳ thứ 2, Koike Yuriko đã làm được điều hiếm có trong chính trường Tokyo. Ảnh: Kyodo |
Khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên năm 2016, Koike Yuriko cam kết với những người ủng hộ: "Tôi sẽ dẫn dắt chính trị Tokyo theo cách chưa từng có, một Tokyo bạn chưa từng thấy".
Thời còn đương chức Bộ trưởng Môi trường năm 2005, bà đi đầu trong việc áp dụng chương trình "cool biz", trong đó các quan chức chính phủ được yêu cầu cởi cà vạt và áo vét trong những tháng mùa hè để điều chỉnh mức nhiệt điều hòa cao hơn. Quan điểm này nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ các chủ doanh nghiệp tư nhân, và hầu hết đàn ông đi làm không đeo cà vạt và mặc áo khoác vào mùa hè.
Khi còn trẻ, Koike Yuriko theo học chuyên ngành xã hội học ở Đại học Cairo. Bà từng là phát thanh viên truyền hình, nói rất thạo tiếng Anh và tiếng Ảrập.
Koike Yuriko bắt đầu tham gia chính trường từ năm 1992 khi được bầu vào Thượng viện với tư cách là thành viên đảng Tân Nhật Bản. Sau đó, bà gia nhập đảng Bảo thủ và hiện là thành viên của đảng LDP cầm quyền.
Koike Yuriko được mô tả là chính trị gia theo chủ nghĩa quốc tế hiếm hoi trong nền chính trị hướng nội của Nhật Bản. Bà nhận được sự ủng hộ đáng ngạc nhiên từ đông đảo nam giới vì là một trong số ít người được đào tạo bài bản trong ngành tình báo và an ninh. Hơn nữa, bà Yoriko Koike còn có bằng Thạc sĩ về quản lý và là một nhân vật nổi tiếng với phong cách giao thiệp mềm mỏng nhưng có quyết sách cứng rắn.
Trúng cử thêm nhiệm kỳ thứ 2, Koike Yuriko đã làm được điều hiếm có bởi trước đó Tokyo từng phải trải qua 3 đời thị trưởng chỉ trong 5 năm và tất cả đều không thể ngồi ghế trọn nhiệm kỳ 4 năm.
Thanh Hảo
Một vị Bộ trưởng khác người
Hầu hết cán bộ cấp vụ dưới thời Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đều có chung nhận xét rằng làm việc với ông rất mệt nhưng trưởng thành rất nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng pháp luật.