LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam. Mời quý độc giả gửi bài viết về tuanvietnam@vietnamnet.vn

- Thưa ông, tăng trưởng cao luôn là mục tiêu điều hành, nhưng vì sao mục tiêu tăng trưởng năm nay 2020 lại thấp hơn năm vừa qua?

Mục tiêu tăng trưởng cho năm nay là 6,8% được căn cứ cái đà của nền kinh tế ba năm trước, và theo tôi mục tiêu đó không có gì là ghê gớm cả. Mấy năm nay tăng trưởng quanh mức 7%, năm nay điều chỉnh thấp hơn cho thấy cách tiếp cận về tăng trưởng không còn theo kiểu tư duy là năm sau phải tăng cao hơn năm trước. Hàm ý ở đây là Chính phủ không chú trọng quá mức đến mục tiêu tăng trưởng cao mặc dù có những yếu tố đảm bảo.

- Ông và nhiều nhà kinh tế khác từng nói, ổn định vĩ mô là thành quả quan trọng nhất, chứ không phải tăng trưởng. Ông có thể giải thích rõ hơn?

Ổn định vĩ mô không phải là một kết quả tình cờ của năm 2019 mà là thành tựu của cả một giai đoạn. Chính phủ kiểm soát lạm phát, giữ ổn định vĩ mô một cách chủ động, nhất quán, xuất phát từ quan điểm điều hành giữ ổn định vĩ mô là hàng đầu thay vì tăng trưởng. Có nghĩa là Chính phủ đã lấy ổn định vĩ mô làm nên tảng và trên cơ sở đó để đạt tăng trưởng cao chứ không phải là đặt tăng trưởng cao làm nền tảng để  có ổn định vĩ mô.

{keywords}
Ông Trần Đình Thiên: "Chúng ta cần chấm dứt tư duy cơi nới". 

Trước đây, chúng ta chọn mô hình lấy tăng trưởng làm trọng, còn ổn định vĩ mô là phụ. Khi đặt mục tiêu điều hành như thế thì đã gây bất ổn. Trong nền kinh tế mà Chính phủ cứ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao trước, rồi mới giữ ổn định vĩ mô thì tư nhân họ không đầu tư. Bất ổn vĩ mô, lạm phát cao thì không nhà đầu tư tư nhân nào bỏ vốn ra làm ăn cả. Kết quả là Nhà nước muốn tăng trưởng thì Nhà nước phải bỏ tiền ra, và lại gây lạm phát.

Bây giờ Chính phủ đảo hai vế đi, giữ ổn định vĩ mô trước, kìm chế được lạm phát, giá cả dự báo được thì tư nhân người ta yên tâm hơn. Cái lý nó cực kỳ đơn giản thôi: khi tư nhân đầu tư rồi thì nhà nước không phải bơm tiền, kiểu như bơm tiền cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng. Cho nên nó không gây ra những cú shock, không gây ra những hiệu ứng bùng nổ. Cái tư duy tưởng là đơn giản như vậy mà đã giúp chuyển đổi được nền kinh tế trong mấy năm qua.

- Ông biết đấy, giữ ổn định được nhiều thứ như lạm phát, lãi suất, tỷ giá, rồi dự trữ,... trong bối cảnh kinh tế thế giới rất biến động, và nền kinh tế của chúng ta có độ mở bậc nhất cũng đáng kể đấy chứ?

Sự phối hợp trong điều hành là rất quan trọng trong bối cảnh địa chính trị phân hóa sâu sắc. Như hệ lụy của chiến tranh thương mại, tỷ giá hối đoái của nhân dân tệ với đô la Mỹ biến động rất mạnh, nhưng đồng tiền Việt Nam vẫn giữ được thế ổn định. Chúng ta tránh được cái gọi là thao túng tiền tệ vì đã giải trình là không phá giá, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trên nền tảng VND ổn định. Đây là luận điểm rất quan trọng.

Bên cạnh đó, chúng ta gia tăng dự trữ ngoại tệ là để bảo đảm an toàn nhập khẩu, đảm bảo được vài tháng nhập khẩu thôi, chứ không phải là để tích trữ để can thiệp vào thị trường ngoại hối. Họ thấy chúng ta đàng hoàng, rõ ràng, có trách nhiệm giải trình.

Giữ được lạm phát thấp là rất đáng kể và tất nhiên là có may mắn là không có biến động bất thường, nằm ngoài tầm kiểm soát. Vốn FDI và FFI vào nhiều nhưng Chính phủ vẫn giữ được nhịp điều tiết chứ không để xảy ra cú shock như 2007-2008, khi tung đồng Việt Nam ra quá nhiều rồi không thu hồi về kịp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát bơm tín dụng cho bất động sản.

Những kết quả đó thể hiện điều hành thận trọng, giữ được ổn định vĩ mô và tất nhiên là tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp thành lập mới với quy mô vốn khá lớn.

- Ông biết đấy, vốn FDI tăng kỷ lục năm vừa rồi cũng là điểm đáng chú ý chứ không chỉ màu hồng?

Vốn FDI cả đăng ký và giải ngân đều tăng kỷ lục cho thấy niềm tin của giới đầu tư. Theo tôi, chúng ta phải chú ý đến chất lượng chứ không phải là số lượng vốn FDI, nếu không muốn đối diện với những hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng ở đây hiểu theo nghĩa là nó chèn lấn đầu tư trong nước. Nếu dòng FDI chỉ chuyên về gia công là rất nguy hiểm. Nó giam hãm Việt Nam trong bẫy tiền lương thấp, thâm dụng lao động,… làm cho Việt Nam chậm chạp trong con đường hiện đại hóa đất nước.

Chúng ta đang hội nhập rất sâu rộng, mở cửa thị trường, giảm thuế về 0, nên tác động là vô cùng lớn. Chúng ta đang đối diện với rủi ro sẽ không có gì cả, không có ngành sản xuất nào cả, không có ngành công nghiệp nào ra hồn cả để hưởng lợi ích của mở cửa. Thực tế là doanh nghiệp FDI họ hưởng phần lớn miếng bánh, ví dụ họ chiếm tới 70% giá trị xuất khẩu. Có nghĩa là chúng ta nhường cái mâm giảm thuế suất khẩu cho họ. Tôi cho là chúng ta kém chứ không phải họ giỏi đâu. Chúng ta quá kém thì chúng ta phải làm mình mạnh lên chứ không nên có cách nhìn kỳ thị với họ.

Cuộc thương chiến thương mại Mỹ Trung ở góc độ nào đó đang tạo động lực lớn cho chúng ta, các dòng FDI đang đổ đến. Việt Nam cần phải tranh thủ cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh để tận dụng cơ hội này mà mạnh lên chứ không phải để kiếm chác.

- Cải cách nhiều người cũng đã nói rồi. Theo ông, cải cách ở những lĩnh vực nào, và như thế nào?

Tất cả các cải cách cần nhằm để hỗ trợ cho khu vực tư nhân. Các thị trường nhân tố sản xuất của Việt Nam rất chậm, không được cải thiện vì tư duy nhà nước vẫn phải quản trị, quản lý, điều hành. Tất cả các thị trường như đất đai, vốn, lao động, năng lượng,… đều tắc. Thị trường đất đai là quan trọng nhất, nhiều tiềm lực nhất mà tắc tị, méo mó, gây rủi ro rất lớn. Chẳng hạn, giá đất có khung quá thấp. Giá thấp quá thì chỉ kích thích đầu tư ăn chênh lệch địa tô thôi, ai ai cũng muốn đầu tư đánh quả, kiếm chác ở đó. Đó là tôi còn chưa nói đến vấn đề sở hữu. Thuế của chúng ta cũng bất cập. Lẽ ra phải đánh thuế tài sản trực tiếp để ông nào ôm đất là chết.

Ví dụ nữa là thị trường lao động; thị trường này phải hướng tới phát triển nguồn nhân lực trên nền tảng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Cứ nhìn lại hệ thống giáo dục, nó tập trung vào sách vở, cung cấp bằng cấp chứ có cung cấp kỹ năng cho người lao động như doanh nghiệp cần đâu. Làm theo cách này này thì thị trường lao động không thể là thị trường được, cải cách giáo dục chỉ quanh quẩn vậy thôi.

Một vấn đề nữa là giá năng lượng. Giá điện vẫn phải luôn duy trì thấp vì tăng giá điện, hay phiếu tiền điện, luôn gây ám ảnh. Lẽ ra, giá điện phải theo nguyên tắc cung cầu, theo quy luật giá trị để đảm bảo rằng, với cái giá đấy người ta có thể đầu tư, sản xuất điện được. Vì sao tăng các giá khác mà giá điện lại không tăng, hay tăng chậm như vậy?

- Những phân tích của ông đều xuất phát từ một nền tảng là kinh tế thị trường, vai trò của nhà nước trong tương quan với thị trường.

Cách làm của chúng ta hiện nay không còn phù hợp với một nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập sâu rộng, và trong rất nhiều trường hợp, chúng ta chỉ cơi nới thôi. Chúng ta cần chấm dứt tư duy cơi nới, sửa sai. Đó không phải là cách giải quyết vấn đề. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực chứ không phải cơi nới phân bổ nguồn lực. Trong nhiều dự án hạ tầng chẳng hạn, Nhà nước không có có tiền, không cần huy động tiền để làm, thay vào đó Nhà nước cần khuyến khích khu vực tư nhân làm.

Hãy để khu vực tư nhân làm và cần có cơ chế khuyến khích, khen thưởng. Ví dụ, một con đường đặt ra trong ba năm với một số vốn nhất định, tiêu chuẩn nhất định và khoảng thời gian nhất định. Doanh nghiệp mà làm dự án đó vượt các mức trên thì thưởng cho họ, vừa lợi cho ngân sách, vừa lợi cho xã hội. Nhà nước đâu có cần phải cạnh tranh với xã hội, với doanh nghiệp mà vẫn thu được những kết quả rất tốt cho đất nước.

(Còn nữa)

Lan Anh thực hiện