Trước hết, Thủ tướng cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin, ký giấy giới thiệu cho hàng chục doanh nghiệp và gần đây ghi hẳn vào nghị quyết 105 khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin, mua máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch, thuốc điều trị Covid-19; sản xuất vắc xin, thuốc điều trị trong nước.

Đó là một bước tiến rất lớn để doanh nghiệp chung tay cùng Chính phủ chống dịch trong bối cảnh vắc xin khan hiếm trên toàn thế giới, và các nhà sản xuất chỉ đàm phán với Chính phủ.

Như là kết quả của chính sách đó, gần đây, một số doanh nghiệp như Vạn Thịnh Phát, VNVC và Vimedimex đã và đang mang về hàng triệu liều vắc xin; nhiều doanh nghiệp khác như Vingroup mua về rất nhiều thuốc điều trị Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã khởi động dự án sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 trong nước theo đúng tinh thần được khuyến khích của Thủ tướng trong nghị quyết 105.

{keywords}
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh trên đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Trên tinh thần “lấy dân làm gốc”, Thủ tướng đưa ra chủ trương chống dịch “lấy xã, phường làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ”.

Virus Sars-Cov-2 được các nhà khoa học thế giới khẳng định sẽ tồn tại lâu dài với nhân loại, vì thế, việc chống dịch phải là “thế trận của toàn dân”, “người dân phải là trung tâm” bên cạnh Chính phủ thì công tác phòng, chống dịch mới bền vững, hiệu quả và thắng lợi.

Cách tiếp cận như trên của Thủ tướng là rất nhất quán. Trong nghị quyết 105 vừa ban hành, ông yêu cầu Bộ Y tế thêm một bước: “Ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm” ngay trong tháng 9.

Yêu cầu này đáp ứng mong mỏi của rất nhiều địa phương, doanh nghiệp và người dân. Trong thực tế, nhiều cơ sở y tế tư nhân đã được cấp phép cung cấp dịch vụ xét nghiệm gần đây sau bao nhiêu hạn chế tưởng không gỡ bỏ được.

Bắc Giang đã hướng dẫn cho công nhân tự xét nghiệm kháng nguyên và công nhận kết quả xét nghiệm để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh. Tương tự, TP.HCM cũng đã để người dân tự xét nghiệm và sử dụng kết quả cho công tác phòng chống dịch bệnh. Về phía người dân và doanh nghiệp, không có một cá nhân, tổ chức nào có động cơ che giấu tình trạng sức khỏe của mình cũng như nhân viên.

Tuy nhiên, đến nay chính sách như trong nghị quyết 105 vẫn chưa được triển khai rộng trên thực tế, nhiều tỉnh, nhiều địa phương và ngành y tế vẫn cát cứ lĩnh vực này. 

Hạ chi phí

Hiệp hội Doanh nghiệp logistics phản ảnh, xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc thì lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần, trong đó có 2 lần PCR và 1 lần xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

{keywords}
Một doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm cho người lao động

Việc yêu cầu lái xe phải xét nghiệm đến 3 lần cho cùng một chuyến hàng tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và lái xe cả về chi phí, vận hành và sức khỏe. Đặc biệt, yêu cầu xét nghiệm lần thứ 3 bằng phương pháp PCR trước khi lái xe được phép rời khu vực cửa khẩu Móng Cái khiến cho xe đã giao nhận hàng xong vẫn phải chờ đến tối muộn hoặc hôm sau mới được rời đi, sau khi nhận kết quả xét nghiệm. 

Theo tính toán của 14 Hiệp hội doanh nghiệp, chi phí cho mỗi lần xét nghiệm PCR vào khoảng 700.000 - 800.000 đồng (tương đương 35 USD).

Với doanh nghiệp có hàng nghìn lao động, riêng chi phí xét nghiệm cũng lên tới hàng tỷ đồng mỗi lượt. Nếu một doanh nghiệp có hàng nghìn lao động thì chi phí cách ly, xét nghiệm rất lớn.

Trước thực trạng này, 14 Hiệp hội kiến nghị đưa kit xét nghiệm Covid-19 vào diện được trợ giá, bình ổn giá; đồng thời, đề nghị Chính phủ cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh.

Đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm giá xét nghiệm, hạ chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Người ta tính toán, khi quy định trong nghị quyết 105 của Thủ tướng được thực hiện, nó sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm được khoảng 70% chi phí xét nghiệm cho nhân viên. Với khoảng 800.000 lái xe đang tham gia vận chuyển hàng hóa và hàng triệu công nhân ở các vùng trọng điểm công nghiệp đang phải xét nghiệm với tần suất 3-5 ngày/lần, chính sách này có ý nghĩa với doanh nghiệp không kém bất kỳ gói hỗ trợ nào mà Chính phủ đã thực hiện cho đến nay.

TP.HCM đang xem xét, việc tổ chức xét nghiệm đối với người lao động có thẻ xanh Covid-19 do tổ chức, cá nhân kinh doanh tự chủ, linh hoạt quyết định theo tính chất công việc. Riêng đối với người lao động có thẻ xanh (tiêm 1 mũi đối với vắc xin yêu cầu 2 mũi) thì khuyến nghị nên bố trí các vị trí làm việc ít nguy cơ lây nhiễm và cần xét nghiệm thường xuyên hơn. Đây là một bước tiến dài.

Hơn lúc nào hết, người dân, doanh nghiệp cần được trao quyền chủ động chống dịch, được chủ động xét nghiệm; nên cho bán kit xét nghiệm ở các hiệu thuốc bình thường như các quốc gia khác để giảm nhẹ gánh nặng với Chính phủ.

Đó là cách tốt nhất để hiện thực hóa tinh thần chống dịch của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân”.

Tư Giang

Sống chung với virus: Kinh nghiệm 'lạ' của Italia, Đức, Đan Mạch

Sống chung với virus: Kinh nghiệm 'lạ' của Italia, Đức, Đan Mạch

Sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, nhiều nước đã rút ra được những bài học tốt, trong đó có bài học đáng giá nhất là sống chung với Covid.