Năm năm trước, Nghị quyết 33-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, từng đánh giá về hiện trạng văn hóa nước nhà:

“Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng”; “Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”; “Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn”.

Sau 5 năm thực hiện NQ 33, môi trường văn hóa vẫn chưa được cải thiện là bao. Những đánh giá nói trên của NQ vẫn còn mang tính thời sự nóng bỏng.

Mỗi ngày mở trang báo ra, dù là báo giấy hay báo mạng, đập vào mắt người đọc không ít những tin tức buồn. Nhiều người tự hỏi, điều gì đang xảy ra trong cuộc sống xung quanh mình?

Chuyện ứng xử của người Việt dường như càng ngày càng tệ. Thói gian dối, lươn lẹo, lấp liếm đang ngày càng phổ biến, chi phối mọi hoạt động trong đời sống thường nhật.

{keywords}
Tiền không thể mua được văn hóa, không thể mua được đạo đức xã hội. Ảnh minh hoạ

Người dân gian dối để tiêu thụ thực phẩm bẩn. Cán bộ công chức gian dối để chạy việc, chạy chức; cấu kết, bao biện che đậy sai phạm khuyết điểm cho nhau. Không ít cán bộ lãnh đạo nói một đường làm một nẻo, chỉ lo vun vén đặc quyền đặc lợi nhưng miệng vẫn hô hào đạo đức.

Gian dối còn lan sang cả ngành giáo dục, thành trì cuối cùng nuôi dưỡng và phát triển tâm hồn Việt. Vụ gian lận thi chấn động cả nước 2018, sự xuống cấp của văn hóa học đường, cùng nhiều vấn đề tiêu cực khác là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục bị vấn nạn gian dối lũng đoạn.

Bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội gia tăng. Bạo lực không chỉ diễn ra bên ngoài xã hội mà còn lây lan sang ngành giáo dục, trong hàng ngũ cán bộ công chức.

Hàng loạt vụ án ma túy bị bóc gỡ gần đây với số lượng lên đến hàng tấn đã cho thấy sự thách thức nghiêm trọng của loại tội phạm này. Đã qua rồi thời buôn bán ma túy cò con, tính bằng lạng, bằng cân.

Gần 10 năm trước, cứ nghĩ vụ giết người rùng rợn do “sát thủ” Lê Văn Luyện gây ra là tột cùng của tội ác. Nhưng không, xem ra Lê Văn Luyện còn phải ngả mũ trước những “đàn em” như Nguyễn Hải Dương (Bình Phước), Trần Trọng Luận (Bình Dương), Hàng Thị Hồng Diễm (Bình Dương)… về độ tàn bạo đối với đồng loại.

Các giá trị di sản văn hóa tiếp tục bị đe dọa, mai một. Gần đây, báo chí lên tiếng mạnh mẽ về việc nhiều di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, danh thắng quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng.

Núp bóng các dự án phát triển du lịch, du lịch tâm linh, hàng loạt di sản thiên nhiên đang bị bê tông hóa, đô thị hóa; cảnh quan môi trường tự nhiên bị phá hủy...

Nhiều nơi cảnh quan giờ cũng trở ngột ngạt chẳng khác gì chốn thị thành đô hội. Nóng vì cây xanh mây trắng phải nhường chỗ cho bê tông cốt thép, ngột ngạt vì hàng vạn người chen chúc nhau cho thỏa sự hiếu kỳ…. Một nàng Tô Thị có tuổi đời hàng vạn năm bị biến mất chưa đủ để cảnh báo các nhà quản lý, các doanh nghiệp khi “bắt tay nhau” thực hiện những dự án kinh tế.

Mê tín dị đoan ngày càng nở rộ, chùa chiền mọc như nấm, một nền công nghiệp mới ra đời: “công nghiệp tâm linh”. Điển hình cho sự phát triển xô bồ, lệch lạc của mê tín dị đoan núp bóng Phật giáo là vụ “thỉnh vong báo oán” diễn ra tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) bị báo chí vạch mặt hồi tháng 3/2019. Thực chất đây là một vụ lừa đảo núp bóng chùa chiền, đánh vào niềm tin ngây thơ của người dân để móc túi hàng vạn người.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là nhiều doanh nghiệp liên kết với thầy chùa biến chất, bắt tay những cán bộ có chức có quyền ở địa phương, lập các dự án núp bóng “du lịch tâm linh” để dễ dàng thâu tóm hàng trăm héc ta đất rừng đặc dụng, vùng đệm, thậm chí cả vùng lõi di sản để xây khu nghỉ dưỡng, chùa chiền vì lợi ích nhóm. Một hình thức kinh doanh mới một vốn hàng trăm lời, bỏ xa các dịch vụ truyền thống, khiến những giá trị văn hóa tốt đẹp được xây dựng từ ngàn năm nay đứng trước nguy cơ bị biến dạng.

Tình trạng quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài vẫn diễn ra, thậm chí có những vụ việc nghiêm trọng, đe dọa đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội còn diễn biến phức tạp. Điều này có thể thấy rõ qua cuộc chiến chống tham nhũng lãng phí mà điển hình là công cuộc “đốt lò tham nhũng” do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động trong vài năm trở lại đây.

Từ đầu nhiệm kỳ khoá XII (tháng 1/2016) đến nay, hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật. Trong đó có một Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII; 14 nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, một nguyên Phó thủ tướng, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh uỷ, 5 nguyên Bí thư Tỉnh uỷ và gần 20 tướng lĩnh.

Những con số nêu trên "Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Hiện trạng nêu trên thật đáng báo động đối với sự phát triển của văn hóa nước nhà. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33, nền văn hóa đất nước đạt được những thành tựu gì? Thật khó để tìm được câu trả lời cụ thể, minh bạch.

Hồi tháng 6/2019, Bộ VH-TT-DL cùng các địa phương trên khắp cả nước đã tổ chức sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW.

Dạo qua một lượt các hội nghị sơ kết, các báo cáo sơ kết được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể thấy tinh thần chung trong đánh giá của Bộ và các địa phương gói gọn trong mấy chữ khi nói về việc triển khai thực hiện NQ 33: “nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ”; khi nói về kết quả: “đạt được những thành tựu quan trọng, chuyển biến tích cực, tiếp tục hoàn thiện, kết quả sơ bộ”; và khi nói về phương hướng những năm tiếp theo: “tiếp tục đẩy mạnh, tiếp tục thực hiện Nghị quyết, nâng cao vai trò, phát huy vai trò tích cực chủ động, tăng cường quản lý nhà nước”. Những ngôn từ này dường như đã trở thành mẫu số chung cho mọi báo cáo, tổng kết từ trước tới nay.

Nếu không nhìn thẳng vào sự thật, nếu không dám thừa nhận yếu kém, nếu không mạnh dạn chỉ ra những tử huyệt của hiện trạng văn hóa mà cứ đánh giá một cách chung chung, bằng thứ ngôn từ bay bướm, khuôn sáo thì không bao giờ có được giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện nay.

Nếu không, người ta sẽ vẫn cứ vô tư đổ lỗi rằng, văn hóa đạo đức xã hội xuống cấp, là vì thiếu… kinh phí hoạt động.

Cha ông xưa, suốt hàng ngàn năm trong đói nghèo rơm rạ mà vẫn xây dựng, bảo tồn và phát triển được một nền văn hiến rạng rỡ; nền đạo lý dân tộc sáng trong, chuẩn mực.

Sự thực lịch sử đó là minh chứng hùng hồn cho ta hiểu rõ một điều, tiền không thể mua được văn hóa, không thể mua được đạo đức xã hội.

Nguyễn Duy Xuân