Việt Nam cần thêm một cuộc Đổi mới nữa để đạt được khát vọng trở thành quốc gia hiện đại, có thu nhập cao. Tuần Việt Nam xin lược đăng ý kiến của Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione (*).
Quả ngọt dễ hái đã hết
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ có lẽ là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để phát triển thành công. Kể từ khi công cuộc Đổi Mới được bắt đầu vào cuối những năm 1980, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Nền kinh tế đã tăng trưởng ở mức trung bình gần 7%/năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp 5 lần.
Việt Nam ngày nay đã nổi lên như một nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp và là cường quốc xuất khẩu. Tăng trưởng cũng có tính bao trùm, với tỷ lệ nghèo giảm xuống dưới 7%, so với hơn 60% vào cuối những năm 1980.
Nhưng hành trình Việt Nam để trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu. Và những thành tựu trong 30 năm qua không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai.
Những cải cách thể chế và cấu trúc ban đầu dường như đang dần hết dư địa |
Cần điều chỉnh và thay đổi mô hình tăng trưởng nếu Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao thành công vào năm 2030 và là nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Để đạt được khát vọng này, nền kinh tế cần hoạt động hiệu quả và bền vững trong suốt hơn 25 năm tới. Và mục tiêu này phải đạt được trong một bối cảnh đầy thách thức. Trong nước, Việt Nam đang phải đối mặt với những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tác động của tích lũy nhân tố giảm, cũng như chi phí môi trường ngày càng lớn trong quá trình phát triển.
Trên thế giới, Việt Nam sẽ phải lựa chọn hướng đi trong một bối cảnh đang thay đổi, nơi mà những chuyển đổi về mô hình thương mại và đầu tư toàn cầu dường như ít thuận lợi hơn cho sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là cơ hội đang được định hình, vừa tạo ra những rủi ro mới.
Như vậy cần thực hiện những điều chỉnh, và có thể là cả những thay đổi nào? Sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu với khu vực FDI mạnh mẽ có còn phù hợp không? Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực - vốn là những nhân tố quan trọng đối với tăng trưởng bền vững - như thế nào? Làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước để khu vực này có thể đẩy mạnh đổi mới trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp 4.0? Làm thế nào để có thể tiếp tục thúc đẩy cải cách thể chế thị trường để hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn?
Đưa ra câu trả lời hợp lý cho những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta xác định được các động lực tăng trưởng, và chương trình cải cách thực sự trong những thập kỷ tới sẽ thúc đẩy tiềm năng của Việt Nam và mở rộng giới hạn phát triển của đất nước.
Cần Đổi mới mang tên Đổi mới 4.0
Tôi muốn nhấn mạnh hai nhân tố quan trọng tác động đến thành công trong tương lai của Việt Nam, cho dù áp dụng mô hình tăng trưởng nào.
Thứ nhất là chất lượng. Các mô phỏng ban đầu cho thấy Việt Nam cần chuyển sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, trong đó tăng mạnh tốc độ tăng năng suất trung bình, như một số ít nước đã đạt được.
Nhưng để tăng năng suất, cần cải thiện mạnh mẽ tất cả các khía cạnh chất lượng của tăng trưởng, bao gồm phân bổ nguồn lực hiệu quả, nâng cao chất lượng vốn nhân lực, tăng đầu tư có hiệu quả vào cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, cũng như đổi mới và sáng tạo, để tất cả đều mang lại kết quả tăng năng suất.
Đối với khía cạnh cuối cùng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần có một chương trình cải cách cởi mở và có lộ trình để đổi mới hiệu quả, và các quốc gia ở giai đoạn phát triển khác nhau có những ưu tiên khác nhau trong đổi mới và sáng tạo.
Đối với Việt Nam hiện nay, một môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn những biện pháp thường thấy, dựa trên nguồn cung như tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển hoặc tập trung vào các hoạt động phát minh, sáng chế.
Thứ hai là thực hiện. Những thách thức trong quá trình phát triển hiện nay của Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với 30 năm qua. Một phần của sự phức tạp này bắt nguồn từ thực tế là các vấn đề phát triển đang ngày càng trở nên đa ngành. Giảm nghèo không chỉ đòi hỏi cải thiện đời sống kinh tế, mà còn cải thiện các dịch vụ cơ bản và phát triển nguồn nhân lực.
Tương tự như vậy, phát triển vốn nhân lực không chỉ là về giáo dục, mà còn là về chăm sóc y tế trong suốt cuộc đời của người dân cũng như chăm sóc người cao tuổi và bảo trợ xã hội. Sự phát triển của các địa phương/vùng và khu vực tư nhân cũng mang tính đa ngành.
Để giải quyết các vấn đề phức tạp này, cần có sự lãnh đạo và quyết tâm mạnh mẽ. Đồng thời, cần có hệ thống quản trị hiệu quả và phát triển, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng cả theo chiều ngang giữa các bộ ngành trong chính phủ và theo chiều dọc giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ để giải quyết những điểm yếu cơ bản liên quan đến cách thức chính phủ cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công các chiến lược mà chúng ta thảo luận hôm nay.
Những thành tựu mà Việt Nam đạt được đến hôm nay là kết quả dễ nhận thấy từ công cuộc Đổi mới đầu tiên vào năm 1986, cũng như một loạt những biện pháp cải cách thị trường mạnh mẽ tiếp theo đó. Ngày nay, Việt Nam cần thêm một cuộc Đổi mới nữa để đạt được khát vọng trở thành quốc gia hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045. Sống trong kỷ nguyên của những công nghệ đột phá, đang mang lại cả thách thức cũng như cơ hội, tôi muốn gọi đó là “Đổi mới 4.0”.
(*) Ông Ousmane Dione nói tại hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-30, và tầm nhìn đến 2045” tại Hà Nội.
Lan Anh lược ghi