Tôi rất mừng khi mới đây theo dõi trên báo chí thấy có cuộc làm việc của Chủ tịch nước với ban lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ nhân dịp 74 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.
Tại đây, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của những người đại diện cho các gia đình cựu chiến binh Việt Nam qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Ông nói đến một ý rất quan trọng và cũng là điều mà hàng chục vạn gia đình liệt sĩ mong mỏi từng ngày.
26 hài cốt liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang Ba Dốc (Bố Trạch, Quảng Bình) tháng 5/2015. Ảnh: Hải Sâm |
Ông yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các bộ, ngành tập hợp, xử lý kiến nghị của các hội, trong đó có việc xác nhận nạn nhân chất độc da cam, nhất là đối với thế hệ thứ 3 sao cho có căn cứ khoa học và thủ tục nhanh chóng, đặc biệt là tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, khẩn trương thành lập ngân hàng ADN các hài cốt liệt sĩ và thân nhân để phục vụ việc xác định danh tính liệt sĩ.
Một thông tin không thể vui hơn dù tất cả đều biết, lúc này đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn thử thách bởi đại dịch Covid-19.
Mở rộng hợp tác quốc tế
Chúng ta đang mở rộng hợp tác quốc tế trong việc xác định danh tính liệt sĩ. Chúng ta cũng tham khảo thêm các phương pháp giám định ADN tiên tiến trên thế giới, nâng cao trình độ cho các giám định viên.
Từ 2013 - 2020, Việt Nam đã quy tập được 16.960 hài cốt liệt sĩ. Riêng trong nước là hơn 8.000, Lào hơn 2.600, Campuchia hơn 6.000 bộ hài cốt. Chúng ta cũng đã tiếp nhận gần 40.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ; Phân tích ADN được gần 24.000 mẫu để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, hơn 4.000 trường hợp đã được xác định, trong đó hơn 2.700 trường hợp bằng phương pháp thực chứng và hơn 1.300 trường hợp qua giám định ADN.
Đằng sau những con số biết nói ấy là biết bao tâm huyết, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, chiến sĩ các đội quy tập hài cốt liệt sĩ.
Ban chỉ đạo quốc gia 515 và ban chỉ đạo các cấp đã tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân có liên quan tại Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin liên quan đến bộ đội ta hy sinh, mất tích trong chiến tranh.
Công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ được triển khai sâu rộng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân. Nhiều cá nhân trong và ngoài nước đã chủ động cung cấp thông tin rất quý báu về liệt sĩ.
Khi nỗi đau nhân đôi
Gia đình tôi từng có nỗi đau bị nhân đôi chỉ vì sự vô cảm của người thực thi chính sách thiếu tế nhị.
Ông bà nội tôi có 3 người con trai đầu đều hăng hái tham gia tòng quân chống thực dân Pháp. Bác ruột tôi là con cả trong nhà. Ông hy sinh từ năm 1951 khi đang là đại đội trưởng. Thế nhưng Bảng vàng danh dự được Chủ tịch nước ký tặng gia đình từ cuối những năm 1950 ghi bác tôi hy sinh có ngoặc đơn: mất tích trong chiến đấu.
Vào năm 1971, 20 năm trôi qua, gia đình vẫn mù tịt thông tin về sự ra đi của ông. Một hôm, bà nội tôi lên Phòng LĐ-TB-XH Ủy ban khu hành chính Hồng Bàng, Hải Phòng (nay khu hành chính gọi là quận) để xác minh xem có tin tức gì mới không thì một cô nhân viên buông câu lạnh lùng: “Bác đừng trông chờ mất công. Có nhiều trường hợp hy sinh thời chống Mỹ còn chả tìm được huống hồ con bác hy sinh từ thời chống Pháp. Nay cũng đã 20 năm rồi còn gì nữa mà hy vọng tìm”.
Bà tôi về nhà trong nỗi buồn xen cả sự tức tưởi bởi sự vô cảm của người thực hiện chính sách lạnh tanh kia. Bà ấm ức không chịu nổi nên đã lẳng lặng viết thư gửi ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng ngày đó là Trần Kiên.
Thật bất ngờ, lá thư đó đã khiến ông Kiên động lòng và yêu cầu Uỷ ban khu hành chính Hồng Bàng cử lãnh đạo Phòng cùng cô chuyên viên nọ xuống xin lỗi gia đình tôi.
Một người cô ruột của tôi lên cơ quan đã vô tình kể lại câu chuyện buồn này cho mọi người cùng nghe. Và thêm một lần nữa trong nỗi đau lại có bất ngờ, ông thủ trưởng (cấp lãnh đạo ngành của thành phố) nghe được. Ông nhớ lại hồi kháng chiến có thời gian là đồng đội với bác tôi (do tên bác tôi rất hiếm trùng là Nguyễn Kỳ Tô,đại đội trưởng, thuộc Cơ quan Bộ Tổng tham mưu).
Thế là chính ông sau đó đã xác nhận cho gia đình tôi rằng, bác tôi hy sinh tại vùng Đông Bắc (Quảng Ninh ngày nay) trong một trận tiễu phỉ bị địch phục kích nên cả nhóm trinh sát đã cùng hy sinh với đại đội trưởng. Và người đồng đội ấy chính là ông Nguyễn Dần, sau này trở thành Chủ tịch UBND TP Hải Phòng.
Gia đình mới vui một nửa, đó là được xác nhận năm và địa phận hoạt động rồi hy sinh của bác tôi, nhưng vẫn không tìm thấy hài cốt bác.
Hành trình không ngừng nghỉ
Từ câu chuyện này, tôi càng thấu hiểu nỗi đau của nhiều gia đình mà bao năm trôi qua vẫn chưa tìm ra tung tích, hài cốt của người thân. Chiến tranh càng lùi xa, sự hy vọng càng nhỏ lại bởi xương cốt không có gì che bọc tất sẽ bị phân hủy nhanh.
Vì thế, để có thể tìm kiếm, quy tập được nhiều liệt sĩ hơn sẽ còn là cả một hành trình không ngừng nghỉ. Với những trường hợp đã hy sinh từ thời chống Pháp lại càng khó khăn bội phần. Đơn giản là bởi cuộc chiến ấy đã lùi xa nhiều thập niên, thời gian quá dài nên xương cốt bị phân hủy, chất lượng ADN lưu lại kém nếu không sớm xây dựng ngân hàng lưu trữ ADN liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Có những liệt sĩ không còn thân nhân để lấy mẫu…
Song, tôi tin rằng, trong số vài trăm ngàn liệt sĩ chưa xác định được danh tính, nếu cả hệ thống chính trị có quyết tâm cùng với trách nhiệm trước người hy sinh vì Tổ quốc thì không gì là không thể.
Và nếu như có thêm một gia đình nào may mắn tìm được người thân thì cũng là lúc chúng ta đã bớt đi nỗi buồn cho một gia đình, một dòng họ, một xóm làng có người đã anh dũng hy sinh vì đất nước. Nếu càng chậm trong việc xây dựng ngân hàng gen hài cốt liệt sĩ và thân nhân, các thế hệ sau này càng khó khăn vất vả tìm kiếm hơn nhiều…
Quốc Phong
Tưởng nhớ và tri ân không chỉ có ngày 27/7
Trong tiến trình lịch sử, có lẽ không có quốc gia nào lại phải đối mặt, phải chiến đấu và chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược với thời gian, mật độ, mức độ như Việt Nam.