Tuần Việt Nam trân trọng chia sẻ với bạn đọc nhận định của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, về những cải cách đang được đặt ra sau Đại hội Đảng.

Khơi dậy khát vọng là nghệ thuật của lãnh đạo quốc gia

Sau Đại hội 13, tới đây Việt Nam sẽ có đội ngũ lãnh đạo mới và Chính phủ mới. Hy vọng rằng, những cơ hội mới, chính sách mới sẽ được tạo ra, nắm bắt lấy để thúc đẩy tiến trình cải cách kinh tế của đất nước.

Trong 5 quan điểm phát triển mà báo cáo văn kiện Đại hội nêu ra, có một điểm mới ở chỗ lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu quả.

Chất lượng thể chế và cải cách thể chế là yếu tố quyết định thúc đẩy sự phát triển, quyết định sự thành bại của quốc gia.

“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” là cụm từ được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội. Tuy nhiên, khát vọng của nhân dân và doanh nghiệp (DN) có được thổi bùng lên hay không phụ thuộc vào việc các nhà lãnh đạo có thổi được những khao khát, thúc đẩy được động lực nội sinh của bên trong từng người hay không. Khơi dậy được khát vọng cũng là nghệ thuật của lãnh đạo quốc gia.

{keywords}
TS Nguyễn Đình Cung: Mục tiêu tham vọng là rất quan trọng để tạo hướng chuyển đổi...

Những khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045 đã được thể hiện qua các mục tiêu định lượng. Tuy nhiên, khi đi vào phân tích những mục tiêu cụ thể thì thấy chúng có phần nhẹ hơn so với mục tiêu tổng quát đặt ra. Để trở thành quốc gia phát triển có thu nhập trung bình cao, đất nước phải tăng trưởng bình quân 8% trở lên, cao hơn nhiều so với mức 6-7%.

Để hiện thực hóa khát vọng phát triển, cần tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh nền kinh tế, nguồn lực phải được phân bố theo thị trường thay vì cơ chế xin - cho. Hệ mục tiêu này chưa được chú trọng để tạo đà cho quá trình phát triển năng động, chuyển đổi của nền kinh tế tới đây.

Mục tiêu tham vọng là rất quan trọng để tạo hướng chuyển đổi, tạo áp lực cho sự chuyển đổi, tạo động lực cho sự thay đổi. Khi đặt mục tiêu đủ cao, bên cạnh khát vọng phát triển, thì phải chọn được những người giỏi vào bộ máy để thực hiện được các mục tiêu đó.

Thị trường phân bổ nguồn lực 

Từ năm 2010 liên tục cho đến nay, chúng ta vẫn nói mãi về đột phá chiến lược là cải cách thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhưng trên thực tế chúng ta đã đột phá được gì hay chưa?

Về cải cách thể chế, 10 năm qua chúng ta đặt trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Còn trong 10 năm tới, chúng ta đặt trọng tâm là đổi mới thể chế phân bổ nguồn lực, xây dựng phát triển các thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 

Phải để các loại thị trường này đóng vai trò chủ yếu, quyết định trong phân bổ nguồn lực thay vì mệnh lệnh hành chính hay cơ chế xin - cho hiện nay; nguồn lực nhà nước phải được phân bổ theo nguyên tắc thị trường để đảm bảo tính hiệu quả. 

Trong mấy thập kỷ từ sau Đổi mới, thể chế phân bổ nguồn lực vẫn tiếp tục bị sai lệch, hướng về xin cho và quan hệ thân hữu. Phân bổ nguồn lực sai lệch đã dẫn tới sử dụng nguồn lực sai lệch, kém hiệu quả, dẫn tới một nền kinh tế kém hiệu quả, kém năng lực cạnh tranh. Đây là điểm nghẽn rất cơ bản trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam.

Trong thập kỷ tới đây, nếu chúng ta lật ngược được thể chế phân bổ nguồn lực thì hiệu quả nguồn lực sẽ được nâng cao trong khi vẫn huy được vốn của dân cho phát triển. Ví dụ, ICOR đang 6 giảm xuống 4 thì vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế hơn 8%.

Nếu Việt Nam không phát triển các thị trường nhân tố sản xuất thì nền kinh tế sẽ dậm chân tại chỗ, khiến đà cải cách sẽ cực kì khó khăn. Tuy nhiên, để cải cách được điểm này, cần thay đổi cách thức quản lí của nhà nước; cần xác định rõ vai trò nhà nước và thị trường.

Về đột phá phát triển hạ tầng, cần xác định rõ những dự án, những công trình cần đầu tư phát triển trong 5-10 năm tới và đưa vào nghị quyết, chiến lược để sau này chỉ tập trung triển khai thực hiện để tránh mất thêm 4-5 năm thảo luận, rất lãng phí cơ hội và thời gian. 

Tự do làm thế nào mới quan trọng

Trong một số cuộc thảo luận khoa học gần đây, nhiều người chỉ ra rằng, Việt Nam chỉ cần một đột phá, đó chính là đột phá về tư duy. Tư duy của chúng ta hiện nay còn nhiều ràng buộc, chưa đủ mở để chấp nhận kinh tế thị trường đầy đủ. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì tư duy này thì việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường sẽ không dứt khoát, không triệt để.

Trong thập kỷ tới đây, cải cách chính vẫn là tập trung xây dựng thể chế, phát triển thị trường nhân tố sản xuất. Phân bổ nguồn lực nhà nước theo nguyên tắc thị trường sẽ kéo theo sự thay đổi ở mức độ nào đó về thể chế phân bổ nguồn lực của thị trường.

Việc xây dựng thị trường nhân tố sản xuất cần nhiều thời gian, không chỉ 1-2 năm mà làm được. Sửa đổi luật Đất đai là chìa khoá trong phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường. Trong dự thảo văn kiện cũng đã đưa ra một số định hướng cho sửa đổi luật này.

Chính sách cần tiếp tục nhấn mạnh mở rộng quyền tự do kinh doanh, tháo bỏ những rào cản bất hợp lí đối với tự do kinh doanh và bảo đảm an toàn trong kinh doanh. Vai trò của Nhà nước chuyển nhiều hơn sang hậu kiểm từ tiền kiểm hiện nay. Hậu kiểm không phải là để cho làm trước rồi kiểm tra sau mà là chuyển sang quản lí theo rủi ro, theo mức độ tuân thủ của DN.

Hiện nay, DN mới được tự do làm gì nhưng chưa được tự do làm thế nào. Tự do làm thế nào mới quan trọng. Ta vẫn luôn nhấn mạnh DN phải làm theo quy định, mà làm theo quy định lại gặp nhiều rủi ro. Nếu mở cho DN được tự do làm thế nào thì không gian của DN sẽ được mở rộng hơn và đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh được nhiều hơn.

Để DN được tự do làm thế nào, ta cần thúc đẩy thay đổi tư duy về quản lí nhà nước, về mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Nhà nước không quản lí thị trường mà bổ sung cho thị trường.

Hiện nay, nhà nước đang ở trên, người dân và DN ở dưới để quản lí. Nền kinh tế thị trường không phải như vậy, có những thứ nhà nước có thể can thiệp nhưng còn lại hãy để thị trường giải quyết. Đây cũng là một trong những điểm nghẽn tư duy.

Cần thay đổi từ trong tư duy đến cách thức quản lí nhà nước, vai trò nhà nước, công cụ, kĩ năng quản lí nhà nước. Cần phải có những áp lực để tạo thay đổi, sức sép để thay đổi từ bên trong, từ trên xuống dưới. Áp lực đó có thể đến từ những người lãnh đạo xuất chúng. Chúng ta chờ đợi thời điểm xuất hiện điều này.

Bài 2: Cải cách phải từ Nhà nước

Lan Anh ghi

Làm tổ cho đại bàng nội

Làm tổ cho đại bàng nội

Nếu FDI chỉ chiếm chừng 20-22% GDP, mà chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu là có chuyện. Có nghĩa doanh nghiệp FDI được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của ta mang lại.