LTS: Tuần Việt Nam tiếp tục cuộc trò chuyện với PGS.TS Trần Đình Thiên nhân dịp đầu Xuân mới với chủ đề Kinh tế Việt Nam trước chặng đường mới.  

Như ông đã nói, cách tiếp cận về phát triển doanh nghiệp Việt Nam phải sửa lại. Vậy theo ông, yếu tố nào quyết định nội lực của đất nước ta hiện nay?

PGS.TS Trần Đình Thiên: Đúng vậy. Cần dựa vào năng lực nội địa, dựa vào lực lượng kinh tế trong nước, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng. Doanh nghiệp tư nhân phải là doanh nghiệp Việt.

{keywords}
Cần dựa vào lực lượng kinh tế trong nước... Ảnh: Lê Anh Dũng

Lịch sử đã chứng minh rất rõ, 1980-1986, cả một lực lượng chủ lực là nhà nước và hợp tác xã mà nền kinh tế lâm vào khủng hoảng và không tài nào cứu được. Thế mà, chúng ta chỉ cần áp dụng “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần”, đưa tư nhân vào, nền kinh tế đã nhanh chóng đứng dậy, thoát khỏi khủng hoảng.

Trong giai đoạn 2011-2016, nền kinh tế cũng “lên bờ xuống ruộng”. Tăng trưởng cũng kha khá nhưng vô cùng vất vả vì lạm phát và bất ổn. Chính thời điểm khó, bước vào nhiệm kỳ 2016-2020, Đảng coi tư nhân là động lực quan trọng, thế là kinh tế phục hồi. 

Lời giải thích đơn giản bậc nhất về mặt đường lối, là chúng ta đã đi đúng cốt lõi của kinh tế thị trường. Hàm ý là, chúng ta hãy cứ vận động đúng quy luật thị trường, đừng cố trói buộc. Nếu làm được như vậy, nền kinh tế này có đủ khả năng vượt qua nhiều thứ. Đây là điểm mấu chốt nhất, nếu tới đây chúng ta làm đúng tinh thần của Đảng, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, thì nền kinh tế còn tăng trưởng cao hơn nữa.

Theo nguyên tắc thị trường, kinh tế nhà nước phải bị trói buộc để làm đúng chức năng của nó, và phải tiến hành nhanh cổ phần hóa. Nhưng ta lại không làm như vậy mà bán nhỏ giọt cho tư nhân, chỉ có 5%. Lúc đó, không định hình được chức năng đích thực của khu vực nhà nước, vai trò của tư nhân thì không nhận thức được, lúc đầu chỉ coi khu vực tư nhân là động lực, sau đó mới thêm chữ “quan trọng” thành động lực quan trọng. Đó là một quá trình rất đau đớn.

“Động lực của phát triển” - tư nhân nghe vậy là phấn khởi rồi, vì họ bị trói buộc, phân biệt đối xử quá lâu. Nhưng cá nhân tôi thì thấy như thế vẫn chưa hoàn toàn thỏa đáng. Tư nhân xứng đáng được đối xử tốt hơn thế nhiều chứ. Ý tôi nói họ phải được đối xử công bằng.

Hơn nữa, khu vực kinh tế tư nhân lớn lên và phát triển khi có các tập đoàn tư nhân là trụ cột. Một trong những thất bại đau đớn là nhiều doanh nghiệp FDI thâm dụng lao động không giúp được gì cho Việt Nam mà còn để lại những hậu quả như lao động trẻ mất việc làm.

Vì vậy, hình thành chuỗi giá trị phải là chuỗi của Việt Nam sau đó mới đến khởi nghiệp. Khởi nghiệp không có tập đoàn tư nhân lớn sẽ không có quỹ cho khởi nghiệp. Các trung tâm đổi mới sáng tạo, các trường đại học phải gắn với các tập đoàn lớn.

Giáo dục sáng tạo: Bỏ nền tảng học vẹt, học gì thi nấy  

Việt Nam đã phát động chiến lược Make in Vietnam và phong trào này bắt đầu cuốn hút được một số doanh nghiệp. Ông nhìn nhận ra sao?

5G của Viettel hay Vinfast đã thể hiện tinh thần Make in Vietnam tương đối rõ. Khái niệm ấy hàm nghĩa những thứ Việt Nam làm được, nhưng ở tầm công nghệ cao.

{keywords}
PGS.TS Trần Đình Thiên: Nguồn lực quyết định của kinh tế số, kinh tế công nghệ cao là trí tuệ và thông tin, chứ không phải cơ bắp, đất đai và quặng mỏ

Tuy nhiên, làm ban đầu không dễ. Quan trọng nhất là tập trung vào hai việc. Thứ nhất, tạo cơ chế, chính sách cho nền kinh tế số. Nền kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ cao, nguồn lực khác hẳn, lấy trí tuệ, tri thức, thông tin và công nghệ cao làm nền tảng. Cơ chế, chính sách vận hành chúng phải khác hẳn hệ thống thể chế của nền kinh tế dựa chính vào nguồn lực vật thể.

Nguồn lực quyết định của kinh tế số, kinh tế công nghệ cao là trí tuệ và thông tin, chứ không phải cơ bắp, đất đai và quặng mỏ. Phải tạo ra một môi trường để khuyến khích sáng tạo và lao động trí tuệ, nếu không thì chảy máu chất xám ra ngoài hết. Cứ nhìn vào bộ luật Lao động sửa đổi và tinh thần của nó thì thấy, chúng ta vẫn còn tư duy quản lý lạc hậu lắm, chưa biết thúc đẩy sáng tạo đâu. 

Thứ hai là phát triển nguồn nhân lực, tạo ra nhân lực trí tuệ - theo một cách khác hẳn hiện nay. Tất nhiên, đầu tiên vẫn phải là giáo dục, nhưng là giáo dục sáng tạo. Phải bỏ nền tảng học thuộc, học vẹt, học gì thi nấy, không có sáng tạo.

Hệ thống giáo dục đang hì hục sửa những cái cũ. Sửa mãi vẫn chưa được. Tôi nói không phải sửa, không sửa được đâu. Vì sửa chỉ là cố giữ cái cũ thôi. Phải thay nguyên lý, dạy độc lập sáng tạo, khuyến khích sáng tạo. Bắt đầu học đổi mới sáng tạo, đưa ra những bài toán đố để học sinh tự giải, thậm chí đến lúc yêu cầu học sinh tự ra bài toán, tự giải. Hoàn toàn làm được chứ.

Tại sao mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo thành công trên thế giới? Vì có doanh nghiệp tham gia vào đó. Học sinh, sinh viên, người trẻ có khát vọng bắt đầu có ý thức rõ ràng về chuyện đó rồi, cộng thêm tinh thần doanh nhân vào nữa, để khởi nghiệp.

Nếu bộ lọc không tốt, cơ lại thành nguy

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể tự tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ đứng dậy mạnh mẽ trong năm 2021 và lâu hơn nữa, như nhiều phân tích, thưa ông?

Cơ hội mở ra cũng lớn. Covid-19 khiến các chuỗi sản xuất dịch chuyển mạnh, đẩy nhanh hệ quả của xung đột Mỹ - Trung Quốc. Covid-19 làm cho cấu trúc của nền kinh tế thế giới thay đổi, hướng mạnh đến công nghệ cao.

Những dịch chuyển trong năm 2020 tạo một thế phát triển khác hẳn. Không chỉ dịch chuyển về mặt địa lý, mà cả về đẳng cấp, công nghệ, khi thương mại điện tử lên ngôi.

Việt Nam ở một tọa độ có nhiều cơ hội đặc biệt. Vì sao? Vì Việt Nam là điểm sáng, là thị trường không nhỏ. Tăng trưởng 6-7% một năm, tức là dung tích thị trường mỗi năm tăng vài chục tỷ đô, mà cái hay là lại ổn định, nên trở thành ốc đảo mà nhiều tập đoàn đến để tránh rủi ro.

Đặc biệt, ngay trong thời điểm khó khăn của kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn cứ “lăn xả” vào ký 2 hiệp định thương mại lớn thế hệ mới. Hiệp định thương mại hay ở chỗ, nó tạo ra một môi trường mà ai đến Việt Nam sẽ dễ hưởng lợi. Việt Nam bỗng dưng thành “hub” về thương mại.

Nhưng vấn đề là chính Việt Nam, ý tôi nói là các doanh nghiệp Việt, chủ thể kinh tế, hưởng lợi thế nào. Nguy và cơ đều bộc lộ. Nếu cơ hội quá lớn mà ta không chuẩn bị năng lực thì người khác hưởng hết.

Nếu không có bộ lọc tốt, thì luồng vốn đổ về khéo lại “rác rưởi” nhiều, độc hại nhiều, yếu kém rất nhiều, và chắc chắn những loại ấy bao giờ cũng đi trước. Như thế bản chất là cơ thành nguy. Đó là điều mà năm 2021 phải đặc biệt chú ý.

Lan Anh 

Làm tổ cho đại bàng nội

Bài 1: Làm tổ cho đại bàng nội

Nếu FDI chỉ chiếm chừng 20-22% GDP, mà chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu là có chuyện. Có nghĩa doanh nghiệp FDI được hưởng hầu hết lợi ích thương mại do nỗ lực hội nhập của ta mang lại.